Tự biến mình thành nạn nhân vụ Hồng tỷ chấn động

Từ trào lưu ghép ảnh vi phạm giao thông của Á hậu Miss Fitness Vietnam, mạng xã hội tiếp tục mượn tay AI, tự biến mình thành nạn nhân vụ bê bối 'Hồng tỷ' ở Trung Quốc. Những bức ảnh được tạo ra trong vài giây, hình ảnh khó phân biệt thật - giả làm trầm trọng vấn nạn lan truyền thông tin sai sự thật, ghép ảnh gây tổn thương, xúc phạm danh dự người không liên quan.

Thi nhau khoe ảnh phạm luật, giễu cợt nạn nhân tình dục

Từ đầu tháng 7, mạng xã hội nhan nhản hình ảnh loạt người dùng đang bị cảnh sát giao thông lập biên bản. Người dùng Facebook tự đăng ảnh bị xử phạt, mặc đồ hiệu đắt tiền và tạo dáng cạnh ôtô đắt tiền, biển số tứ quý.

Đi kèm ảnh bị xử phạt là mô tả "sốc", mang hàm ý đùa cợt, xem thường việc vi phạm luật giao thông đường bộ, tiêu biểu có: "Đưa biên bản đây chị ký", "Mời chị ký vào đây, OK, ký thì ký"...

Trong vòng một tuần, loạt ảnh "tạo dáng thần thái bên xế hộp dù bị lập biên bản" xuất hiện dày đặc ở hội nhóm, fanpage có hàng triệu người theo dõi. Dưới phần bình luận, dân mạng thi nhau bình luận giễu cợt, thậm chí xúc phạm hình ảnh lực lượng chức năng.

Đến lúc trò đùa trên bùng lên thành trào lưu, nhiều người mới biết đây là sản phẩm được tạo bởi AI. Chi tiết, bố cục và cách ghép ảnh của AI tinh vi, chân thực đến mức có người nhầm lẫn đó là sự việc có thật.

Mọi việc trở nên ầm ĩ khi Á hậu 1 Miss Fitness Vietnam 2022 Phương Thảo bắt trend ghép ảnh bị cảnh sát xử lý vi phạm giao thông. Trong bức ảnh do AI tạo ra, Phương Thảo mặc nguyên cây đồ hiệu, đứng trước ôtô trị giá hơn 10 tỷ đồng, bên cạnh là hai cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ.

Bức ảnh đi kèm mô tả "Mời chị ký vào đây", kèm theo biểu tượng mặt cười. Khán giả phẫn nộ, chỉ trích Phương Thảo "đùa không đúng nơi". Nhiều người cho rằng chú thích ảnh "nhại lời lực lượng chức năng", có dấu hiệu lan truyền thông tin không đúng sự thật, khác với loạt ảnh đu trend khác.

Ảnh ghép vi phạm luật giao thông của Á hậu Phương Thảo (trái) và nhiều người khác dày đặc trên mạng xã hội.

Ảnh ghép vi phạm luật giao thông của Á hậu Phương Thảo (trái) và nhiều người khác dày đặc trên mạng xã hội.

Là người nổi tiếng duy nhất đu trend ghép ảnh AI bị xử phạt vi phạm giao thông, Phương Thảo liên tục nhận chỉ trích. Bài đăng của cô (hiện bị ẩn/xóa) nhận hàng loạt bình luận tiêu cực.

Thậm chí, một tài khoản gắn thẻ tài khoản chính chủ của lực lượng chức năng, yêu cầu vào cuộc xử lý bức ảnh ghép có mặt hai cảnh sát giao thông.

Dù liên tục bị khán giả gọi tên, yêu cầu xin lỗi vì trò đùa quá trớn, Phương Thảo không có động thái giải thích sau khi xóa bài.

Trào lưu nhờ AI ghép ảnh tiếp tục biến tướng, lần này là vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật ở Trung Quốc. Vụ người đàn ông mặc đồ phụ nữ, tên thường gọi "Hồng tỷ" (chị Hồng) đặt camera quay lén cảnh nhạy cảm với hơn 1.600 người đàn ông, sau đó phát tán lên Internet đang gây ồn ào dư luận Trung Quốc, lan sang cả Việt Nam.

Thông tin từ CQ News, nghi phạm là nam giới, 38 tuổi đang bị tạm giam vì hành vi phát tán nội dung khiêu dâm. Ban đầu, dư luận tò mò, bàn tán sôi nổi trên khắp diễn đàn, thậm chí truy danh tính người xuất hiện trong video.

Đến nay, mạng xã hội bắt đầu xuất hiện ảnh ghép, dùng AI tự biến mình thành nạn nhân trong vụ việc đang bị điều tra hình sự ở Trung Quốc. Trào lưu này đang lan nhanh hơn, kéo theo loạt TikToker, diễn viên đu trend "mang quà sang gặp Hồng tỷ".

Tuy khác bối cảnh, vụ ghép ảnh vi phạm luật giao thông của Á hậu Miss Fitness Vietnam và trào lưu tự nhận "nạn nhân của Hồng tỷ" chung bản chất là lan truyền tin tức sai sự thật, dù ban đầu đó là những bức ảnh "ghép cho vui".

Cảnh báo trò đùa xúc phạm danh dự, nhân phẩm

AI và công nghệ deepfake ghép mặt ban đầu được "dùng cho vui", dần biến tướng và trở thành công cụ tiếp tay kẻ xấu. Nguy hiểm nhất là nhiều tội phạm tình dục sử dụng trái phép hình ảnh người khác trong văn hóa phẩm đồi trụy.

