Tu-22 của Nga sắp tuyệt chủng?
Nhiều thập kỉ qua Nga đã không tạo ra thêm chiếc Tu-22 nào, trong khi đó những tổn thất do cuộc xung đột gây ra ngày càng cao, khiến Tu-22 ngày càng ít đi.
Việc mất đi những chiếc máy bay ném bom tầm xa Tu-22M3 được xem là tổn thất không nhỏ đối với quân đội Nga, bởi vì đây là những chiếc máy bay ném bom uy lực còn sót lại từ thời Liên Xô.
Sau khi mất một máy bay ném bom chiến lược tầm xa Tu-22M3 ở tỉnh Ikutsk vào ngày 15/8, một câu hỏi được nhiều người đặt ra là, mỗi năm Nga sản xuất được bao nhiêu oanh tạc cơ loại này và hiện tại Lực lượng Không quân Nga còn lại bao nhiêu chiếc.
Tổn thất của Tu-22
Theo thống kê, tổn thất của Tu-22M3 không chỉ do thảm họa tai nạn mà còn do các hành động của Lực lượng Vũ trang Ukraine gây ra, cụ thể như sau:
Một chiếc bị hệ thống tên lửa phòng không S-200 bắn rơi ngày 19/4.
Hai chiếc bị máy bay không người lái tầm xa tấn công làm hư hại tại căn cứ không quân Olenya vào ngày 25/7.
Một chiếc bị phá hủy, 2 chiếc hư hại tại căn cứ không quân Soltsi trong cuộc tấn công bằng máy bay không người lái ngày 19/8/2023.
Ba chiếc bị hư hại trong cuộc tấn công bằng máy bay không người lái tầm xa tại căn cứ không quân Diaghilevo ngày 5/12/2022.
Một chi tiết đáng quan tâm là việc sửa chữa những chiếc máy bay Tu-22M3 bị hư hỏng là một vấn đề cực kỳ khó khăn, do tuổi thọ của những chiếc Tu-22M này đã quá cao, nhiều chiếc đã hết niên hạn sử dụng từ lâu.
Cần phải nói thêm rằng, nhiều thập kỷ qua Nga đã không sản xuất thêm oanh tạc cơ Tu-22M ở bất kỳ biến thể nào, chiếc Tu-22M3 cuối cùng được sản xuất là vào năm 1993. Nguồn dự trữ duy nhất còn lại mà Nga có thể sử dụng là 6 chiếc máy bay đã nằm ngoài trời trong khoảng 30 năm. Ngoài ra, Nga có thể cố gắng khôi phục một số khung máy bay Tu-22 đã ngừng hoạt động và đang được cất giữ trong kho.
Những khó khăn
Nhưng vấn đề chính đối với Nga là họ không còn động cơ máy bay phản lực cánh quạt NK-25 cho Tu-22M3 nữa, bởi vì từ năm 1996 Nga đã ngừng sản xuất động cơ này. Điều đó có nghĩa là để khôi phục dòng máy bay Tu-22M3, thì Nga phải giải quyết được bài toán về động cơ.
Đó là lý do tại sao Nga muốn lắp động cơ NK-32 từ máy bay ném bom hạng nặng chiến lược Tu-160, cho máy bay Tu-22M3M phiên bản hiện đại hóa. Việc sản xuất động cơ phiên bản NK-32-02 đã được nối lại vào năm 2016, nhưng vẫn chưa có thông tin về việc lắp đặt các động cơ này trên Tu-22M3M.
Chương trình hiện đại hóa Tu-22 lên phiên bản M3M, sẽ nâng cấp 80% thiết bị điện tử trên máy bay, mở rộng khả năng mang vũ khí và bổ sung thêm khoang tiếp nhiên liệu trên không, nhằm mục đích kéo dài tuổi thọ của máy bay thêm khoảng 10 năm nữa.
Tuy vậy, tiến độ hiện đại hóa diễn ra rất chậm chạp, đến nay mới chỉ có 2 chiếc Tu-22M3M được thông báo đã hoàn thành. Ngoài ra, điều cần lưu ý là Nga chỉ gửi tối đa 30 máy bay Tu-22M3 để hiện đại hóa thành biến thể Tu-22M3M. Do đó, mỗi lần mất một chiếc Tu-22M3 được xem là tổn thất lớn đối với Nga.
Máy bay mới chưa sản xuất được và tất cả những gì mà Nga có thể làm được lúc này là “phục chế” lại những gì còn sót lại từ thời Liên Xô. Đồng thời, Nga cũng chưa có một loại máy bay ném bom mới nào được phát triển để thay thế cho Tu-22.
Theo Military Balance, tính đến giữa năm 2023 Lực lượng Không quân Vũ trụ Nga có khoảng 57 chiếc Tu-22M3, được vận hành bởi các Trung đoàn Không quân 200, 52 và 40 tại các căn cứ không quân Belaya, Shaykovka và Olenya.
Từ những số liệu thống kê, có thể thấy rằng Lực lượng Không quân Nga đã mất ít nhất 2 chiếc Tu-22M3 và một số chiếc bị hư hỏng. Nhưng trên thực tế, con số này có thể còn nhiều hơn thế nữa, vì không phải tất cả các máy bay Tu-22M3 của Nga đều ở trong tình trạng hoạt động tốt. Cụ thể là những phi vụ xuất kích của Tu-22 trong thời gian gần đây, đã giảm xuống rất nhiều so với thời gian đầu của cuộc xung đột.
Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/thien-nga-trang-tu-22-cua-nga-sap-tuyet-chung-ar890848.html