Từ bản hùng ca bất tử đến thông điệp về gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc
Trở về từ Côn Đảo, tôi không mang theo di ảnh hay kỷ vật, mà mang theo một lời thức tỉnh, một sứ mệnh. Rằng muốn đất nước trường tồn, muốn dân tộc đi xa, thì phải bắt đầu từ việc gìn giữ cái gốc rễ sâu nhất – văn hóa.
Côn Đảo, hòn đảo ngoài khơi phía Nam của Tổ quốc, từng được mệnh danh là “địa ngục trần gian” – nơi giam giữ, đọa đày biết bao người con ưu tú của dân tộc trong suốt hai cuộc kháng chiến vệ quốc.
Nhưng với tôi, sau hành trình về nguồn dịp 27/7, nơi đây không chỉ là chứng tích của đau thương và hy sinh, mà còn là một ngọn hải đăng tư tưởng, soi rọi cả quá khứ, hiện tại và tương lai – nhất là khi chúng ta đang đối mặt với những thách thức lớn trong gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc trong thời đại toàn cầu hóa và công nghệ số.
Âm vang của những trăn trở về văn hóa
Tôi đến Côn Đảo trong một buổi chiều lộng gió, cùng đoàn đại biểu dự lễ tri ân các anh hùng liệt sĩ, thắp hương tại Nghĩa trang Hàng Keo, Nghĩa trang Hàng Dương. Ở nơi được coi là “bàn thờ Tổ quốc giữa biển Đông”, hàng nghìn ngôi mộ – phần lớn là vô danh – đã khiến tôi không thể không lặng người.
Không gian yên tĩnh đến mức chỉ cần tiếng lá dương xào xạc cũng đủ gợi nên bao cảm xúc. Từng nén hương được thắp lên là một lời hứa với tiền nhân, một tiếng gọi với hậu thế: “Đừng để máu xương này hóa thành bụi mờ trong ký ức”.

Chiều tối 26/7, Thành Đoàn TPHCM phối hợp Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM tổ chức Lễ thắp nến tri ân anh hùng, liệt sĩ tại Nghĩa trang Hàng Dương, Nghĩa trang Hàng Keo (đặc khu Côn Đảo, TPHCM), nhân kỷ niệm 78 năm Ngày thương binh - liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2025). Ảnh: Tiền Phong
Buổi tối ngày 26/7, tôi tham dự chương trình nghệ thuật “Côn Đảo – Bản hùng ca bất tử”. Giữa không gian linh thiêng, khi những ca khúc cách mạng cất lên, đặc biệt là bài “Viết tiếp câu chuyện hòa bình”, tôi thấy mình như trở lại dòng chảy lịch sử.
Câu hát “Cha ông ta ngày xưa ngã xuống để cho đời ta ngày sau đổi lấy hòa bình” và "Để cho đất nước yên vui từ đó; để cho đỏ thắm màu cờ tự do" vang lên như một thông điệp bất tận: Hòa bình hôm nay không phải là món quà ngẫu nhiên, mà là cái giá phải trả bằng máu, nước mắt và sự kiên trung của cả một dân tộc.
Nhưng chính tại nơi đây, bên cạnh những hồi ức oai hùng, tôi cũng nghe được những âm vang khác – âm vang của những trăn trở về văn hóa, được thốt lên từ những người tù năm xưa, nhưng đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị.
Trong số hàng chục nghìn tù nhân từng bị giam giữ tại Côn Đảo, trí sĩ cách mạng Nguyễn An Ninh là một trong những nhân vật khiến tôi suy ngẫm sâu sắc nhất. Ông không chỉ là một nhà cách mạng, mà còn là một học giả, một nhà tư tưởng lớn, người đã mang đến những cảnh báo tiên phong về sự phụ thuộc văn hóa. Trong một bài viết trước khi bị bắt, ông đã từng thẳng thắn chỉ ra:
“Dân tộc nào để cho một nền văn hóa ngoại bang ngự trị thì không thể có độc lập thực sự. Văn hóa là tâm hồn của dân tộc”, và vì vậy, “một dân tộc muốn sống, muốn độc lập, muốn rạng danh trong nhân loại, cần phải có một nền văn hóa riêng của mình”.
Chính tại nơi ông đã ra đi – Nhà tù Côn Đảo năm 1943 – tôi thấy những lời ấy vẫn nguyên vẹn giá trị, thậm chí còn trở nên khẩn thiết hơn bao giờ hết. Bởi giữa thời đại công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, mạng xã hội và toàn cầu hóa đang len lỏi vào từng ngóc ngách của đời sống, chúng ta đang đối diện với nguy cơ "xâm lăng văn hóa", phai nhạt “tâm hồn dân tộc” – điều mà Nguyễn An Ninh từng coi là linh hồn của độc lập.
