Từ bài học làm sạch sông Tô Lịch: Đừng xả thải thẳng ra sông

Sinh ra và lớn lên cạnh sông Tô Lịch, theo trí nhớ của người viết, cách nay gần nửa thế kỷ, nước sông Tô Lịch đã là một màu đen đặc trưng của nước thải. Tất nhiên không kinh khủng như bây giờ.

Theo thời gian, số lượng người dân sinh sống ở Hà Nội nói chung và dọc hai bên bờ sông Tô Lịch nói riêng tăng nhanh chóng, kéo theo những tác động rất lớn tới sự sống của dòng sông này.

Và đặc biệt là sự thiếu quan tâm tới môi trường của thành phố khi coi việc xả thải trực tiếp ra các dòng sông nội đô là chuyện “đương nhiên”.

Việc xả thải, đổ rác xuống sông đã trở thành thói quen, việc làm "đương nhiên" của hầu hết người dân sống dọc hai bên bờ sông Tô Lịch

Việc xả thải, đổ rác xuống sông đã trở thành thói quen, việc làm "đương nhiên" của hầu hết người dân sống dọc hai bên bờ sông Tô Lịch

Nói tới việc xả thải hay chuyện làm sạch một dòng sông, có lẽ thành phố không nên chỉ tập trung vào riêng sông Tô Lịch. Bởi, có thể khẳng định rằng, tất cả các dòng sông chạy qua nội đô hiện nay đều chịu chung tình trạng “cống hóa” hoặc tổn thương một phần.

Nếu ai sống đủ lâu ở Hà Nội sẽ có thể liệt kê được tên những dòng sông chết ở nội đô, như: Tô Lịch, Kim Ngưu, sông Nhuệ… Bên cạnh đó là những dòng sông lớn khác cũng chịu cảnh bị xả thải trực tiếp như sông Hồng, sông Đuống…

Và nhiều dòng sông khác ở vùng ven thành phố.

Người ta xả thải, vứt rác và đủ thứ chất thải xuống lòng sông như một thói quen tất yếu trong sinh hoạt thường ngày.

Rác thải tràn ngập sau trận lụt lịch sử tháng 9/2024 khu vực sinh sống của người dân ven sông Hồng

Rác thải tràn ngập sau trận lụt lịch sử tháng 9/2024 khu vực sinh sống của người dân ven sông Hồng

Còn nhớ cách nay vài năm, một chuyên gia người nước ngoài với mong muốn đưa công nghệ làm sạch nước sông Tô Lịch và các hồ ở Hà Nội. Nhưng nếu nhìn vào sự “mơ mộng” của vị chuyên gia người nước ngoài ấy, thật giống như đem muối bỏ bể, một nhiệm vụ "bất khả thi". Làm sao có thể làm sạch nước sông khi không giải quyết tận gốc vấn đề.

Đầu năm nay, TP Hà Nội quyết định sẽ làm sạch sông Tô Lịch với kế hoạch rất bài bản, từ việc kiểm tra, kiểm soát hệ thống xả thải, tới việc thu gom nước thải để xử lý trước khi đổ xuống sông. Rồi nạo vét lòng sông, thậm chí là đưa nước từ sông, hồ khác để “thay máu” nước tù đọng cũ hòng hồi sinh dòng sông này.

Đó là một kế hoạch bài bản và hy vọng Tô Lịch - một trong những dòng sông gắn liền với sự hình thành và phát triển của Thăng Long - Hà Nội sống lại, thơ mộng như cách nay hàng trăm năm trước, giúp cho cuộc sống của người dân Thủ đô thêm phần đẹp đẽ.

Sông Nhuệ hiện nay tình trạng cũng không khác gì sông Tô Lịch - là một dòng sông chết

Sông Nhuệ hiện nay tình trạng cũng không khác gì sông Tô Lịch - là một dòng sông chết

Thế nhưng, việc đối xử tồi tệ với sông, hồ vẫn đang xảy ra, và thậm chí là có chủ đích. Nói điều này không quá, bởi ngay tại thời điểm này, một ví dụ cụ thể là khi thành phố đang triển khai dự án mở rộng đường Tam Trinh, thuộc quận Hoàng Mai, Hà Nội, đơn vị thi công dự án vẫn cho xây hàng loạt cống nước thải đổ thẳng ra sông Kim Ngưu - một dòng sông đã chết khác của Thủ đô.

Nếu chúng ta không loại bỏ tư duy làm xong rồi sửa sai, sẽ rất khó để có thể cứu bất kỳ một dòng sông nào, và sẽ dần “giết” nốt những dòng sông còn lại.

Thế nên, ngay từ bây giờ, khi triển khai bất kỳ một dự án, công trình nào bên sông, hãy “bắt buộc” phải xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải. Để nước đưa ra sông, đảm bảo sạch sẽ, phù hợp với tiêu chuẩn an toàn cho môi trường sống.

Quang Hùng/VOV Giao thông

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/tu-bai-hoc-lam-sach-song-to-lich-dung-xa-thai-thang-ra-song-post1191442.vov