Tù binh Đức ở Thụy Sĩ sau Thế chiến II

Sau Thế chiến II, nhiều binh lính Đức đã chạy sang Thụy Sĩ hoặc định vượt qua Thụy Sĩ để đến các nước thứ ba. Các nhà chức trách Thụy Sĩ phản ứng khác nhau: một số kẻ đào tẩu bị gửi trở lại, số khác bị bắt giữ.

Chạy sang Thụy Sĩ

Từ năm 1945 đến năm 1947, có khoảng 1.065.000 tù binh Đức ở Pháp. Trong số này, 740.000 người được chuyển đến từ các trại giam của Mỹ, còn 237.000 người bị bắt trên lãnh thổ Pháp, họ vừa mới đến từ Bắc Phi. Những người này bị đưa đi lao động cưỡng bức tại nước Pháp vừa bị chiến tranh tàn phá nặng nề, để phục hồi đất nước. Gần 40.000 người trong số đó chết khi làm công việc rà phá mìn, số còn lại chết trong các nhà tù.

Lính Đức đầu hàng.

Lính Đức đầu hàng.

Giống như ở nhiều nước khác, tại Pháp, chiến tranh tiếp tục cướp đi sinh mạng của nhiều người ngay cả sau khi kết thúc. Người Pháp khao khát thanh toán các món nợ cũ và không hề tỏ ra thương xót những kẻ hành hạ mình trước đây. Đói khát, điều kiện vệ sinh tồi tệ, tù nhân phải ngủ dưới các hầm lộ thiên. Báo cáo kiểm tra của Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC) thậm chí so sánh các trại giam Pháp với các trại tập trung Buchenwald và Dachau của Đức.

Trong thời gian nói trên, gần 80.000 người, chủ yếu là binh lính Đức, có thể đã chạy trốn khỏi các trại giam của Pháp. Tất cả họ đều muốn trở về quê hương. Trớ trêu thay, nhiều người trong số họ đã lặp lại số phận của những người Do Thái, trước đó chỉ vài tháng, cũng tìm cách chạy sang Thụy Sĩ. Di chuyển trong bóng tối, trên những con đường nguy hiểm, hoặc trốn trong các toa tàu hàng không có cửa sổ, một số người đã đến biên giới Thụy Sĩ và tìm được thời điểm thích hợp để vượt qua.

Cuộc chạy trốn ồ ạt của người Đức bắt đầu vào tháng 4/1945, khi quân đội Pháp tiến vào thành phố Konstanz ở Tây-Nam nước Đức. Dân thường và binh lính Đức hoảng loạn chạy về phía biên giới Thụy Sĩ, một đám đông lớn tụ tập tại chốt kiểm soát "Kreuzlingen". Ngày 26/4/1945, 150 binh lính và lực lượng biên phòng Đức xuất hiện tại biên giới và xin phép nhập cảnh Thụy Sĩ, nhưng tất cả đã bị bắt giữ.

Ít lâu sau, vào tháng 5/1945, khoảng 400 lính Nga từng phục vụ trong quân đội Đức đến Liechtenstein, nhiều người trong số họ đi cùng phụ nữ và trẻ em. Họ thông báo với các cán bộ biên phòng Thụy Sĩ rằng muốn được tị nạn tại Thụy Sĩ. Tuy nhiên, tất cả đều bị coi là "không mong muốn" và bị từ chối nhập cảnh.

Tháng 8/1945, cảnh sát Thụy Sĩ bắt giữ hai tù binh Đức trốn khỏi trại Valdahon dans le Doubs ở gần thành phố Fleurier. Một vài ngày sau, họ bắt thêm ba người chạy trốn ở Boudry. Ba người Đức khác bị bắt tại Corcelles và bị trục xuất về Pháp, còn vào tháng 10/1945, tại Vuillerens (bang Vaud), 4 binh sĩ Đức nữa bị bắt khi đang trốn khỏi trại ở thành phố Annemasse (Pháp) và tìm cách trở về nước.

Những kẻ đào tẩu này còn xuất hiện cả ở Genève. Ví dụ, tháng 1/1946, trong một toa tàu hỏa tại ga Cornavin, các nhân viên đường sắt Liên bang Thụy Sĩ đã phát hiện hai kẻ đào tẩu từ trại ở Toulon. Thêm hai lính Đức khác đã bị bắt tại Bellevue và được giao cho chính quyền Pháp vào tháng 8.

