Từ 14 xã 'trắng' giáo dục vươn lên tốp đầu khu vực
Năm 1991, xã Thào Chư Phìn (Si Ma Cai) nằm trong danh sách 14 xã 'trắng' về giáo dục trên địa bàn tỉnh. Vậy nhưng chưa đến 10 năm sau, Thào Chư Phìn cũng như 13 xã 'trắng' khác và các địa phương trong tỉnh đều hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học. Đến năm 2005, xã Thào Chư Phìn còn đạt chuẩn phổ cập giáo dục đúng độ tuổi và đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS.
Kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Lào Cai (1/10/1991 - 1/10/2021):
Thào Chư Phìn có 100% dân số là dân tộc Mông sinh sống. Những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, giáo dục ở đây xếp vào danh sách xã “trắng”. Nguồn lực đầu tư của Nhà nước hạn hẹp, trường, lớp ban đầu chỉ là nhà tranh, vách đất, nhưng nhờ có cách làm sáng tạo của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trong tuyên truyền, vận động, người dân dần hiểu được tầm quan trọng của giáo dục, thấy việc cho con em đi học là cánh cửa mở vươn lên thoát nghèo ở mảnh đất vùng cao đất cằn, sỏi đá.
Bà con hiểu rõ nên nhà nhà đồng lòng, bảo nhau cùng với các thầy cô giáo thực hiện mô hình trường bán trú dân nuôi. Học sinh phần lớn nhà cách trường vài tiếng đồng hồ đi bộ đường rừng nên được ở bán trú là thuận tiện nhất. Cha mẹ học sinh đóng góp lương thực, thực phẩm và thay phiên nhau tới trường nấu ăn cho các con.
Đưa chúng tôi tham quan Trường PTDT bán trú Tiểu học Thào Chư Phìn, cô giáo Nguyễn Kiều Oanh, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Si Ma Cai chỉ tay về phía khu nội trú, nhà ăn tập thể, nói: Sự học ở Thào Chư Phìn phát triển bắt đầu từ mô hình trường, lớp bán trú dân nuôi, giúp học sinh đến tuổi đều được đi học. Từ xã “trắng” về giáo dục, Thào Chư Phìn giờ không chỉ đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS, mà tỷ lệ học sinh học THPT sau đó thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng, đi học nghề ngày càng tăng.
Ở thời điểm mới tái lập, ngoài 14 xã “trắng” về giáo dục, Lào Cai còn gặp muôn vàn khó khăn khác, trong đó có nguồn nhân lực. Cả tỉnh khi đó có chưa đầy 4.000 cán bộ, giáo viên, nhiều giáo viên chưa đạt chuẩn. Đây là khó khăn rất lớn trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển giáo dục cả trước mắt cũng như lâu dài. Chính vì vậy mà việc đào tạo, nâng cao cả về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực giáo dục đã được tỉnh dành sự quan tâm, chăm lo đặc biệt. Ngay trong năm đầu tái lập tỉnh, ngành giáo dục đã triển khai nhiều giải pháp linh hoạt để khắc phục khó khăn này.
Nhà giáo ưu tú Cao Văn Tư, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lào Cai cho biết: Đội ngũ giáo viên khi ấy thiếu trầm trọng. Vì vậy, trước hết là phát huy cao tinh thần trách nhiệm của những nhà giáo và khích lệ kịp thời để họ hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, bám sát địa bàn vùng cao. Thứ hai là thực hiện chủ trương của tỉnh, ngành giáo dục đã mở ngay Trường Trung cấp Sư phạm.
1 năm sau ngày tái lập tỉnh, Trường Trung cấp Sư phạm tỉnh được thành lập. Vậy nhưng, ngay ở chính ngôi trường đào tạo nguồn nhân lực cho ngành giáo dục, vấn đề lực lượng giáo viên và tài liệu phục vụ công tác đào tạo cũng là bài toán khó. Nhà giáo Phùng Quang Thục, nguyên Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Lào Cai (tiền thân là Trường Trung cấp Sư phạm Lào Cai) chia sẻ: Hầu hết giáo viên của trường là ở các trường THPT trong tỉnh đưa về. Chúng tôi tự giúp nhau về nghiệp vụ sư phạm, người biết chỉ cho người chưa biết. Trường đã linh hoạt vừa đào tạo hệ 12 + 2, vừa đào tạo hệ 9 + 3, thậm chí vừa đào tạo, vừa công tác để đáp ứng được nhiều nhất số lượng giáo viên cho nhiệm vụ phổ cập giáo dục.
Cùng với đào tạo tại chỗ, tỉnh còn chủ động nhiều giải pháp như liên kết với các trường sư phạm trong cả nước để đào tạo theo nhu cầu, đặc biệt là ban hành các cơ chế, chính sách đẩy mạnh thu hút các thầy, cô giáo về Lào Cai công tác, dần khỏa lấp những khó khăn về nhân lực ở các cơ sở giáo dục trên địa bàn.
Số lượng nguồn nhân lực được tăng cường, chất lượng cũng được đẩy mạnh bằng nhiều biện pháp, trong đó quan trọng hàng đầu là tạo môi trường thi đua dạy tốt, học tốt trong mỗi nhà trường, khích lệ tinh thần “học nữa, học mãi” của mỗi cán bộ, giáo viên. Không ít giáo viên tuyển dụng vào thời điểm tỉnh tăng cường phổ cập giáo dục tiểu học, chống mù chữ trình độ chuyên môn mới ở hệ sư phạm 9 + 3, chưa đạt chuẩn nhưng rất tích cực vừa làm vừa học, tham gia các khóa đào tạo sư phạm do tỉnh tổ chức hoặc tổ chức tại các trường đại học sư phạm trong cả nước.
Từ thiếu thốn về đội ngũ, đến nay, ngành giáo dục và đào tạo Lào Cai đã có 17.539 cán bộ quản lý và giáo viên, trong đó 71,9% giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo theo Luật Giáo dục năm 2019, có tới 50% trình độ trên chuẩn. Lào Cai luôn nằm trong tốp đầu của khu vực Trung du và miền núi phía Bắc về chất lượng đại trà và cả những giải thưởng danh giá đạt được tại các cuộc thi, hội thi khu vực, toàn quốc, quốc tế...
Nhìn lại quá trình dựng xây, phát triển của ngành, bà Dương Bích Nguyệt, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo khẳng định: Chúng tôi tự hào về sự nỗ lực, hy sinh, cống hiến của các thế hệ nhà giáo Lào Cai từ khi tái lập tỉnh đến nay. Chất lượng đội ngũ được nâng cao, cơ sở vật chất, điều kiện dạy và học được Nhà nước đầu tư đồng bộ, hiện đại. Với những hướng đi, cách thực hiện sáng tạo, linh hoạt của mỗi địa phương, của ngành giáo dục, Lào Cai đang khẳng định vị thế trong khu vực và cả nước về hệ thống, chất lượng giáo dục.