Từ bài báo của ông Lê Minh Hoan
Không thể đòi người dân không lách luật khi luật có nhiều khe hở. Luật pháp không thể là một mê cung để ai đó đi lạc, mà phải là con đường để mọi người đi tới.
Người bạn là lãnh đạo một tỉnh chuyển cho tôi bài viết của ông Lê Minh Hoan, phó chủ tịch Quốc hội nhan đề "Đứng trên đất thực tiễn, gieo niềm tin pháp luật vào lòng dân", và tôi rất thích một đoạn: "Một lần đi thực tế ở một xã vùng sâu, bắt gặp tấm bảng treo lặng lẽ ngoài cổng trụ sở: "Không phận sự miễn vào". Chữ đỏ, in đậm, treo giữa cổng, nhìn vào tưởng đâu là cổng khu quân sự hay công trường đang thi công. Một bác nông dân dựng xe đạp trước cổng, tay cầm xấp hồ sơ. Thấy ngập ngừng mãi không dám bước vào, hỏi ra, bác nói: "Tui tới xin giấy xác nhận đất đai, chớ không biết mình có… phải phận sự hông. Mấy chữ này làm tui thấy mình lạc chỗ". Một câu nói đơn sơ mà khiến lặng người. Pháp luật là của dân, vì dân, nhưng đôi khi chính người dân lại thấy mình là người đứng ngoài cuộc - bởi sự vô tình của ngôn từ, bởi những khoảng cách vô hình dựng nên giữa cơ quan công quyền với cuộc sống đời thường. Pháp luật, nếu không được xây dựng và thi hành từ sự thấu hiểu con người thì dễ trở thành thứ "treo cao" mà lòng dân thì… lặng im bên ngoài cổng".
Ông Trần Việt Trường - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Tp.Cần Thơ chụp hình lưu niệm cùng các đoàn và cá nhân đến chúc Tết ngày đầu năm mới. Ảnh MT- Kinh tế đô thị.
Nếu tôi nhớ không lầm, thì ông Lê Minh Hoan này, từ khi còn làm chủ tịch rồi bí thư tỉnh Đồng Tháp đã có chủ trương làm "cà phê với doanh nhân – doanh nghiệp" ngay trong khuôn viên Ủy ban Nhân dân (UBND) tỉnh. Đến mức Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam Ousmane Dione khi một lần được ông Hoan tiếp tại đây đã tỏ ra thích thú bởi không khí thân thiện, cởi mở tại quán cà phê đặc biệt này. "Đây là mô hình thể hiện được sự cầu thị, sự chân tình của lãnh đạo địa phương khi họ biết lắng nghe, biết tiếp thu ý kiến của người dân và DN. Khi về Hà Nội, tôi sẽ áp dụng mô hình này tại văn phòng làm việc của mình và sẽ giới thiệu để các cơ quan khác tham quan, học tập mô hình "Cà phê với doanh nhân – doanh nghiệp" của tỉnh Đồng Tháp". Năm 2017, ông Lê Minh Hoan đứng đầu trong tốp 10 "Bí thư Tỉnh ủy của năm" là có phần nhờ cái mô hình hết sức thú vị này.
Vừa rồi tôi có vào Đồng Tháp, nhân dự cái trại sáng tác văn học của Tạp chí Văn Nghệ Quân đội thì thấy không chỉ mô hình cà phê này vẫn còn, mà cái trụ sở UBND tỉnh này còn mở cửa cho dân vào tham quan. Nghe bảo nó cũng là ý tưởng của ông Hoan trước khi ra làm bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Và tôi cũng được nghe nhà thơ Nguyễn Hữu Nhân kể về một cuộc "làm việc cà phê" rất... cà phê. Ấy là lãnh đạo hội Văn học Nghệ thuật đăng ký làm việc với UBND tỉnh về chủ trương phối hợp với Tạp chí Văn Nghệ Quân đội mở cái trại sáng tác ngay tại "quán cà phê". Sau khi nghe hội trình bày vắn tắt, các cơ quan chuyên môn phát biểu, lãnh đạo tỉnh chốt luôn, chưa quá 15 phút, việc cứ thế ro ro.