Ngày 20/8/1946, khi quân đội phát xít Đức chính thức bị giải tán tại Berlin, cảnh sát ở Marchissy (bang Vaud) đã bắt giữ 4 binh sĩ Đức trong trang phục dân sự và quân sự, chạy khỏi trại ở Annecy. 4 người khác đang trên đường trở về Đức từ Naples, đã bị bắt trong khu rừng gần thành phố Courrendlin, thuộc bang Jura của Thụy Sĩ.

Vào tháng tiếp theo, 5 người Đức đào tẩu đã bị bắt tại Bern và bị dẫn độ về Pháp. Cùng lúc, tại Lucerne, đã diễn ra phiên tòa xét xử Otto Lliger: cựu quân nhân của Quân đội Thụy Sĩ gia nhập SS năm 1942 và leo đến chức trưởng đồn cảnh sát. Y bị tuyên án 7 năm tù và gây chấn động lớn trên các phương tiện truyền thông.

Trại giam của Pháp, nơi giam giữ 10.000 tù binh Đức.

Trại giam của Pháp, nơi giam giữ 10.000 tù binh Đức.

Trộm cắp như rươi

Vào thời kỳ đó, các tờ báo Thụy Sĩ thường xuyên viết về tội ác chiến tranh của phát xít Đức, về những điều kiện kinh hoàng trong các trại tập trung của Đức Quốc xã và về tình hình nước Đức bị các đồng minh chiếm đóng. Sở dĩ như vậy là vì lúc bấy giờ, nhiều nỗ lực của các tù binh Đức vượt qua đất nước bắt đầu thu hút sự chú ý của các nhà báo và sau đó là các cơ quan hành pháp liên bang.

Theo các bài báo được công bố tháng 4/1947, trong năm 1946, Thụy Sĩ đã ra 99 quyết định về việc trục xuất các tù binh Đức ra khỏi lãnh thổ quốc gia. Nguyên nhân là những người này đã phạm các tội hình sự. Hầu như không một xu dính trong túi và hoàn toàn cô độc, không có sự trợ giúp từ bên ngoài, những kẻ đào tẩu buộc phải trộm cắp mỗi khi có cơ hội.

Cụ thể, tờ Gazette de Lausanne viết: "Biên giới vừa được mở cửa, vì vậy những kẻ lừa đảo quốc tế lại xuất hiện trên lãnh thổ của nước ta. Hợp tác với các cơ quan thực thi pháp luật ở nước ngoài, Cục An ninh và Trật tự của bang Vaud đã nhận được sự giúp đỡ hiệu quả của họ, kết quả là đã bắt giữ một số kẻ tội phạm".

Nữ y tá Barbara Borsinger.

Nữ y tá Barbara Borsinger.

Người Thụy Sĩ và cảnh sát Pháp hợp tác chặt chẽ và tin tưởng lẫn nhau

"Năm ngoái, khoảng 100 tù binh Đức đào tẩu đã vượt biên giới chúng ta và xâm nhập vào lãnh thổ của bang Vaud. Để ngăn chặn sự gia tăng tội phạm do chúng gây ra, cảnh sát trưởng bang đã ra lệnh tăng cường giám sát; 24 tù binh Đức đào tẩu đã bị bắt giữ, truy tố và kết án vì các tội phạm hình sự: chủ yếu là trộm cắp xe đạp".

Mùa xuân năm 1947, cảnh sát bang Vaud đã phát hiện thêm 347 tù binh Đức. Mặc dù chính quyền Pháp đã dần dần trả tự do cho các tù binh Đức từ tháng 4, nhưng "làn sóng di cư" này vẫn không suy giảm trong suốt năm 1947. Vào mùa xuân, các phi công Đức chạy trốn người Mỹ tại Pháp đã bị phát hiện, bắt giữ và ngay lập tức giao cho cảnh sát Pháp. Từ tháng 2 đến tháng 9, tại bang Vaud, 398 tù binh Đức chạy trốn từ Pháp đã bị bắt giữ; trong đó, 42 người là cựu nhân viên SS ngay lập tức bị đưa trở lại. Chỉ đến năm 1948, những con số này mới bắt đầu giảm.

Tiếp nhận, giữ lại hay trục xuất?

Vài năm sau chiến tranh, trên lãnh thổ Thụy Sĩ, hàng trăm người Đức tìm cách trở về Tổ quốc đã bị bắt giữ. Tuy nhiên, theo báo cáo của Ủy ban Khoa học lịch sử quốc tế do Jean-Francois Bergier đứng đầu, tù binh bỏ trốn là một vấn đề đặc biệt, bởi theo Công ước Hague, các quốc gia trung lập có thể tiếp nhận họ.