Chia sẻ trên Korea Times, Tiến sĩ Kim Jae Ryun, chuyên gia văn hóa đại chúng và công nghệ tại Đại học Yonsei (Seoul), cho rằng xã hội ngày càng nguy hiểm, danh tiếng một người có thể bị hủy hoại chỉ từ bức ảnh ghép.

"Sử dụng AI, deepfake ghép ảnh không chỉ xâm phạm cá nhân, còn là hành vi hủy hoại danh dự, nhân phẩm người khác. Nạn nhân của những bức ảnh "ghép cho vui", "chắc là không ai biết" sẽ tổn thương dài hạn, nếu bỗng phát hiện hình ảnh của mình xuất hiện công khai với nội dung tiêu cực", tiến sĩ Kim Jae Ryun đưa quan điểm.

Theo chuyên gia, ảnh tạo ra từ AI cũng đang làm tăng vấn nạn tạo ra tin giả. Ảnh và video chỉnh sửa tinh vi có thể làm sai lệch bản chất vấn đề, khiến nhiều người tự mặc định đó là sự thật.

Giáo sư Hany Farid, chuyên gia phân tích hình ảnh kỹ thuật số và deepfake tại Đại học California, Berkeley, cảnh báo trên New York Times rằng công nghệ ảnh giả đang đẩy loài người vào thế giới mà bất kỳ ai cũng có thể tạo bằng chứng giả một cách thuyết phục.

"Điều này làm xói mòn nền tảng của sự thật, khiến việc xác định tin tức, hình ảnh thật - giả ngày càng khó, dẫn đến sự mất lòng tin vào các phương tiện truyền thông và nguồn tin đáng tin cậy", giáo sư đưa ý kiến.

Trong những trường hợp nghiêm trọng, ảnh fake, ảnh chế AI có thể bị lợi dụng để tung tin đồn thất thiệt, gây hoang mang dư luận trên diện rộng. New York Times dẫn nghiên cứu của Trung tâm An ninh Mới của Mỹ (CNAS), chỉ ra rằng deepfake là công cụ tiềm tàng rủi ro để kẻ xấu lợi dụng.

Hàng loạt người dùng tại Việt Nam, có cả TikToker ghép ảnh đùa cợt, tái hiện vụ phát tán hơn 1.600 clip nóng rõ mặt nạn nhân đang gây xôn xao dư luận Trung Quốc.

Hàng loạt người dùng tại Việt Nam, có cả TikToker ghép ảnh đùa cợt, tái hiện vụ phát tán hơn 1.600 clip nóng rõ mặt nạn nhân đang gây xôn xao dư luận Trung Quốc.

Mạnh tay với hành vi chế ảnh AI, lan truyền tin sai sự thật

Để ngăn chặn kẻ xấu lạm dụng trí tuệ nhân tạo (công nghệ đang làm thay đổi toàn bộ thế giới theo hướng tích cực), nhiều quốc gia tích cực xây dựng quy định pháp luật và biện pháp kỹ thuật để kiểm soát và đối phó kẻ xấu.

Mỹ là một trong những quốc gia ban hành sớm nhất luật chống deepfake. Một số bang như Virginia và California có luật cấm tạo, phát tán deepfake với mục đích quấy rối, đe dọa hoặc lừa đảo, đặc biệt là trong các chiến dịch chính trị, theo New York Times.

Hàn Quốc cũng đẩy nhanh tiến độ tăng cường biện pháp pháp lý, sau nhiều vụ bê bối deepfake tấn công giới giải trí, ghép gương mặt nghệ sĩ vào video khiêu dâm và buôn bán công khai trên mạng.

Theo Korea Times, luật pháp Hàn Quốc quy định hình phạt tù giam đối với những người sản xuất hoặc phát tán deepfake khiêu dâm mà không có sự đồng ý của nạn nhân. Quốc hội nước này cũng thông qua một số dự luật nhằm bảo vệ quyền riêng tư cá nhân và kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng AI, giữa lúc nghệ sĩ, thậm chí nhân viên văn phòng, nữ sinh liên tục trở thành nạn nhân.

Trung Quốc cũng sớm nhận ra việc kẻ gian lợi dụng AI cho mục đích xấu, ban hành Quy định về quản lý dịch vụ tổng hợp hình ảnh và âm thanh deep từ tháng 1/2023, theo SCMP.

Quy định yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ deepfake phải có trách nhiệm kiểm duyệt nội dung, yêu cầu người dùng xác thực danh tính và hiển thị rõ đây là sản phẩm của AI. Cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ việc tạo và phát tán nội dung deepfake trên các nền tảng mạng xã hội và ứng dụng di động, nhằm ngăn chặn việc lạm dụng AI cho mục đích xấu, SCMP dẫn nguồn báo cáo từ Xinhua News Agency.

Ngoài biện pháp pháp lý từ cơ quan có thẩm quyền, nhiều công ty công nghệ lớn như Google, Meta, Microsoft và các viện nghiên cứu đầu tư mạnh vào việc phát triển thuật toán và công cụ AI phát hiện deepfake.

Theo New York Times, công cụ phân tích dấu hiệu bất thường trong hình ảnh và video, chẳng hạn như nhấp nháy mắt không tự nhiên, lỗi đồng bộ hóa âm thanh, hoặc các chi tiết không nhất quán trong khuôn mặt và cử chỉ. Các ông lớn công nghệ cũng nghiên cứu dấu hiệu nhận dạng số, nhằm truy xuất nguồn gốc, xác định tác giả của bức ảnh AI, nhằm truy vết và xử lý nhanh chóng đối tượng xấu.

Trạch Dương

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/tu-bien-minh-thanh-nan-nhan-vu-hong-ty-chan-dong-post1759088.tpo