Đừng lạm dụng bổ sung vitamin cho trẻ!
Vitamin đóng vai trò quan trọng trong quá trình tăng trưởng, phát triển trí tuệ và miễn dịch của trẻ nhỏ. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh hiện nay bổ sung vitamin cho con theo cách 'phòng xa', lạm dụng, điều này có thể gây ra nhiều hệ lụy.
Vai trò không hề nhỏ đối với trẻ em
Vitamin là nhóm dưỡng chất chỉ cần với lượng rất nhỏ trong khẩu phần hằng ngày, nhưng lại đóng vai trò không thể thiếu trong cơ thể. Ở trẻ em, vitamin không chỉ giúp chuyển hóa năng lượng từ thức ăn, mà còn tham gia vào quá trình tổng hợp hormon, enzym, hình thành các mô liên kết, hỗ trợ miễn dịch và bảo vệ tế bào khỏi tổn thương. Thiếu hụt vitamin, dù chỉ một loại, cũng có thể ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của trẻ.
Tiến sĩ Đỗ Thị Nguyệt Quế (Giảng viên Khoa Dược lý – Dược Lâm sàng, Trường Đại học Dược Hà Nội) cho biết: "Các loại vitamin tham gia vào rất nhiều quá trình chuyển hóa như chuyển hóa protid, lipid, glucid, tổng hợp các chất dẫn truyền thần kinh, tạo collagen, thúc đẩy hấp thu sắt và điều hòa miễn dịch. Vì vậy, dù là trẻ nhỏ giai đoạn đang phát triển mạnh hay người trưởng thành thì việc bổ sung vitamin đúng cách đều vô cùng quan trọng".

Tiến sĩ Dược lý Đỗ Thị Nguyệt Quế (Trường Đại học Dược Hà Nội).
Đơn cử, một loại vitamin quen thuộc với các bậc cha mẹ như vitamin C đóng vai trò tạo collagen và mô liên kết ở xương, răng, mạch máu; hỗ trợ chuyển hóa chất béo, đường, đạm; tổng hợp hormone tuyến thượng thận và tăng sức đề kháng. TS. Quế nhấn mạnh: "Vitamin C còn giúp tăng tạo interferon, giảm nhạy cảm với histamine – chất gây dị ứng, chống stress và chống oxy hóa. Khi thiếu, tất cả các chức năng này đều bị ảnh hưởng, dẫn tới nhiều vấn đề sức khỏe, đặc biệt là với trẻ em và người có nhu cầu cao".
Nhu cầu vitamin của trẻ em là có thật, nhưng phần lớn có thể được đáp ứng thông qua bữa ăn hàng ngày nếu khẩu phần đủ rau xanh, trái cây, ngũ cốc, sữa, thịt, cá… Điều đáng lo ngại là hiện nay, thay vì tăng cường dinh dưỡng qua thực phẩm, nhiều phụ huynh lại lựa chọn cách nhanh hơn là bổ sung bằng viên uống, siro, viên sủi,… mà không có sự chỉ định của bác sĩ. Một số người còn cho con sử dụng thường xuyên suốt nhiều tháng, thậm chí nhiều loại cùng lúc, dẫn đến nguy cơ thừa chất mà không hề hay biết.
Nguy hiểm khi lạm dụng
Khác với quan niệm phổ biến rằng vitamin lành tính và có thể uống thoải mái, việc sử dụng vitamin không đúng cách hoàn toàn có thể gây hại cho sức khỏe. Với những vitamin tan trong dầu như vitamin A, D, E, K thì khả năng tích tụ trong cơ thể là rất lớn. Việc thừa kéo dài có thể dẫn đến ngộ độc mạn tính mà biểu hiện không rõ ràng, dễ bị bỏ qua.
Lấy ví dụ về vitamin A, một trong những loại dễ bị lạm dụng ở trẻ do được đưa vào các sản phẩm thuốc bổ hoặc sữa tăng chiều cao, TS. Quế cảnh báo: "Vitamin A là chất tan trong dầu, có thể gây ngộ độc cấp và mạn tính. Ngộ độc cấp xảy ra khi trẻ em dùng trên 300.000 IU/ngày. Ngộ độc mạn tính có thể xuất hiện chỉ với liều từ 100.000 IU/ngày trong vòng 10–15 ngày, biểu hiện bằng rối loạn tiêu hóa, gan to, rụng tóc, phù nề, tăng áp lực nội sọ. Đặc biệt, với phụ nữ mang thai, thừa vitamin A trong 3 tháng đầu còn có nguy cơ gây dị tật thai nhi".