Tuy nhiên, điều đó không mang tính bắt buộc. Vì vậy, Thụy Sĩ có quyền tự do nhất định trong việc đưa ra các quyết định của mình. Và mặc dù trước năm 1942, những binh sĩ Pháp chạy trốn khỏi các nhà tù của Đức Quốc xã được phép đi qua Thụy Sĩ để đến khu vực không bị chiếm đóng của Pháp, Bộ Tư pháp và Cảnh sát Thụy Sĩ lại kêu gọi "sự cẩn trọng tối đa" và yêu cầu các công dân tránh xa "những phần tử không mong muốn". Điều này thường gây ra hậu quả nghiêm trọng cho những người liên quan, tùy thuộc vào nguồn gốc xuất thân của họ.

 Trại tù binh ở ngoại ô Roma.

Trại tù binh ở ngoại ô Roma.

Các cựu binh Đức ở Thụy Sĩ thường bị đối xử khá thô bạo, nhưng dù sao cũng không tàn nhẫn như những người bị từ chối nhập cảnh. Một số trong họ chạy trốn khỏi các nhà tù Đức Quốc xã và tìm nơi cứ trú ở Thụy Sĩ, đã bị đưa vào các trại tù do Cục Quản lý Giam giữ và Điều trị Y tế phụ trách. Cục này được Bộ Quốc phòng Thụy Sĩ thành lập vào tháng 6 năm 1940. Trong khi đó, những người khác bị giao nộp cho chính quyền nước ngoài.

Giúp đỡ các tù binh Đức

Trong khi một số tù binh Đức bị bắt giữ, số khác dù sao vẫn trở về Đức trót lọt. Không ai biết số lượng bao nhiêu. Tuy nhiên, có bằng chứng cho rằng một số người trong họ đã nhận được sự giúp đỡ.

Ngày 8/5/1945, trước khi các cơ quan ngoại giao của Đức Quốc xã tại Bern bị đóng cửa, những kẻ đào tẩu này có thể nhận được sự hỗ trợ không chính thức của các lãnh sự quán Đức mà họ đã tìm đến. Ngoài ra, họ còn nhận được sự giúp đỡ của Chi nhánh Đức thuộc Trung tâm Quản lý Tù binh chiến tranh của Hội Chữ thập đỏ ở Geneva và của Werner von Holleben, lãnh sự Đức tại Geneva. Dù chính phủ liên bang Thụy Sĩ đã chính thức trục xuất toàn bộ nhân viên ngoại giao Đức về nước, Werner von Holleben vẫn ở lại Thụy Sĩ đến năm 1946 nhờ chức vụ thư ký của Hội Thanh niên Cơ đốc giáo.

Một tù binh Đức ở Thụy Sĩ.

Một tù binh Đức ở Thụy Sĩ.

Sự tham gia bí mật của Trung tâm Quản lý tù binh chiến tranh của Hội Chữ thập đỏ và Hội Thanh niên Cơ đốc giáo vào việc hồi hương các tù binh Đức đào tẩu qua Thụy Sĩ là điều gần như rõ ràng. Nhưng để thực hiện được quá trình này, cần có một mạng lưới hậu cần hoàn chỉnh. Vậy, sự hỗ trợ này đến từ đâu?

Nó đến từ những người Thụy Sĩ đã cung cấp viện trợ nhân đạo cho những người lính này, cho họ chỗ ở, thức ăn và sự chăm sóc y tế. Trong số đó, đáng chú ý là nữ y tá Barbara Borsinger và bác sĩ Viola Riederer von Paar zu Schnau, những người đã giấu một số tù binh Đức dưới tầng hầm của bệnh viện Grangettes Clinic ở Geneva. Ngoài ra, các linh mục Dòng Tên ở các bang nói tiếng Đức của Thụy Sĩ cũng đã hỗ trợ bằng cách cung cấp quần áo mới và giúp họ vượt qua biên giới tại Basel.

Hoạt động mang tính chất hoàn toàn nhân đạo và từ thiện này đòi hỏi giữ bí mật vì những hạn chế hành chính được áp đặt đối với các tù binh. Hơn nữa, sự giúp đỡ này khó có thể nhận được sự đồng cảm của đại bộ phận dân cư Thụy Sĩ. Tuy nhiên, đứng đầu chiến dịch này - Barbara Borsinger và Viola Riederer - là những phụ nữ có đức tin không gì lay chuyển nổi, trước đó, họ đã từng cứu giúp nhiều trẻ em Do Thái trong Thế chiến II.

Anh Duy

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-mat/tu-binh-duc-o-thuy-si-sau-the-chien-ii-i754468/