Tự bỏ tiền học nâng chuẩn được truy lĩnh, người trong cuộc mong thủ tục đơn giản

Nếu dự thảo Nghị định được thông qua, các giáo viên có thể bớt gánh nặng, những thầy cô tự bỏ tiền học nâng chuẩn cũng có thể truy lĩnh kinh phí.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 71/2020/NĐ-CP ngày 30/6/2020 của Chính phủ quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở.

Tại Khoản 2 Điều 2 dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 71/2020/NĐ-CP nêu: "Những giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở thuộc đối tượng phải thực hiện nâng trình độ chuẩn đã được cấp bằng tốt nghiệp đạt yêu cầu về trình độ chuẩn được đào tạo của cấp học đang giảng dạy kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2020 nhưng chưa được cơ quan, đơn vị nào thanh toán học phí đào tạo thì được truy lĩnh, chi trả học phí đào tạo. Mức tiền được truy lĩnh, chi trả bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo tại thời điểm giáo viên theo học. Cơ quan, đơn vị có thẩm quyền thanh toán kinh phí đào tạo hướng dẫn cụ thể danh mục chứng từ giáo viên cần cung cấp để được thanh toán trong trường hợp quy định tại khoản này".

Như vậy, nếu dự thảo Nghị định được thông qua, những giáo viên chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo của cấp học đang giảng dạy kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2020 tự bỏ tiền học phí để học đạt chuẩn (đã được cấp bằng) nhưng chưa được cơ quan, đơn vị nào thanh toán học phí đào tạo thì được truy lĩnh, chi trả học phí đào tạo.

Nội dung này đang thu hút rất nhiều sự quan tâm của dư luận.

 Một tiết học tại Trường Trung học cơ sở Minh Tân, huyện Kiến Thụy, tỉnh Hải Phòng. (Ảnh: GVCC)

Một tiết học tại Trường Trung học cơ sở Minh Tân, huyện Kiến Thụy, tỉnh Hải Phòng. (Ảnh: GVCC)

Giáo viên yên tâm công tác, không còn nỗi lo về chi phí nâng chuẩn

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Hoàng Thị Hằng, giáo viên Trường Trung học cơ sở Minh Tân (huyện Kiến Thụy, tỉnh Hải Phòng) cho biết, trước đây cô học hệ cao đẳng tại Trường Đại học Hải Phòng. Năm 2006, sau khi tốt nghiệp nữ giáo viên về công tác tại Trường Trung học cơ sở Minh Tân. Đến tháng 6/2021, cô đăng ký học nâng chuẩn trình độ tại Trường Đại học Hải Phòng.

“Trước khi tôi đi học, vấn đề mà tôi cũng như các giáo viên khác quan tâm là kinh phí học tập. Thời điểm tôi học, chi phí để học nâng chuẩn khá cao. Cả khóa học bao gồm 8 kỳ, mỗi kỳ học phí gần 8 triệu đồng. Bên cạnh đó còn có nhiều khoản chi phí phát sinh khác như: tài liệu học tập, chi phí đi lại, ăn uống… Tính trung bình cả khóa học chi phí khoảng 50 triệu đồng.

Bên cạnh đó, tôi cũng cần cân nhắc rất nhiều trước khi đi học nâng chuẩn vì tôi đã có gia đình. Việc chuẩn bị hồ sơ, sắp xếp thời gian đi học cần bàn bạc để có sự thống nhất và hỗ trợ từ phía gia đình. Rất may mắn tôi được sự ủng hộ và động viên rất lớn từ phía gia đình. Trong thời gian tôi đi học, các con của tôi cũng chủ động phụ giúp mẹ việc nhà để tôi có thêm thời gian. Để không ảnh hưởng đến việc dạy học trên trường, giáo viên học nâng chuẩn được nhà trường tạo điều kiện học vào cuối tuần kết hợp học trong thời gian học sinh nghỉ hè", cô Hằng nhớ lại.

Cũng theo cô Hằng thời điểm đó, để có thêm kinh phí đảm bảo chi trả cuộc sống và việc học nâng chuẩn cô phải làm thêm các công việc khác. Chính vì thế, nếu dự thảo Nghị định được thông qua, các giáo viên có thể bớt gánh nặng, những thầy cô tự bỏ tiền học nâng chuẩn cũng có thể truy lĩnh kinh phí.