Có lúc tôi tự hỏi: Nếu ông còn sống đến hôm nay, ông sẽ nghĩ gì khi thấy người trẻ Việt Nam ngày càng sính ngoại từ phong cách ăn mặc đến tư duy sống? Ông sẽ nghĩ gì khi thấy ngôn ngữ mạng dần thay thế tiếng Việt chuẩn mực, khi biểu tượng văn hóa truyền thống mờ nhạt dần trong các sản phẩm đại chúng? Và ông sẽ buồn thế nào khi thấy không ít người chỉ mải mê “hội nhập” mà quên mất “bản sắc”?
Chúng ta từng tự hào đã giành được độc lập về chính trị, về lãnh thổ, nhưng trong kỷ nguyên mới, độc lập về văn hóa mới là thử thách khó khăn và dai dẳng nhất. Sự đồng hóa âm thầm qua giải trí, giáo dục, thị hiếu tiêu dùng – nếu không được nhận diện và kiểm soát – sẽ khiến chúng ta dần đánh mất mình mà không hay biết.
Hãy giữ cho ngọn lửa văn hóa dân tộc cháy mãi
Tôi nhớ lại ánh mắt kiên định của một nữ cựu tù Côn Đảo – người đã từng bị giam trong “chuồng cọp” suốt nhiều năm, vẫn vẹn nguyên lòng tin vào lý tưởng. Bà nói với tôi: “Ngày xưa, giặc muốn triệt văn hóa trước khi đánh chiếm đất nước. Chúng tôi ở đây, dù bị trói tay trói chân, vẫn cố gìn giữ từng câu thơ, từng khúc hát dân tộc. Vì văn hóa là phần không thể đánh cắp của người Việt Nam”.
Lời bà nói khiến tôi suy nghĩ rất nhiều. Văn hóa, suy cho cùng, chính là bản lĩnh sâu nhất của một dân tộc. Không có văn hóa, chúng ta không có cách để tự khẳng định mình giữa muôn trùng hội nhập. Không có văn hóa, mọi thành tựu kinh tế rồi cũng trở nên trống rỗng. Và không có văn hóa thì cả “câu chuyện hòa bình” mà cha ông đã viết bằng máu cũng trở nên dang dở, không thể "kể tiếp" một cách kiêu hãnh, tự hào như lời bài hát của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung.
Nhìn những nấm mộ vô danh ở Hàng Keo, Hàng Dương, tôi thầm nhủ: Chúng ta không chỉ mang ơn họ bằng lòng biết ơn, mà còn bằng những hành động thiết thực. Đó là phát triển văn hóa Việt Nam như một sức mạnh mềm thực thụ; nuôi dưỡng ngôn ngữ, lễ nghi, bản sắc và tinh thần Việt Nam trong mọi chính sách, trong từng gia đình, từng trường học, từng sản phẩm sáng tạo.
Ngày 27/7, không chỉ là một ngày tưởng niệm. Đó còn là ngày để mỗi người tự soi lại mình, tự hỏi: Tôi đã làm gì để bảo vệ “tâm hồn dân tộc” mà các bậc tiền nhân đã gửi gắm? Tôi có đang sống đúng với điều mà Nguyễn An Ninh từng cảnh báo? Tôi có đang truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ gìn giữ, phát triển và tự hào với văn hóa của chính mình?
Trở về từ Côn Đảo, tôi không mang theo di ảnh hay kỷ vật, mà mang theo một lời thức tỉnh, một sứ mệnh. Rằng muốn đất nước trường tồn, muốn dân tộc đi xa, thì phải bắt đầu từ việc gìn giữ cái gốc rễ sâu nhất – văn hóa.
Hòa bình hôm nay không thể bền vững nếu chúng ta để cho tâm hồn bị rỗng ruột. Và độc lập hôm nay không thể vững vàng nếu chúng ta để cho văn hóa ngoại bang ngự trị trong suy nghĩ, trong thị hiếu và trong đời sống tinh thần.
Côn Đảo đã viết nên một chương oanh liệt trong lịch sử dân tộc. Nhưng Côn Đảo cũng đang thì thầm một lời nhắc nhở: Hãy lắng nghe những người đã khuất bằng hành động của người đang sống. Và hơn hết, hãy giữ cho ngọn lửa văn hóa dân tộc cháy mãi – không chỉ bằng lễ hội và tượng đài, mà bằng từng lựa chọn rất đời thường, rất nhỏ bé, nhưng bền bỉ trong mỗi người Việt Nam hôm nay.