Từ 1/7, người bệnh mãn tính được cấp thuốc ngoại trú trên 30 ngày
Theo Bộ Y tế, từ ngày 1/7, người mắc một số bệnh mạn tính sẽ không còn phải quay lại bệnh viện hằng tháng để lấy thuốc như trước, mà sẽ được cấp thuốc trên 30 ngày. Danh mục cấp thuốc trên 30 ngày có tổng cộng 252 bệnh.
Theo thông tư Bộ Y tế vừa ban hành ngày 30/6, người bệnh mắc một số bệnh mạn tính thuộc danh mục cho phép sẽ được kê đơn thuốc ngoại trú trên 30 ngày, thay vì giới hạn tối đa 30 ngày trước đây, thực hiện từ 1/7.
Đây được coi là bước tiến mới nhằm tháo gỡ những bất tiện kéo dài suốt nhiều năm qua, giảm quá tải bệnh viện, đặc biệt tạo thuận lợi cho người bệnh ở vùng sâu, vùng xa, người cao tuổi hoặc người gặp khó khăn trong việc đi lại.
Theo đó, danh mục bệnh, nhóm bệnh được áp dụng kê đơn thuốc ngoại trú trên 30 ngày do Bộ Y tế ban hành. Cụ thể, có 16 nhóm bệnh là các bệnh về nhiễm trùng, ký sinh trùng; bệnh của máu; bệnh tâm thần; bệnh nội tiết, dinh dưỡng và chuyển hóa…

Người bệnh mãn tính điều trị ổn định sẽ được kê đơn thuốc trên 30 ngày.
Các bệnh mạn tính phổ biến được cấp thuốc trên 30 ngày như tăng huyết áp, đái tháo đường, hen phế quản, COPD, rối loạn lo âu, trầm cảm... cho đến viêm gan B mạn tính, HIV/AIDS, suy giáp, suy tuyến yên, Parkinson, Alzheimer, sa sút trí tuệ, các bệnh về máu và miễn dịch như Thalassemia, xơ cứng cột bên teo cơ, cũng như một số bệnh phụ khoa ở tuổi vị thành niên như rong kinh tuổi dậy thì. Danh mục này có tổng cộng 252 bệnh.
Vấn đề cấp thuốc ngoại trú trên 30 ngày đã được Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề xuất lâu nay. Vào tháng 11/2024, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội) là bệnh viện đầu tiên trên cả nước thí điểm kê đơn thuốc ngoại trú trên 30 ngày đối với một số bệnh, nhóm bệnh. Sau một thời gian triển khai, bước đầu ghi nhận nhiều kết quả khả quan, như đối với người bệnh vẫn đảm bảo được đúng quyền lợi được thụ hưởng theo quy định BHYT, đồng thời tiết kiệm được thời gian, giảm chi phí đi lại, giảm thời gian chờ đợi, tăng sự hài lòng.
Đối với cơ sở y tế đã nâng cao chất lượng phục vụ, giảm tải cho khối khám bệnh, tạo điều kiện để bệnh viện tập trung nguồn lực cho phát triển chuyên sâu, ứng dụng kỹ thuật cao, điều trị các bệnh nhân cấp cứu, hồi sức nặng và không ngừng cải cách hành chính, chuyển đổi số mạnh mẽ. Lợi ích đối với các cơ quan quản lý, đặc biệt là cơ quan BHXH giảm được chi phí khám bệnh, sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn, phù hợp hơn nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe toàn dân.
Về thông tư Bộ Y tế vừa ban hành, theo ông Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, không phải cứ thuộc danh mục bệnh là mặc nhiên sẽ được kê thuốc trên 30 ngày. Bác sĩ phải đánh giá kỹ tình trạng của từng bệnh nhân trước khi quyết định số ngày cấp thuốc, có thể là 30, 60 hoặc 90 ngày.
Thông tư cũng quy định rõ người kê đơn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về đơn thuốc của mình, đảm bảo phù hợp với chẩn đoán, mức độ ổn định của bệnh và khả năng người bệnh tự theo dõi điều trị tại nhà.
Trong trường hợp thuốc chưa dùng hết nhưng bệnh diễn biến bất thường, hoặc người bệnh không thể tái khám đúng hẹn, bắt buộc phải quay lại cơ sở y tế để được bác sĩ đánh giá và điều chỉnh đơn thuốc nếu cần.
Ông Dương cũng cho biết Bộ Y tế sẽ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm bảo đảm an toàn cho bệnh nhân và khẳng định, kê đơn dài ngày chỉ áp dụng với các bệnh ổn định, phác đồ điều trị rõ ràng, thuốc an toàn và không đòi hỏi xét nghiệm thường xuyên. Đồng thời, người bệnh cũng cần được hướng dẫn kỹ lưỡng để theo dõi sức khỏe, phát hiện sớm các tác dụng không mong muốn nếu có.