Từ cá hồi Na Uy nhìn về con tôm Việt
Tập trung vào chất lượng thay vì sản lượng là chìa khóa giúp cá hồi Na Uy có thể bán được với mức giá cao nhưng vẫn được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn.
Na Uy là quốc gia xếp thứ 2 trên thế giới về xuất khẩu thủy hải sản. Tính riêng năm 2022, tổng sản lượng xuất khẩu thủy hải sản của Na Uy đã đạt con số 2,9 tỷ tấn, tương đương với 151 tỷ krone Na Uy (khoảng 14,5 tỳ USD). Trong đó, 70% kim ngạch xuất khẩu thủy sản là mặt hàng cá hồi.
Đáng nói, Na Uy chứng kiến mức tăng trưởng tương đối tốt trong ngành thủy sản, đặc biệt là cá hồi, tuy nhiên tổng thể sản lượng hầu như không thay đổi. Điều này cho thấy, tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu thủy sản chủ yếu đến từ nâng cao giá bán, thông qua nâng cao chất lượng và thương hiệu.
Ông Asbjørn Warvik Rørtveit, Giám đốc khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Hội đồng hải sản Na Uy, cho biết, giá cá hồi Na Uy xuất khẩu rơi vào mức 10 USD/kg, sang đến Việt Nam được bán với giá trung bình gấp 3 lần, tức là khoảng 30 USD/kg.
Theo ông Rørtveit, người tiêu dùng sẵn sàng chi trả mức giá cao cho cá hồi Na Uy dựa trên giá trị thương hiệu của Na Uy. Do vậy, Na Uy không cần phải nâng cao sản lượng mà chủ yếu tập trung vào chất lượng để bán được mức giá cao.
Thực tế, việc tăng sản lượng không phải là đơn giản bởi chính phủ Na Uy luôn đặt ra mức trần cho nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản. Vì vậy, doanh nghiệp sản xuất thủy hải sản ở quốc gia Bắc Âu này chỉ còn cách phải tập trung tăng giá trị để kiếm thêm lợi nhuận.
“Ngành thủy sản Na Uy chú trọng tính bền vững, chất lượng và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Na Uy đã xây dựng một khung pháp lý mạnh mẽ đảm bảo rằng hải sản được thu hoạch bền vững, chế biến và vận chuyển theo những tiêu chuẩn cao nhất”, đại diện Hội đồng hải sản Na Uy cho biết.
Lắng nghe câu chuyện về xuất khẩu cá hồi Na Uy, ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Công ty đầu tư thủy sản Nam miền Trung, lại nhớ đến câu chuyện về con tôm của Việt Nam.
Cụ thể, theo ông Hoàng Anh, xuất khẩu tôm từ hơn 10 năm nay chưa thể bứt phá được, chỉ loanh quanh con số 3 – 4 tỷ USD, năm 2023 đạt kỷ lục cũng chỉ 4,3 tỷ USD, dù ngành tôm vẫn tăng sản lượng và mở rộng thị trường.
Nhìn rộng ra toàn ngành thủy sản, Việt Nam có sản lượng thủy sản xuất khẩu cao gấp 3 lần Na Uy, tuy nhiên vẫn xếp sau quốc gia Bắc Âu này về tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản. Điều đó cho thấy, sản lượng không phải là tất cả đối với xuất khẩu tôm nói riêng cũng như thủy hải sản nói chung.
Để nâng tầm thương hiệu tôm và thủy hải sản Việt Nam, ông Hoàng Anh nhấn mạnh, cần phải lấy lòng tin của người tiêu dùng, thông qua tiêu chuẩn, tiêu chí sản phẩm, chất lượng sản phẩm đầu ra. Đó cũng là những yếu tố khiến người Na Uy tự tin đưa cá hồi và các loại thủy hải sản ra thế giới.
Ông Vũ Đức Trí, Phó tổng giám đốc điều hành Tập đoàn Việt Úc, nhìn nhận, thực tế, con tôm Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển. Đó là điều kiện địa lý thuận lợi với đường bờ biển dài, dòng hải lưu lớn hạn chế dịch bệnh, nhiệt độ phù hợp với nuôi tôm. Thậm chí, hiện tượng xâm nhập mặn cũng góp phần tạo thêm nhiều vùng nuôi tôm mới.
Tuy nhiên, một trong những thách thức lớn trên con đường xác lập vị thế của con tôm Việt Nam trên bàn ăn thế giới nằm ở vấn đề thương hiệu. Doanh nghiệp xuất khẩu tôm từ nhiều năm nay dù đã đạt được một số thành công nhất định nhưng vẫn đang loay hoay với bài toán xây dựng và khẳng định thương hiệu.
Thảo luận tại Hội thảo Phát triển chuỗi liên kết, nâng tầm thủy sản Việt do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn tổ chức, ông Trí cho biết, bài toán thương hiệu sẽ được giải thông qua nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, hướng đến giá trị bền vững cho người tiêu dùng.
Ông Trí nhấn mạnh, khi đáp ứng được những tiêu chuẩn ngày càng khắt khe của những thị trường khó tính, thương hiệu con tôm Việt cũng sẽ ngày càng được nâng tầm.
Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/tu-ca-hoi-na-uy-nhin-ve-con-tom-viet-1680258154134.htm