Tu bổ di tích Địa đạo Khu ủy Trị Thiên Huế hướng tới phát triển du lịch
Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế vừa khánh thành công trình tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử cách mạng Địa đạo Khu ủy Trị Thiên Huế (tại khu vực Khe Trái, phường Hương Vân, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế).
Sau 2 năm thi công, việc tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử cách mạng Địa đạo Khu ủy Trị Thiên Huế đã hoàn thành với kinh phí hơn 6 tỷ đồng. Công trình gồm các hạng mục chính như tu bổ, phục hồi 3 cửa hầm địa đạo theo nguyên trạng bằng bê tông cốt thép; phục dựng, tôn tạo bếp Hoàng Cầm; phục dựng, tôn tạo 2 hầm cảnh vệ số 1 và số 3; xây dựng hệ thống giao thông hào bao quanh; xây dựng mới nhà bia tưởng niệm; dựng bia đá tự nhiên nguyên khối, khắc chữ theo nội dung tưởng niệm của di tích…
Địa đạo Khu ủy Trị Thiên được đào vào tháng 8/1967. Thực hiện ý đồ chiến lược của Trung ương, nhằm mở hướng tiến công ở Đường 9, nhất là chiến trường Trị Thiên Huế, Khu ủy Trị Thiên Huế đã quyết định đào địa đạo tại khu vực Khe Trái. Địa đạo Khu ủy là kiểu trụ sở của Bộ Chỉ huy chiến dịch Mậu Thân 1968, một kiểu “cơ quan” của Quân khu, của Tỉnh ủy và Thành ủy được xây dựng ở vùng rừng núi, góp phần quan trọng trong thắng lợi lịch sử mùa xuân năm 1968.
Khu di tích gồm địa đạo dài khoảng 70 mét và nhiều công trình như nhà bia tưởng niệm; hầm cảnh vệ có 3 cửa, cấu tạo theo chữ Y, nằm trên lưng chừng núi Mày Nhà; biển giới thiệu di tích; chòi nghỉ chân ngắm cảnh; bếp Hoàng Cầm; trận địa pháo trên đỉnh núi... Năm 1996, Di tích địa đạo Khu ủy Trị Thiên Huế được công nhận là di tích quốc gia.
Ông Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở Văn hóa & Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: “Trong giai đoạn tới thì Sở Văn hóa & Thể thao sẽ chỉ đạo Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế nghiên cứu, đề xuất giai đoạn 2 của dự án, đặc biệt chú ý đến sự tôn tạo, giữ gìn những di tích nguyên gốc, từ hầm địa đạo cho đến công sự, đặc biệt là trận địa pháo 12 ly 7 trên đỉnh đồi. Bên cạnh đó cũng tạo ra những thiết chế hỗ trợ cho khách du lịch đến đây trải nghiệm thực tế, để du khách có thể phần nào cảm nhận cuộc sống từng diễn ra ở đây như thế nào”./.