Từ bài thơ 'Ghi ở Bảo tàng Đồng Hới'

Cách nay gần nửa thế kỷ, từ một làng quê heo hút ở thượng nguồn sông Gianh, tôi vô Đồng Hới nhập học Trường Sư phạm 10+3 Quảng Bình. Đất nước vừa thống nhất, tỉnh Bình Trị Thiên vừa sáp nhập, trung tâm hành chính của TX. Đồng Hới lúc đó vẫn đóng ở Cộn-là vùng sơ tán thời chiến tranh. Trường chúng tôi cũng đóng ở Cộn...

Hồi đó, tại Trung tâm văn hóa Đồng Sơn ở Cộn có một ngôi nhà cấp bốn, dựng phía sau rạp chiếu phim, làm nơi trưng bày chiếc máy cày DT.54 của Bác Hồ gửi tặng Hợp tác xã Đại Phong năm 1961. Tôi đã nhiều lần ra ngắm hiện vật thiêng liêng ấy và xúc động làm thơ. Gần nửa thế kỷ rồi, những câu thơ “thiệt thà” vụng dại của chàng trai tấp tểnh thi ca vẫn được tôi trân trọng lưu giữ:

... “Máy cày Bác đã về”!

Nhớ buổi sớm xuân nao

Làng mở hội đón máy cày

của Bác

Nhật Lệ, Kiến Giang triều dâng

dào dạt

Máy cày Bác đã về! No ấm

đã về đây...

Bài thơ có tên “Ghi ở Bảo tàng Đồng Hới”, tôi viết đầu năm 1977. Cùng thời gian này, trường tôi có cuộc thi tìm hiểu lịch sử “Bác Hồ với quê hương Hai giỏi”, kỷ niệm 20 năm Ngày Bác Hồ vào thăm tỉnh Quảng Bình (16/6/1957-16/6/1977). Trong quá trình sưu tầm tài liệu để tham gia cuộc thi, tôi đọc được một bài viết của ông Cổ Kim Thành, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình, kể: Trong câu chuyện thân mật với các đồng chí lãnh đạo tỉnh hôm đó, Bác nhắc hồi nhỏ đi qua Quảng Bình để vô Huế, có nghe một vế xuất đối là “Bò đi Đá Nhảy”.

Cái hay của vế xuất là “tả thực” đàn bò đi ở bãi biển Đá Nhảy ở chân đèo Lý Hòa (Bố Trạch). Nhưng cái khó ở đây là cả 4 chữ đều là 4 động từ: Bò, đi, đá, nhảy. Không biết đến nay đã có ai đối được chưa? Một người thưa là có ông Tú người làng La Hà đối lại là “Hùm hét La Hà”. Vế đối vừa kể chuyện con hùm (hổ) gầm thét (hét) ở La Hà thuộc huyện Quảng Trạch, vừa nêu được 4 động từ chỉ âm thanh: Hùm, hét, la, hà.

Bác ngẫm nghĩ một lúc rồi nói: “Làng La Hà nằm ở hạ nguồn sông Gianh, lại giữa một cái cồn, xung quanh là nước, hùm về thế nào được mà hét, la và hà?”. Lúc đó mọi người mới ồ lên, cảm phục Bác bao nhiêu năm rồi vẫn còn nhớ một giai thoại văn chương nghe được trên đường thiên lý. Đặc biệt, Người biết rất rõ địa hình, địa vật của một làng quê văn hóa trong số “bát danh hương” của tỉnh Quảng Bình.

Câu chuyện trên đây tôi lại được nghe Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhắc lại vào ngày 22/12/1994 tại cuộc triển lãm ảnh “Người chiến sĩ hôm nay” do Báo Quân đội nhân dân tổ chức ở Hà Nội, dịp kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/1994). Lễ khai mạc triển lãm vinh dự được đón Chủ tịch nước và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến dự. Sau khi xem triển lãm, Đại tướng phát biểu khen ngợi báo, bắt tay chúc mừng các tác giả và ban tổ chức đang phấn khởi vây quanh Đại tướng.

Đến lượt Thiếu tướng Phan Khắc Hải, Đại tướng ân cần hỏi: “Đồng chí Tổng Biên tập quê ở đâu?”. Thiếu tướng Phan Khắc Hải trả lời: “Thưa Đại tướng! Tôi quê ở làng Lý Hòa, xã Hải Trạch, huyện Bố Trạch…”. Đại tướng vui vẻ ồ lên: “Lý Hòa có bãi tắm Đá Nhảy rất đẹp. Mùa hè nước trong xanh, cát trắng mịn… nay là một thắng cảnh quốc gia”. Ngừng lại giây lát như suy nghĩ điều gì đó, rồi Đại tướng nói tiếp: “Thời niên thiếu, Bác Hồ của chúng ta theo gia đình vào Huế, đã qua đèo Lý Hòa. Ấn tượng về con đèo khúc khuỷu quanh co, núi lấn ra biển, sóng biển vỗ vào vách đá, bọt nước trắng xóa khiến người ta có cảm tưởng như “đá nhảy” đã ghi vào trí nhớ của Bác. Mãi đến tháng 6/1957, Bác về thăm Quảng Bình, Người đã nhắc lại với các đồng chí lãnh đạo địa phương vế xuất đối của một vị tiền nhân mà đến nay vẫn chưa ai đối chuẩn: “Bò đi Đá Nhảy”...

