Từ bỏ giấc mơ tàu sân bay, Nga chế tạo chiến hạm tấn công có thể 'biến hình' thành bệnh viện nổi

Trước tình hình tàu sân bay Kuznetsov đang được trùng tu dài hạn, Nga chuyển hướng sang chế tạo các chiến hạm tấn công đổ bộ đa năng vừa có thể chở phi cơ hạng nặng, vừa trở thành một bệnh viện di dộng phục vụ y tế trên biển.

Nga chú trọng chế tạo một chiến hạm lai tàu sân bay trong tương lai. (Nguồn: National Interest)

Nga chú trọng chế tạo một chiến hạm lai tàu sân bay trong tương lai. (Nguồn: National Interest)

Từ bỏ giấc mơ tàu sân bay Kuznetsov?

Cuối năm ngoái, chiến hạm Đô đốc Kuznetsov - tàu sân bay duy nhất của Hải quân Nga bị hư hại nặng do hỏa hoạn khi đang bảo dưỡng tại cảng Murmansk. Đến nay, vẫn chưa có thông tin về thời gian tàu sẽ trở lại hoạt động. Các nhà khoa học dự kiến con tàu sẽ được hoàn thành sửa chữa sớm nhất vào năm 2022 hoặc thậm chí có thể muộn hơn.

Điều này khiến lực lượng hải quân Nga rơi vào tình cảnh như “rắn mất đầu” khi không còn một tàu sân bay nào trong biên chế. Vấn đề này có thể ảnh hưởng ít nhiều đến sức mạnh của lực lượng thủy quân, cũng như sụt giảm uy tín của quân sự Nga trên chiến trường quốc tế.

Khi Mỹ và các đồng minh tiếp tục hiện đại hóa và đóng tàu sân bay tiên tiến từng ngày, thì cả Liên Xô (cũ) và Nga hiện nay đều luôn coi trọng chiến lược phát triển đội tàu ngầm. Thực tế cho thấy, Nga hầu như không còn mặn mà với các tàu sân bay kế thừa từ chế độ cũ. Hầu hết các tàu từ thời Liên Xô lần lượt trở thành tài sản riêng của Trung Quốc, Ấn Độ và Ukraine. Hơn nữa, việc cắt giảm ngân sách khiến Moscow vẫn chưa có động thái “rót tiền” vào kế hoạch nâng cấp hoặc đóng một tàu sân bay mới hỗ trợ chiếc Kuneztov vốn đã hoạt động từ cuối thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Bên cạnh đó, tinh hoa công nghệ đóng tàu sân bay từ thời Liên Xô đã bị “thất truyền” và chênh lệch trình độ kỹ thuật cũng là trở ngại lớn làm quá trình hiện đại hóa tàu sân bay của Nga càng thêm đình trệ.

Kỷ nguyên của các hãng vận chuyển trực thăng

Bộ Quốc phòng Liên bang Nga chuyển hướng quan tâm sang việc chế tạo đội chiến hạm tấn công đổ bộ tầm gần có chức năng như tàu sân bay thực thụ. Chúng sẽ có khả năng chở cả trực thăng hạng nặng Ka-31, Ka-27 hoặc Ka-52K trên boong, cũng như các tiêm kích đa năng dành cho nhiệm vụ đặc biệt.

Các tàu chiến này hiện đang được sản xuất tại nhà máy đóng tàu Zaliv ở Crimea.

Do cắt giảm ngân sách và công nghệ, Nga ngày càng ngó lơ tàu Đô Đốc Kuznetsov. (Nguồn: National Interest)

Do cắt giảm ngân sách và công nghệ, Nga ngày càng ngó lơ tàu Đô Đốc Kuznetsov. (Nguồn: National Interest)

Trước mắt, Nga tập trung hiện đại hóa hai tàu lớp tấn công Ivan Rogov và Mitrofan còn sót lại từ thời Liên Xô. Được đưa vào hoạt động kể từ 1978, tàu Ivan Rogov được coi là "anh cả" trong lớp tàu chiến đổ bộ thuộc biên chế quân đội Nga hiện nay. Đây cũng là chiếc duy nhất còn giữ lại những công nghệ và thiết kế độc đáo của Liên Xô như sàn đáp máy bay trực thăng và lán chứa máy bay trên boong tàu.

Hai tàu chiến sau khi cải tiến có thể chuyên chở lực lượng không quân gồm hơn 10 trực thăng hạng nặng. Ngoài việc sử dụng để triển khai máy bay chiến đấu quay trong nhiều nhiệm vụ khác nhau, chúng có thể được sử dụng để vận chuyển lên đến khoảng 1.000 lính thủy đánh bộ. Các tàu chiến cũng được trang bị một sàn đáp dài chắc chắn, vừa làm đường băng cho tiêm kích đổ bộ, vừa làm đường vận chuyển các phương tiện thiết giáp.

Phát biểu với hãng truyền thông TASS, Giám đốc tập đoàn đóng tàu Ak Bars, Renat Mistakhov cho biết, các đối tác yêu cầu chế tạo ra một tàu chiến đảm bảo sự tương tác cả dưới nước lẫn trên bộ. Chúng không chỉ đảm nhận nhiệm vụ làm bãi đáp di động của trực thăng trên biển mà còn cả vận chuyển cả các máy bay pháo kích đa năng để chúng có thể thay phiên nhau tiếp nhiên liệu và đạn dược.

“Bệnh viện nổi” giữa biển khơi

Theo nguyện vọng của khách hàng, nhà sản xuất đang thảo luận tính khả thi của việc chuyển đổi công năng chiến hạm đổ bộ thành tàu bệnh viện trong tương lai.

Ở giai đoạn thiết kế, các kỹ sư xem xét các phương án lắp đặt thiết bị y tế cố định bên trong thân tàu, đồng thời loại bỏ các thiết bị khác không cần thiết trong hoạt động chiến đấu, hoặc chuyển chúng sang các khoang trống còn lại trên tàu. Ngoài ra, trên tàu có các phân khu chức năng như nhà bếp, phòng nghỉ, các khoang chứa máy bay rộng rãi… đảm bảo đủ điều kiện để trở thành một bệnh viện thật sự trong trường hợp cần thiết.

Bộ Quốc phòng Nga đã thể hiện sự quan tâm đến việc mua “bệnh viện di động” này trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang hoành hành. Nếu được sớm triển khai song song với tàu bệnh viện Irtysh của Hạm đội Thái Bình Dương, các 'bệnh viện nổi' này sẽ giúp giảm bớt gánh nặng cho các bệnh viện trong khu vực.

Bên cạnh đó, hôm 26/8 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nga Oleg Ryazantsev cũng chia sẻ bên lề Diễn đàn Quốc tế Army Games 2020 rằng Tập đoàn Đóng tàu Thống nhất đã đưa ra một số phương án đóng mới các tàu bệnh viện hoạt động ở ven biển và xa bờ.

Trong khi đó, Bộ Quốc Phòng Nga cho biết sẽ sớm đưa ra quyết định về việc tiến hành xây dựng một đội tàu như vậy dựa trên nguồn ngân sách hiện có.

(theo National Interest)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tu-bo-giac-mo-tau-san-bay-nga-che-tao-chien-ham-tan-cong-co-the-bien-hinh-thanh-benh-vien-noi-122750.html