Từ bọ cánh cứng tới 'diệc địa ngục', điểm lại những loài mới được phát hiện năm 2021
Nổi bật trong số các loài mới được phát hiện năm 2021 là các sinh vật giống tôm, một loài khủng long đã tuyệt chủng được gọi là hell heron (diệc địa ngục) và những con bọ cánh cứng sặc sỡ.
Theo kênh CNN, đây là một vài trong số 552 loài mới được các nhà khoa học tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở London (Anh) phát hiện trong năm nay.
Các nhà nghiên cứu phần lớn bị hạn chế tới các địa điểm thực địa quốc tế hoặc tham quan các bộ sưu tập tại các bảo tàng khác do đại dịch, nhưng họ vẫn kiên trì và khám phá ra vô số loài mới đối với giới khoa học, cả còn sống và đã tuyệt chủng.
Các khám phá về khủng long bao gồm con khủng long săn mồi khổng lồ được gọi là spinosaur. Loài này có hộp sọ giống cá sấu, giúp chúng săn con mồi dưới nước cũng như trên cạn. Chúng sống trên đảo Wight của Anh cách đây 125 triệu năm.
Con spinosaurid đầu tiên trong số hai con spinosaurid được đặt tên là Ceratosuchops undrodios, có nghĩa là “con diệc địa ngục có sừng mặt cá sấu”. Trong thực tế, con khủng long này có sừng và bướu trên vùng trán. Spinosaurid cũng có thể săn mồi như diệc, có thể bắt mồi dưới nước cũng như trên cạn.
Con spinosaurid thứ hai là Riparovenator milnerae, được gọi là “thợ săn bờ sông của Milner”.
Cả hai con săn mồi này có thể đạt chiều dài khoảng 9 mét và có hộp sọ dài 1 mét.
Hóa thạch spinosaurid đã được phát hiện trên khắp thế giới, nhưng chúng có thể đã tiến hóa ở châu Âu rồi mới di cư đến các khu vực khác.
Một hóa thạch tuổi đời hàng thập kỷ từ đảo Wight (tthường được coi là thủ đô khủng long của Anh) cũng giúp các nhà khoa học phát hiện ra Brighstoneus simmondsi, một loài cự đà có mõm bất thường.
Các hóa thạch được tìm thấy ở những nơi khác đã giúp giới khoa học phát hiện loài ankylosaur sớm nhất từ châu Phi.
Bà Susannah Maidment, nhà nghiên cứu cấp cao về cổ sinh vật học tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên, cho biết: “Đây là một năm tuyệt vời khi có thông tin mô tả về các loài khủng long mới, đặc biệt là từ Vương quốc Anh. Những mẫu vật này là một phần của trò chơi ghép hình cổ sinh vật học rộng lớn, cho phép chúng ta hiểu về các môi trường trong quá khứ và những thay đổi theo thời gian”.
Những phát hiện về sinh vật cổ đại khác vào năm 2021 bao gồm nhện bị mắc kẹt trong hổ phách, một loài họ hàng cá sấu ăn thực vật và một con “chuột kỷ Jura” từng sống cùng khủng long cách đây 166 triệu năm ở vùng đất bây giờ là Scotland.
Trái Đất là nơi sinh sống của một loạt động vật giáp xác nhỏ giống tôm được gọi là giáp xác chân chèo. Chúng có mặt khắp thế giới, từ các hồ trên núi đến rãnh đại dương. Năm 2021, các nhà khoa học đã phát hiện ra 291 loài động vật giáp xác chân chèo.
Mặc dù những sinh vật này rất nhỏ, nhưng chúng là nguồn thức ăn quan trọng cho cá và nhuyễn thể , rất quan trọng đối với chu trình carbon và hệ sinh thái của Trái Đất.
Ông Geoff Boxshall, nhà nghiên cứu khoa học đời sống của Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên, cho biết: “Giáp xác chân chèo không chỉ sống tự do mà nhiều con trong số chúng sống ký sinh, và chúng có thể sống trên hầu hết các nhóm động vật chính”.
Ngoài ong bắp cày, bướm đêm, cua và ruồi, các nhà nghiên cứu còn tìm thấy 90 loài bọ cánh cứng mới, bao gồm cả loài có màu tím và xanh lấp lánh từ Ấn Độ và một loài có hàm lớn từ Philippines.
Ngoài ra, các nhà khoa học cuối cùng đã giải đáp được bí ẩn về một loài dế bụi đến từ Đông Nam Á. Lần đầu tiên họ biết tới tiếng kêu du dương, lạ thường của nó vào năm 1990, nhưng mãi bây giờ họ biết tiếng kêu đó xuất phát từ loài nào.
Có 5 loài thực vật mới từ miền đông châu Phi, được gọi là jewelweed. Những cây này thường có hoa màu hồng hoặc trắng, nhưng một số đã bắt đầu ra hoa màu đỏ để chim chóc dễ nhận biết hơn.
Các nhà khoa học cũng xác định được 10 loài bò sát và lưỡng cư mới, trong đó có một loài rắn được gọi là “tay đua của Joseph”.
Thật không may là một số loài được phát hiện cũng có nguy cơ tuyệt chủng. Điều này cho thấy tầm quan trọng của việc nhận biết và hiểu mọi sinh vật trên hành tinh của chúng ta.