Chiếc máy cày Bác Hồ tặng Hợp tác xã Đại Phong, xã Phong Thủy (Lệ Thủy) được trưng bày tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh. Ảnh: Hiền Chi

Chiếc máy cày Bác Hồ tặng Hợp tác xã Đại Phong, xã Phong Thủy (Lệ Thủy) được trưng bày tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh. Ảnh: Hiền Chi

Với tôi, câu chuyện trên đây cùng hình ảnh chiếc máy cày Bác tặng bà con nông dân Quảng Bình ở Bảo tàng Tổng hợp Quảng Bình, luôn như một sự gợi ý, một minh chứng về tư tưởng “lấy dân làm gốc” của Bác Hồ. Từ thuở thanh niên tràn đầy nghị lực và ý chí, trong quá trình bôn ba tìm đường cứu nước, cũng như sau này lãnh đạo sự nghiệp cách mạng của nước nhà, Bác Hồ luôn đề cao sức mạnh tổng hợp của dân tộc, thấm nhuần hồn nước trong lòng dân, thực hành tư tưởng “lấy dân làm gốc”.

Sinh thời, mặc dù bận rộn trăm công ngàn việc quốc gia đại sự, nhưng Bác đều thu xếp thời gian để đến thăm nhiều địa phương, ngành nghề, đơn vị… Đến đâu, Người cũng ân cần thăm hỏi về đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào, chiến sĩ; quan tâm đến các đối tượng chính sách, những người có công với nước, với dân; chu đáo tặng lụa cho những người cao tuổi, chia quà cho các cháu nhỏ, như câu thơ của Tố Hữu: “Sữa để em thơ, lụa tặng già...”.

Lại nhớ hôm chia tay quân và dân Quảng Bình, Bác nói “Bác ra rồi Bác lại vô”. Chiến tranh lan rộng và kéo dài khiến Bác chưa có dịp trở lại, nhưng Bác vẫn thường xuyên quan tâm chỉ đạo, thăm hỏi tình hình sản xuất và chiến đấu của quân và dân quê hương “Hai giỏi”, trực tiếp gửi thư khen quân và dân tuyến lửa bắn rơi chiếc máy bay Mỹ thứ 400. Bác còn gửi lời cảm ơn và đề nghị lãnh đạo tỉnh khen thưởng ông Nguyễn Ngọc Quỳnh là đầu bếp phục vụ Bác những ngày Bác thăm Quảng Bình...

Trước đây, khi Bộ Chính trị ra Chỉ thị số 06-CT/TW, ngày 7/11/2006 về “Tổ chức cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, không ít người cho rằng Bác Hồ là một tấm gương vĩ đại, cao vời, siêu đẳng... rất khó để “học tập và làm theo”. Tuy nhiên, thực tế triển khai cuộc vận động được đông đảo đồng bào, cán bộ, chiến sĩ cả nước, kể cả kiều bào ở nước ngoài cùng hăng hái tham gia, đồng tâm hưởng ứng và xuất hiện rất nhiều những điển hình “học tập và làm theo” hết sức phong phú, linh hoạt, sáng tạo và hiệu quả.

Bởi vì, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là kết tinh những giá trị truyền thống của dân tộc, được biểu hiện bằng những lời nói và việc làm vô cùng giản dị, gần gũi, cụ thể và thiết thực. Học tập và làm theo gương Bác, trước hết là học tập tác phong, lời nói đi đôi với việc làm và sự gương mẫu thực hành “cần, kiệm, liêm, chính” từ những công việc cụ thể, trong môi trường công tác cụ thể của mỗi người, mỗi tập thể. Người dạy: “Việc gì có lợi cho dân thì phải cố sức làm. Việc gì có hại cho dân thì phải hết sức tránh”. Người cũng đã nhiều lần lưu ý thái độ xa dân, coi thường dân, trù dập và ức hiếp nhân dân của cán bộ, nhất là những người ở vị trí lãnh đạo các cấp.

Hơn lúc nào hết, trong giai đoạn hiện nay, tư tưởng dân là gốc của Hồ Chí Minh cần được quán triệt sâu sắc. Bởi, trong công cuộc xây dựng và chỉnh đốn Đảng, cũng như trong công cuộc đấu tranh chống tham nhũng, suy thoái, tự diễn biến... không ít kẻ xấu đang lợi dụng để làm lung lay sự đoàn kết trong Đảng, khoét sâu hố ngăn cách giữa “bộ phận không nhỏ” thoái hóa biến chất với nhân dân thành hố sâu ngăn cách giữa Đảng và nhân dân.

Trong hoàn cảnh ấy, sự đoàn kết nhất trí trong toàn Đảng và toàn dân cần được quan tâm hàng đầu, thể hiện nói đi đôi với làm trên nền tảng dân là gốc. Đặc biệt, tiếp tục đẩy mạnh xây dựng Đảng về đạo đức; cán bộ và đảng viên phải thực sự nêu gương đạo đức cách mạng cần, kiệm, liêm, chính. Có như vậy, dân mới tin tưởng, yêu mến, giúp đỡ, ủng hộ và bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ. Đó là bí quyết của thành công! Bởi vì, nền tảng sức mạnh của Đảng và cơ sở bền vững của chế độ chính là lòng dân.

Nguồn Quảng Bình: https://www.baoquangbinh.vn/van-hoa/202405/ky-niem-134-nam-ngay-sinh-chu-tich-ho-chi-minh-1951890-1952024-tu-bai-tho-ghi-o-bao-tang-dong-hoi-2218150/