"Thời điểm ấy, với số lương ít ỏi, tôi làm thêm công việc bên ngoài mỗi khi rảnh để có thêm tiền trang trải cuộc sống gia đình. Khi học nâng chuẩn, tôi phải vay mượn rất nhiều nơi để có thêm tiền đóng học phí. Nếu được hoàn lại chi phí đi học, đó là điều may mắn đối với tôi. Những giáo viên đăng ký học nâng chuẩn sẽ yên tâm vừa học vừa làm, không phải lo lắng về học phí”, cô Hằng chia sẻ.

 Cô Hoàng Thị Hằng, giáo viên Trường Trung học cơ sở Minh Tân, huyện Kiến Thụy, Thành phố Hải Phòng. (Ảnh: NVCC)

Cô Hoàng Thị Hằng, giáo viên Trường Trung học cơ sở Minh Tân, huyện Kiến Thụy, Thành phố Hải Phòng. (Ảnh: NVCC)

Cô Lê Thị Nhung (sinh năm 1987), giáo viên môn Âm nhạc Trường Tiểu học Kỳ Thịnh I (thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) là một trong những giáo viên của trường học nâng chuẩn trình độ đào tạo từ trung cấp lên đại học từ cuối năm 2019.

Năm 2009, cô tốt nghiệp trung cấp tại Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Thái Bình và trở về quê công tác tại Trường Tiểu học Kỳ Thịnh I. Sau khi Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực, một trong nội dung quan trọng là nâng chuẩn trình độ chuẩn của giáo viên. Cô Nhung đăng ký học nâng chuẩn lên đại học tại Học viện Âm nhạc Huế (có cơ sở đào tạo tại Thành phố Hà Tĩnh).

“Tôi học nâng chuẩn từ tháng 12/2019 và kết thúc vào tháng 1/2023. Tôi thấy việc vừa học vừa làm khi đã có gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Trong thời gian đi học nâng chuẩn, tôi đang trong giai đoạn mang thai và chuẩn bị sinh con. Chính vì thế, quãng đường đi từ nhà ra thành phố để học gần 60km đối với tôi rất khó khăn.

Bên cạnh đó, chi phí học tập cũng là một vấn đề lớn với bản thân tôi và gia đình lúc bấy giờ. Học phí mỗi kỳ học là 5 triệu đồng, tổng mức học phí toàn khóa học là 25 triệu đồng. Tôi hy vọng những điểm mới trong dự thảo được phê duyệt và đưa vào thực hiện. Khi dự thảo được thông qua sẽ giải quyết được nhiều khó khăn cho giáo viên, đồng thời giáo viên sẽ yên tâm công tác”, cô Nhung bày tỏ.

Cô Nguyễn Thị Hoài, từng học cao đẳng tại Trường Đại học Hải Phòng. Sau khi tốt nghiệp, năm 1988 nữ giáo viên về công tác tại Trường Trung học cơ sở Minh Tân. Cô Hoài vui mừng khi biết thông tin về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 71/2020/NĐ-CP có thể được truy lĩnh số tiền học nâng chuẩn trình độ mà giáo viên đã tự đóng trước đó: “Nếu dự thảo được thông qua sẽ giải quyết được tình trạng khó khăn về tài chính của giáo viên tự bỏ tiền túi ra học nâng chuẩn.

Trong thời gian đi học, tôi thấy nhiều giáo viên rất khó khăn trong việc vừa phải trang trải kinh phí học tập, vừa lo cho gia đình. Thời điểm tôi học nâng chuẩn, kinh phí học tập là hơn 7 triệu đồng cho mỗi kỳ học. Không chỉ tôi mà những giáo viên đi học đều đã có gia đình. Với đồng lương ít ỏi, việc lo cho cuộc sống gia đình hàng ngày đã khó khăn lại lo thêm về kinh phí học nâng chuẩn sẽ càng khó khăn hơn”.

