Từ bỏ thói quen dùng nylon

Người trẻ thời 4.0 - Uy quyền lộng lẫy là tập hợp nhiều bài viết ghi lại những trải nghiệm của bạn trẻ về những khía cạnh đa dạng của đời sống trong thời công nghệ 4.0.Những bức ảnh quen thuộc về nylon và đồ nhựa tàn phá môi trường có thể làm động tâm người dùng mạng xã hội trong khoảnh khắc, nhưng không dễ để người ta thay đổi một thói quen.

Đã có nhiều người nói về vấn đề môi trường và túi nylon rồi, mình cũng đã share thông tin vài lần trên Facebook. Thế nhưng mình không thuộc kiểu cực đoan muốn thế giới phải giống mình, và cũng không có thói quen sử dụng Facebook làm công cụ truyền thông, nên cũng không tích cực tuyên truyền vấn đề này cho lắm.

Những bức ảnh quen thuộc thỉnh thoảng vẫn trồi lên giữa biển tin trên Facebook. Con cá voi khổng lồ chết vì nuốt phải cả trăm chiếc túi nylon. Những con rùa biển tàn tật vì lỡ mắc vào túi nylon khi còn nhỏ. Những con chim biển vướng mỏ vào nắp lon nước ngọt với ánh mắt đầy tuyệt vọng…

 Tác phẩm cá voi làm từ túi nylon và chai nhựa của Dominique McCann. Nguồn: allthatisshe.

Tác phẩm cá voi làm từ túi nylon và chai nhựa của Dominique McCann. Nguồn: allthatisshe.

Những bức ảnh quen thuộc này có thể làm động tâm các facebooker trong khoảnh khắc, nhưng không dễ để người ta thay đổi một thói quen sống đã hình thành qua nhiều năm tháng.

Bản thân mình cũng thế thôi. Lộ trình “cai” đồ nhựa của mình cũng chậm chạp lắm, và tới giờ vẫn chưa “cai” được hoàn toàn.

Mình bắt đầu từ việc chỉ nhận một túi nylon duy nhất cho tất cả hàng hóa khác nhau khi đi siêu thị chứ không để nhân viên phân loại vào nhiều túi, sau đó thì tự mang túi dùng nhiều lần.

Một thời gian sau mình mới thay ly nước bán sẵn bằng bình nước cá nhân, rồi hạn chế dần việc vào các quán nước “thích” ly nhựa hơn ly thủy tinh, các quán trà sữa… rồi bớt dần ống hút, thìa nhựa, rồi ưu tiên ăn tại quán hơn mua mang về hay order tận nhà…

Cứ thế cứ thế mỗi ngày mình bớt tiêu thụ rác thải nhựa đi một ít. Những sản phẩm nhựa, nylon nào mình đã lỡ tiêu thụ rồi thì tìm cách làm cho cuộc đời của nó có ý nghĩa thêm tối thiểu một lần nữa bằng cách dùng lại hoặc cho đi.

 Tác phẩm giải cứu chú rùa biển của của Dominique McCann. Nguồn: allthatisshe.

Tác phẩm giải cứu chú rùa biển của của Dominique McCann. Nguồn: allthatisshe.

Những túi nylon còn đẹp, vỉ xốp đựng rau củ, trái cây của cửa hàng, siêu thị, thậm chí cả dây thun… mình đem trả lại hoặc đem cho người bán.

Số túi nylon nào quá gớm ghiếc không mang cho ai được thì để đựng rác. Đó là lý do nhà mình không có thùng rác, vì không phải túi nào cũng to vừa cái thùng. Mình chỉ hay treo túi rác ở một góc ngoài lô-gia, đầy túi là mang đi vứt ngay. Rác thải điện tử không bao giờ mình vứt chung với rác sinh hoạt, mà để dành trong nhà, lâu lâu mang ra điểm thu gom một lần.

Mình chưa “cai” hẳn đồ nhựa được vì nhiều lý do, có khi vì ngại làm phiền người phục vụ (chẳng hạn như những lần muốn từ chối ống hút nhưng nhân viên quán quá bận rộn), có khi vì… quên, nhưng chủ yếu là vì mình không quyết liệt.

Mình không sống một mình, không chơi một mình, nên khi ở cạnh những người khác, mình muốn tôn trọng lựa chọn của họ. Mình vẫn vào quán trà sữa cùng bạn bè, vẫn ăn cơm hộp khi được rủ rê, vẫn order đồ ăn tận văn phòng khi có cơ hội tụ tập…

Dẫu biết rằng muốn làm nên sự khác biệt có lúc cần phải quyết liệt và cực đoan, nhưng mình không phải là nhà hoạt động môi trường, mà chỉ lựa chọn điều chỉnh hành vi của bản thân sao cho thân thiện hơn với môi trường qua từng ngày.

Mỗi người có một “comfortable zone” (vùng thoải mái) của bản thân, nên mình cũng không dám gào thét đòi hỏi ai phải thay đổi cách sống, bước ngay lập tức ra khỏi “comfortable zone” của họ.

Chỉ cần những thói quen nho nhỏ thoạt nhìn có phần gàn dở của mình dần ảnh hưởng và làm thay đổi thói quen của những người thân thiết xung quanh, hoặc gây chú ý khiến những người không thân thiết lắm bắt đầu nghĩ tới việc thay đổi một thói quen nhỏ nhất của họ thì thế giới ngoài kia cũng bắt đầu sự thay đổi lớn theo hướng tốt đẹp và nhân ái hơn.

Mà ngay cả khi không có ai thèm chịu ảnh hưởng của mình hết, thì những chiếc túi nylon, ly nhựa, ống hút nhựa mình đã tiết kiệm được cũng đã bị trì hoãn thêm một chút trên hành trình đi tàn phá môi trường của chúng rồi.

Nhiều tác giả / NXB Văn hóa - Văn nghệ TP.HCM

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tu-bo-thoi-quen-dung-nylon-post1125055.html