Từ bản lĩnh đến bản sắc nhà thơ
Sáng 24.2, trong khuôn khổ Ngày Thơ Việt Nam 2024, đã diễn ra Tọa đàm 'Từ bản lĩnh đến bản sắc nhà thơ'.
Bản lĩnh quyết định cá tính sáng tạo
Theo nhà thơ Nguyễn Quang Hưng, vấn đề bản lĩnh, cá tính sáng tạo được nhắc đến nhiều khi nhà thơ tìm và mong thấy được những giọng thơ mới mẻ, đặc sắc, có nét riêng không trộn lẫn. Tất nhiên không dễ để lọc được những gương mặt, giọng điệu như thế cũng như chỉ rõ bản lĩnh, cá tính của họ trong đời sống thơ trùng điệp, lẫn lộn hôm nay. Chính bối cảnh đó đặt nhà thơ đối diện những va đập không nhỏ của truyền thông, của sự khen, chê mà nhiều khi khen cũng thái quá và chê cũng dữ dằn.
Vì vậy, Nguyễn Quang Hưng cho rằng, các nhà thơ cần có bản lĩnh để kiên định trên con đường đi tìm, xác định cá tính sáng tạo của mình và có bản lĩnh để giữ gìn cá tính đó. Cũng như ngược lại, nhà thơ có thể định hình cá tính sáng tạo và ngày càng làm vững vàng hơn bản lĩnh của mình trong việc tiếp tục làm cho cá tính đó thăng hoa, phát huy lên cao hơn.
“Như vậy, chúng ta có thể nhìn hai khái niệm này ở trạng thái động. Nghĩa là không thể có bản lĩnh hay cá tính ngay từ ban đầu mà phải qua quá trình học hỏi, thử sức, rèn luyện, tìm đường, đối thoại, đối diện với những thành quả thơ ca đã có, những tác giả thành công đi trước. Một chặng đường gian truân mà nhiều khi, bản lĩnh, cá tính nhà thơ còn được bồi đắp trong những cuộc đối mặt với sự nghi ngờ, chê cười, xem thường, tẩy chay, lạnh lùng…”, nhà thơ Nguyễn Quang Hưng nói.
Đồng quan điểm, nhà thơ Hoàng Kim Ngọc chia sẻ, bản lĩnh nhà thơ được thể hiện ở sự lao động hết mình, tự tin, dấn thân cho nghệ thuật, dám vượt lên cái cũ để đổi mới, đột phá, kiên trì, bền bỉ xác lập một hướng đi cho thơ mình; dám dò dẫm tìm đường, mở lối đi riêng, chấp nhận sự phê bình hoặc phản ứng của công chúng, đồng nghiệp...
Nhà thơ Đặng Huy Giang cũng nêu quan điểm, đối với người viết, bản lĩnh chính là sự tự tin, tự làm chủ mình trong mọi điều kiện, hoàn cảnh, đến mức tuyệt đối. Bên cạnh đó, không chạy theo người khác, không giống người khác, cũng là một đòi hỏi và cũng đến mức tuyệt đối... “Có một thời, không ít nhà thơ bỏ sở trường, chạy theo sở đoản. Vốn viết thơ tình rất hay, nhưng lại xoay ra viết thơ sản xuất, chiến đấu... cho hợp thời. Rồi thơ sản xuất, chiến đấu... cũng chẳng đâu vào đâu và trở nên bất cập. Ấy là sự xa rời mình nên không thể trở thành mình. Ấy là sự tự đánh mất mình và đương nhiên trở thành người viết không có bản lĩnh”.
Có bản lĩnh là có bản sắc, có bản sắc là có tất cả
Dễ thấy nhất, câu chuyện sáng tạo để hình thành nên những khác biệt trong nhóm những người tài danh như Văn Cao, Hoàng Cầm, Trần Dần, Lê Đạt…, đến hôm nay vẫn làm chúng ta suy nghĩ, ngạc nhiên và khâm phục. Đó là những ví dụ sinh động cho bản lĩnh, cá tính nhà thơ với những câu hỏi cần tiếp tục xới lên về cái nhìn kỹ hơn, công bằng hơn trong tiến trình đổi mới thơ ca đất nước.
Nhấn mạnh hơn vấn đề này, nhà thơ Hoàng Kim Ngọc nhắc lại bản lĩnh của nhà thơ Phùng Quán qua bài thơ “Lời mẹ dặn” của ông: … Đi trọn đời trên con đường chân thật/ Yêu ai cứ bảo là yêu/ Ghét ai cứ bảo là ghét/ Dù ai ngon ngọt nuông chiều/ Cũng không nói yêu thành ghét/ Dù ai cầm dao dọa giết/ Cũng không nói ghét thành yêu/ Tôi muốn làm nhà văn chân thật/ chân thật trọn đời/ Đường mật công danh không làm ngọt được lưỡi tôi/ Sét nổ trên đầu không xô tôi ngã/ Bút giấy tôi ai cướp giật đi/ Tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá…
“Bản lĩnh của nhà thơ còn là giữ vững lập trường khi xác định sứ mệnh của nhà thơ là phải chống lại cái ác và tôn vinh vẻ đẹp nhân văn; không một thế lực nào có thể bắt mình nói những điều giả dối, trái với lương tâm”, Hoàng Kim Ngọc khẳng định. Hay nói như nhà thơ Trần Đăng Khoa “có bản lĩnh là có bản sắc, có bản sắc là có tất cả”.
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa/tu-ban-linh-den-ban-sac-nha-tho-i360975/