Thường ở ta, đúng như ông Hoan phát hiện mà tôi trích ở phần đầu, các cơ quan nhà nước đa phần... kín cổng cao tường, chả cứ UBND, mà các sở ban ngành cấp tỉnh, một số phòng ban cấp huyện cũng thế, cũng đều có bảng rất nghiêm trọng: "không phận sự miễn vào", có nơi còn dùng chữ "cấm vào", có cảnh sát gác 24/24, không phải ai cũng đủ can đảm để bước vào một cách tự tin khi có việc. Và khi đã mất hoặc thiếu tự tin, đã thấy mình mang tâm thế nhờ vả, tâm thế xin xỏ, quỵ lụy... thì công việc nó sẽ khác, kết quả nó cũng khác. Nó không còn là sự bình đẳng, tương tác như nhẽ ra phải có.
Ngay tôi hồi còn đi làm, là nhà báo cũng có tuổi có tên, nhiều khi vào một cơ quan nào đấy, dù đã "tắt máy xuống xe xuất trình giấy tờ" cũng phải cò cưa một lúc mới được vào, thì huống gì dân, nhất là dân ở dưới làng, dưới xã, dưới huyện...
Lại cũng một bạn lãnh đạo một tỉnh kể với tôi: "Em còn ước mơ là bỏ hàng rào cơ quan ra, tất cả các cơ quan đều bỏ hàng rào chứ ai đâu vào đấy ăn cắp ăn trộm gì? Hồi em đi Pháp, vào bộ Tài chính của họ, treo dọc hành lang là tranh và ở sảnh có đàn piano. Trời ơi em mê. Hồi mới lên UB tỉnh, em đề nghị làm tại sảnh cái bàn và kệ sách báo, thêm máy pha cà phê để khách đến liên hệ công việc thì ngồi chờ, nhưng mà rồi... thất bại, không được chấp nhận".
Hồi trụ sở UBND tỉnh Gia Lai mới khánh thành, vị chủ tịch khi ấy đã hân hoan dẫn tôi đi thăm và khoe mấy cái hành lang treo ảnh và tranh của mấy họa sĩ và nghệ sĩ nhiếp ảnh của tỉnh (không biết trong phòng làm việc có treo không vì tôi không được vào), tôi có nói là, giá mà dân cũng được vào đây ngắm tranh và ảnh như anh em ta?
Cái kết bài báo của ông Lê Minh Hoan cũng là một gợi mở hết sức thú vị: "Văn hóa tuân thủ bắt đầu từ sự tử tế của cả hai phía. Không thể đòi người dân tuân thủ khi chính sách thiếu minh bạch. Không thể đòi doanh nghiệp tuân thủ khi thủ tục hành chính rối rắm. Không thể đòi người dân không lách luật khi luật có nhiều khe hở. Luật pháp không thể là một mê cung để ai đó đi lạc, mà phải là con đường để mọi người đi tới. Câu chuyện ấy không nằm trong giáo trình luật học nào, nhưng lại là bài học quý giá về niềm tin vào pháp luật, về khoảng cách giữa con chữ và cuộc sống, giữa chính sách và tâm lý hành vi của người dân".
Người dân thích thú khi được check in cảnh đẹp tại trụ sở UBND tỉnh Sóc Trăng. Ảnh Xuân Lương- Kinh tế đô thị.
Ngoài Đồng Tháp, tôi biết UBND Tp.HCM cũng có lịch thường xuyên đón du khách vào tham quan trụ sở các dịp lễ. Đây là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia có hơn 110 năm tuổi. Và đây cũng là điểm nhấn trong chiến dịch quảng bá du lịch "Tp.HCM chào đón bạn - Welcome to Ho Chi Minh City". Sản phẩm du lịch này đã góp phần xây dựng hình ảnh chính quyền TP.HCM thân thiện, cởi mở và gần gũi. Và không chỉ 2 nơi này, hai tỉnh thành phố miền Tây khác mà tôi biết là Sóc Trăng và Cần Thơ, cũng mở cửa đón dân vào tham quan các dịp tết, ngoài việc trang trí trụ sở xanh đẹp thì còn có lãnh đạo trực để tiếp dân, chụp ảnh với dân.
Một bạn văn nói vui với tôi: phía Nam phóng khoáng nên nhiều trụ sở mở cửa cho dân vào, phía Trung và Bắc chặt chẽ hơn. Nhưng giờ, với tinh thần cởi mở, các cơ quan công quyền đúng nghĩa là phục vụ dân thì chắc là cái sự các trụ sở cơ quan nhà nước mở cửa một cách thân thiện chắc cũng không còn xa...
Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/tu-bai-bao-cua-ong-le-minh-hoan-20425051514380848.htm