 Cô Nguyễn Thị Hoài, giáo viên Trường Trung học cơ sở Minh Tân, huyện Kiến Thụy, Thành phố Hải Phòng. (Ảnh: NVCC)

Cô Nguyễn Thị Hoài, giáo viên Trường Trung học cơ sở Minh Tân, huyện Kiến Thụy, Thành phố Hải Phòng. (Ảnh: NVCC)

Đề xuất đơn giản hóa thủ tục hành chính khi truy lĩnh chi phí học nâng chuẩn

Sau thời gian nghiên cứu dự thảo, cô Lê Thị Nhung đề xuất nếu giáo viên được cấp kinh phí để học nâng chuẩn trình độ thì cần triển khai kịp thời để đạt hiệu quả cao. Bên cạnh đó, thủ tục hành chính để truy lĩnh kinh phí cần đơn giản hơn, giúp tiết kiệm thời gian, công sức cho giáo viên.

"Với trường hợp giáo viên đã học nâng chuẩn và được truy lĩnh kinh phí học, dự thảo nên bổ sung rõ giáo viên cần chuẩn bị những thủ tục, giấy tờ hay xác nhận ở những đơn vị nào, thời gian xét duyệt hồ sơ truy lĩnh là bao lâu. Giáo viên cần nộp hồ sơ xin truy lĩnh kinh phí học nâng chuẩn cho đơn vị nào và sẽ nhận được khoản kinh phí đó vào thời điểm nào.

Theo tôi, để giáo viên đáp ứng được trình độ chuẩn của Luật Giáo dục 2019 cần tạo điều kiện hơn cho các thầy cô bằng cách đơn giản hóa các thủ tục hành chính. Bên cạnh học phí cần hỗ trợ giảm giờ dạy hoặc một số công việc khác để tạo điều kiện cho giáo viên yên tâm học nâng chuẩn mà vẫn đảm bảo nhiệm vụ", cô Nhung nêu quan điểm.

Trong khi đó, cô Nguyễn Thị Hoài bày tỏ: “Bản thân tôi trong quá trình học nâng chuẩn cũng gặp phải một số khó khăn, nhất là nhà tôi ở cách nơi học khá xa. Nhưng rất may mắn tôi được cơ quan tạo điều kiện, sắp xếp thời khóa biểu dạy học hợp lý để tôi có thể hoàn thành được cả công việc ở cơ quan và việc học tập nâng chuẩn”.

Cô Hoài đưa ra đề xuất, nếu nguồn kinh phí học nâng chuẩn do ngân sách địa phương chi trả thì sở giáo dục và đào tạo tỉnh có thể kết hợp với phòng giáo dục và đào tạo các huyện rà soát danh sách giáo viên xem những ai đủ điều kiện học nâng chuẩn. Sau đó, kinh phí sẽ được phân bổ về các trường có giáo viên đủ điều kiện học nâng chuẩn đang làm việc. Nhà trường sẽ giao nhiệm vụ trực tiếp cho giáo viên của mình. Như vậy sẽ giảm được các thủ tục hành chính rườm rà.

Cùng bàn về vấn đề này, cô Hoàng Thị Hằng cho rằng việc nhà nước thanh toán kinh phí học nâng chuẩn cho giáo viên là tín hiệu tích cực đối với người làm giáo dục. Tất cả nhà giáo ai cũng mong muốn có thể nâng cao trình độ của mình. Tuy nhiên, lương nhà giáo thấp nên việc chi trả kinh phí khi đi học là điều vô cùng khó khăn. Hơn nữa, các thầy cô còn công việc đang làm nên nếu học nâng chuẩn cần được nhà trường tạo điều kiện, bố trí công việc hơn lý.

“Đối với những giáo viên sống hoàn toàn bằng lương nhà giáo khi đi học nâng chuẩn sẽ phải vay mượn thêm kinh phí. Đây cũng là một rào cản với những thầy cô muốn học nâng chuẩn. Trong khi việc giáo viên được nâng cao trình độ sẽ góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy, đảm bảo thực hiện tốt chương trình đổi mới giáo dục", cô Hằng bày tỏ.

Lương Hiền

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/tu-bo-tien-hoc-nang-chuan-duoc-truy-linh-nguoi-trong-cuoc-mong-thu-tuc-don-gian-post245037.gd