Không dừng lại ở vitamin A, TS. Quế cũng cảnh báo về tình trạng dùng quá liều vitamin C, loại vitamin vốn được xem là "vô hại" và được quảng bá rộng rãi. Trong khi nhu cầu thực tế của trẻ chỉ khoảng 30-45 mg/ngày, nhiều sản phẩm trên thị trường lại chứa 500-1000 mg, thậm chí có nơi khuyến cáo uống tới 2000 mg/ngày. Việc này không chỉ gây lãng phí mà còn làm tăng gánh nặng cho gan, thận, tăng nguy cơ rối loạn chuyển hóa và ảnh hưởng chức năng tiêu hóa.

Không nên tùy tiện bổ sung vitamin cho trẻ.
Cần nhấn mạnh rằng, mỗi loại vitamin đều có hai liều lượng riêng biệt: liều điều trị và liều bổ sung. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh không phân biệt được, dễ sử dụng liều điều trị như liều bổ sung thường xuyên, điều này là vô cùng nguy hiểm. "Không phải cứ uống nhiều vitamin là khỏe. Ngược lại, nếu dùng sai liều, sai mục đích, kéo dài mà không có chỉ định cụ thể, vitamin có thể trở thành "con dao hai lưỡi" âm thầm tàn phá sức khỏe trẻ em", TS. Quế cảnh báo.
Để đảm bảo an toàn khi bổ sung vitamin cho trẻ, cần dựa vào độ tuổi và nhu cầu thực tế. Theo Bảng nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị cho người Việt Nam (RNI) do Viện Dinh dưỡng Quốc gia công bố (Thông tư 43/2014/TT-BYT, phiên bản hợp nhất 2023), trẻ em Việt Nam từ 1 đến 9 tuổi cần khoảng 400–500 µg vitamin A/ngày và 30–35 mg vitamin C/ngày, trong khi trẻ từ 10–12 tuổi cần khoảng 600 µg vitamin A và gần 45 mg vitamin C mỗi ngày. Những mức nhu cầu này hoàn toàn có thể đáp ứng được thông qua chế độ ăn đa dạng với rau xanh, trái cây tươi, trứng, cá, sữa và các loại ngũ cốc.
Chỉ trong những trường hợp đặc biệt như trẻ biếng ăn kéo dài, suy dinh dưỡng, mắc bệnh lý mạn tính hoặc có xét nghiệm xác định thiếu vi chất, cha mẹ mới cần bổ sung vitamin dưới dạng thuốc, và điều quan trọng là phải thực hiện theo chỉ định của bác sĩ. Việc bổ sung tùy tiện hoặc lạm dụng các sản phẩm chức năng, đặc biệt là vitamin A và C ở liều cao, có thể dẫn đến rối loạn chuyển hóa, ảnh hưởng đến gan, thận và gây hại cho sức khỏe trẻ nhỏ trong dài hạn.
Từ đây, phụ huynh cần lưu ý 4 nguyên tắc vàng để bổ sung vitamin an toàn cho trẻ: Thứ nhất, ưu tiên bổ sung bằng thực phẩm tự nhiên. Thứ hai, chỉ dùng thuốc bổ sung khi thực sự cần thiết. Thứ ba, tuân thủ đúng liều lượng và hướng dẫn của bác sĩ. Thứ tư, không kéo dài thời gian dùng vitamin nếu không có chỉ định, và nên theo dõi sức khỏe để đánh giá lại nhu cầu.
Vitamin là chất sống còn nhưng nếu thiếu là một nỗi lo, thì thừa cũng có thể trở thành hiểm họa. Cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe vẫn là chế độ ăn cân bằng, phong phú và hiểu đúng về vai trò, liều lượng của từng loại vitamin thay vì sa đà vào "mốt uống vitamin mỗi ngày" đang nở rộ hiện nay.
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/dung-lam-dung-bo-sung-vitamin-cho-tre-16925070110012449.htm