Nhà chung cư rủi ro động đất cao hơn, chuyên gia nói gì?

Nếu xảy ra động đất 7.7 độ thì phần lớn nhà mặt đất ở Việt Nam có nguy cơ cao bị sập chứ đừng nói đến chung cư. Vậy bỏ chung cư để ở mặt đất phòng tránh rủi ro động đất là điều không mang lại ý nghĩa.

Kêu gọi hạn chế mua chung cư vì rủi ro động đất

Động đất mạnh hơn 7 độ ở Myanmar xảy ra lúc 13h20 ngày 28/3, khiến TP HCM, Hà Nội bị rung chấn. Trong đó, hiện tượng rung lắc ở TP HCM được ghi nhận diện rộng tại nhiều tòa nhà cao tầng, kéo dài gần 20 giây.

Sau rung chấn, một số căn hộ chung cư ở khu vực quận 6,7, 8 và TP Thủ Đức xuất hiện vết nứt dài, bong tường, nghi do ảnh hưởng của rung lắc, khiến cư dân hoang mang. Tại chung cư Diamond Riverside, phường 16, quận 8, hơn 340 căn hộ được ghi nhận nứt tường, một số vị trí hành lang, sân thượng nền bị phồng, bong gạch. Các căn bị nứt nằm rải rác ở cả 4 block, tùy vị trí có các vết nứt nhẹ hoặc sâu.

Nhiều người hoảng loạn chạy xuống đường sau rung lắc động đất ngày 28/3.

Nhiều người hoảng loạn chạy xuống đường sau rung lắc động đất ngày 28/3.

Trên các mạng xã hội xuất hiện nhiều chủ đề về việc dời khỏi các tòa nhà chung cư, chọn sống ở mặt đất để đảm bảo an toàn khi có động đất. Một trong những nội dung chia sẻ trên facebook là: "Vài kiến trúc sư cho biết, nếu Hà Nội, Sài Gon xảy ra động như Myanmar thì sẽ không còn chung cư nào đứng vững. Bởi vậy, bà con hạn chế mua và ở chung cư. Động đất hoàn toàn có thể xảy ra ở Hà Nội, Sài Gòn bất cứ thời điểm nào"

TS Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia về biến đổi khí hậu và cảnh báo thiên tai cho biết, đa số các diễn đàn, hội nhóm này là những phát biểu cảm tính không dựa vào khoa học, gây hoang mang cho cộng đồng.

Trên thực tế, Việt Nam là nơi có nguy cơ về động đất thấp nhất thế giới do chúng ta không ở vị trí của "vành đai lửa" và ranh giới của các mảng kiến tạo địa chất, không nằm ở các rãnh đứt gãy chính nên lịch sử chưa từng xảy ra các trận động đất lớn diện rộng. Hai khu vực có xuất hiện động đất ở Việt Nam là vùng Tây Bắc giáp Lào - Trung Quốc và vùng Kon Tum.

Vùng Tây Bắc giáp Lào từng ghi nhận có động đất lớn nhất là 6,8 độ năm 1935, sau đó rải rác có các động đất lớn hơn 3,5 độ và dưới 6,5 độ. Khu vực Hà Nội không phải tâm chấn nên chỉ ghi nhận rung chấn không vượt quá 5 độ.

"Nếu xảy ra động đất 7.7 độ thì phần lớn nhà mặt đất ở Việt Nam có nguy cơ cao bị sập chứ đừng nói đến chung cư. Vậy bỏ chung cư để ở mặt đất mà vẫn bị sập thì bỏ đi đâu? Vậy nên sự ví von kia là nhằm gây hoang mang chứ không phải cảnh tỉnh.

Với động đất 5.5 độ richter trở xuống thì các chung cư cao tầng sẽ rung lắc, có thể bị nứt tường nếu chất lượng xây dựng rất kém nhưng khó xảy ra sập được. Trường hợp tòa nhà Tổng kiểm toán ở Bangkok bị sập khi đang hoàn thiện là một trường hợp cá biệt (đang bị nghi ngờ là do thiết kế và chất lượng xây dựng). Ngoài ra không tòa nhà nào ở Bangkok bị sập trong động đất vừa qua", TS Nguyễn Ngọc Huy nói.

