TỰ BẢO VỆ TRƯỚC CÁC TÌNH HUỐNG THIÊN TAI
Đi qua cầu Chương Dương (Hà Nội) trong những ngày này, nhìn sông Hồng nước ngầu đỏ, cuồn cuộn, dâng cao, tôi chợt nhớ đến xã biên giới Na Mèo, huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) trong đợt mưa lũ lịch sử cách đây một năm.
Khi ấy, giữa tan hoang nhà cửa, xơ xác ruộng vườn, trong số những người chúng tôi gặp ở Na Mèo, có hai người làm công tác cứu hộ-cứu nạn (CHCN) tại chỗ: Một thanh niên sống ở bản Bo Hiềng, cách bản Sa Ná-nơi chịu thiệt hại nặng nề nhất của xã Na Mèo không xa là mấy, và một chiến sĩ dân quân của xã. Họ là những người đầu tiên tiếp cận bản Sa Ná ngay sau khi lũ về, mặc dù chiếc cầu treo bắc qua sông Luồng, nối từ trung tâm xã vào bản Sa Ná đã bị lũ dữ cuốn phăng trước đó. Là người địa phương, thông thuộc địa hình nên họ cắt rừng, vượt núi, tiếp cận Sa Ná để cứu người, cứu tài sản từ rất sớm. Bên cạnh đó, hoạt động cứu trợ cho người dân Sa Ná bị lũ cô lập cũng được thực hiện bởi thanh niên, trai tráng khi chính quyền huy động ở các bản lân cận. Họ vượt suối, men đồi mang gạo, muối, chăn màn, quần áo và một số vật dụng thiết yếu hỗ trợ bà con gặp nạn. Điều đó cho thấy, trong cuộc chiến với thiên tai, bão lũ, việc huy động và phát huy vai trò của lực lượng tại chỗ quan trọng đến nhường nào. Đó là cách những người trên một địa bàn tự cứu nhau trước khi lực lượng chuyên trách phòng, chống thiên tai (PCTT), CHCN có mặt thực thi nhiệm vụ.
Vậy nhưng, dẫu nhiệt tình, trách nhiệm đến mấy, phản ứng nhanh đến mấy, lực lượng tại chỗ cũng không thể nhanh hơn “thủy thần”, bởi một số người dân và nhiều tài sản, gia súc, hoa màu ở Na Mèo bị lũ nhấn chìm, cuốn trôi từ trước đó. Thế nên, phát huy vai trò của lực lượng tại chỗ hay lực lượng chuyên trách cũng chỉ là “phần ngọn” trong câu chuyện tìm kiếm cứu nạn, mà “phần gốc” của vấn đề này phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có ý thức trách nhiệm và hành động cụ thể của mỗi người dân.
Về xã Na Mèo đợt ấy, chúng tôi được biết, bà con bản Sa Ná đã được chính quyền các cấp cảnh báo nguy cơ lũ về từ trước đó. Vì thế, nhiều người kịp sơ tán tới một số khu vực cao hơn. Tuy nhiên, có người thấy lũ chưa về nên quay lại nhà thu đồ đạc; cũng có người mải canh tác nên chủ quan, không chịu di dời đến nơi an toàn. Thế là khi lũ ập về, bà con không chạy kịp, bị lũ cuốn trôi. Có người kịp đu bám vào ngọn cây nên được cứu. Nhưng số còn lại không có được cái may mắn ấy.
Những năm gần đây, cùng với sự phát triển của kinh tế-xã hội, công tác thông tin tuyên truyền về PCTT đã được đẩy mạnh trên nhiều kênh, từ báo, đài Trung ương, địa phương đến truyền thanh nội bộ, tuyên truyền miệng; với phạm vi tuyên truyền rộng, cả ở đô thị và nông thôn, đồng bằng và miền núi. Nhờ đó, việc giảm thiệt hại do thiên tai đã có kết quả khích lệ. Tuy nhiên, thiệt hại, nhất là về người, do lũ ống, lũ quét, sạt lở đất vẫn thường xuyên xảy ra, trong đó nhiều vụ việc gây thiệt hại rất nghiêm trọng. Thiệt hại do thiên tai, mưa lũ bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, song đáng chú ý là tâm lý chủ quan, xem nhẹ ý thức tự bảo vệ bản thân, gia đình của một bộ phận nhân dân trong công tác PCTT.
Phòng, chống, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai đòi hỏi phải tiến hành tổng thể, đồng bộ, căn cơ nhiều giải pháp, song một trong những giải pháp hiệu quả, mang tính “gốc rễ” là phải tiếp tục nâng cao ý thức tự giác, tinh thần trách nhiệm và hành động cụ thể của mỗi người dân. Tuân thủ nghiêm quy định của các cấp chính quyền; làm theo khuyến cáo, hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn; nhạy cảm và cảnh giác cao độ trước những diễn biến bất thường của thời tiết; có phương án cụ thể để bảo vệ tính mạng của bản thân, gia đình và tài sản trước khi tình huống xấu xảy ra... Những biện pháp đó tưởng dễ dàng, song cần phải có quyết tâm để thực hiện; tuy đơn giản song hữu hiệu, để chúng ta tự cứu mình trước khi được cứu.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/tu-bao-ve-truoc-cac-tinh-huong-thien-tai-632261