TS Nguyễn Tấn Tiên, điều phối viên ngành Kỹ thuật xây dựng tại trường Đại học Việt Đức (VGU) cho biết, biết tâm lý lo sợ, hoang mang sau rung chấn có thể hiểu được nhưng chuyển chỗ ở là "lo quá xa". Trên thực tế khả năng chịu động đất của các công trình cao tầng ở Việt Nam khá tốt do được thiết kế theo tiêu chuẩn châu Âu (Eurocode 8). Tiêu chuẩn này rất chú trọng khả năng chịu tải trọng động đất.

Ảnh hưởng đến nhà cao tầng là nhỏ và ít gây thiệt hại

GS Trần Tuấn Anh, Viện trưởng Viện Các Khoa học Trái Đất, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết, Khu vực Myanmar nằm ở ranh giới kiến tạo mảng Ấn Độ, Âu - Á, Sunda, nên có các trận động đất rất mạnh. Trong khoảng 100 năm gần đây, khu vực này đã xảy ra 6 trận động đất lớn hơn 7; cao nhất là trận năm 1912 có độ lớn đến 7,8. Nhìn chung các trận động đất ở xa ảnh hướng yếu đến Việt Nam.

Vừa qua, các nhà cao tầng ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh bị rung lắc là do ảnh hưởng của trận động đất đó. Hiện tượng này vẫn xảy ra trong các năm gần đây khi có các động đất lớn ở Lào, Trung Quốc… Các ảnh hưởng chủ yếu là rung lắc ở các nhà cao tầng ở các thành phố lớn. Tuy nhiên, các ảnh hưởng (như hiện tượng rung lắc) trên cũng nhỏ và khó có khả năng gây thiệt hại.

Để phòng, chống, giảm nhẹ thiệt hại do động đất, sóng thần, hiện nay, Việt Nam đã có bản đồ đánh giá nguy hiểm về động đất và một số kịch bản về sóng thần. Tuy nhiên các bản đồ này cần thiết cập nhật bổ sung các số liệu những năm gần đây.

Bản đồ phân vùng nguy hiểm động đất nhằm xác định các vùng phát sinh động đất trên lãnh thổ Việt Nam. Nhờ vào bản đồ này, chúng ta có thể biết được thời điểm động đất lặp lại trong 1.000 năm, 500 năm và 20 năm. Hay nói cách khác, các nhà khoa học có thể dự báo được động đất tại Việt Nam.

Tuy nhiên, để xây dựng các bản đồ trên, ngoài số liệu về động đất, các nhà khoa học phải nghiên cứu về đứt gãy, khảo sát địa chấn, địa chất kiến tạo, tính toán lại các thông số và diễn giải dễ hiểu để người dùng sử dụng thuận tiện.

Theo thông lệ các nước trên thế giới, khoảng 5-10 năm, số liệu sẽ được cập nhật một lần. Bản đồ phân vùng nguy hiểm động đất của Việt Nam trong khoảng 10-20 năm gần đây chưa được cập nhật số liệu.

Theo TS Nguyễn Tấn Tiên, sau dư chấn, nếu công trình bị hư hại cần có khảo sát, đánh giá cụ thể mức độ nghiêm trọng, kiểm tra các vết nứt, độ nghiêng, độ võng của các cấu kiện mà có các phương án gia cố và sửa chữa phù hợp.

Nếu bị hư hỏng nhẹ, ví dụ nứt tường có thể trát xây thêm, gia cường cột dầm bằng các cột thép, hoặc bổ sung hệ giảm chấn cho tòa nhà. Trong trường hợp nghiêm trọng hơn, để tránh sụp đổ và an toàn có thể phải di dời hoặc tháo dỡ nếu cần thiết.

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nha-chung-cu-rui-ro-dong-dat-cao-hon-chuyen-gia-noi-gi-169250401154708668.htm