Từ căng thẳng với Mỹ đến Zero Covid, kinh tế Trung Quốc khó bứt phá
Nền kinh tế Trung Quốc được dự báo tiếp tục gặp khó khăn trong thời gian tới, sẽ phát triển chậm lại trong quý IV. Nền kinh tế của quốc gia rộng lớn và đông đúc này khó có thể bứt phá trở lại trong trung hạn, do đang bị tác động bởi 5 rào cản lớn.
Gánh nặng “Không Covid-19”
Lập trường không khoan nhượng của Trung Quốc đã giúp nước này kiểm soát đại dịch Covid-19 một cách ấn tượng. Tuy nhiên, khác với nhiều quốc gia cởi mở với ý tưởng sống chung với virus corona, chi phí duy trì chính sách “Không Covid” đang gây những tổn thất khổng lồ cho mọi thành phần kinh tế ở quốc gia này.
Nền kinh tế Trung Quốc chỉ tăng 4,9% trong quý 3 năm 2021, giảm nhiều với mức tăng 7,9% trong quý 2 - Ảnh: AFP
Các nhà phân tích cho biết, mức độ tiêu dùng của các hộ gia đình đang bị ảnh hưởng vô cùng nặng nề, đặc biệt là trong lĩnh vực dịch vụ, do hạn chế đi lại, phong tỏa và tâm lý lo sợ.
“Chúng tôi cho rằng tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc sẽ nhanh chóng giảm tốc. Lý do vì có sự chuyển dịch phụ thuộc vào hàng hóa Trung Quốc của rất nhiều quốc gia đang theo hướng sống chung với Covid. Đồng nhân dân tệ đang quá mạnh do nhập khẩu hạn chế, lạm phát và chỉ số giá tiêu dùng sản xuất tăng mạnh”, hãng tài chính Nomura cho biết trong một báo cáo vào đầu tháng này.
Ngày càng ít việc làm
Theo Viện Tài chính và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NFID), tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi 20-24 của nước này luôn ở mức trên 20% trong năm nay. Li Yang, Chủ tịch của NFID, cho biết thị trường lao động đang bị mất cân bằng nghiêm trọng, do Trung Quốc đẩy mạnh khai thác các ngành công nghiệp nặng trước đây, do vậy số lượng công nhân bị sa thải trong đại dịch Covid-19 là vô cùng lớn.
Các lĩnh vực liên quan đến bất động sản chiếm khoảng 28% GDP của Trung Quốc và khoảng 26% việc làm ở khu vực thành thị. Do đó, việc thua lỗ và vỡ nợ trên thị trường bất động sản trong đại dịch cũng khiến rất nhiều người phải mất việc làm. Ngoài ra, điều này còn gây ra rất nhiều tổn thất cho các nhà phát triển bất động sản, chủ nợ, ngân hàng, chính quyền địa phương và các hộ gia đình.
Khủng hoảng năng lượng
Trong năm nay, giá than cao và sự thiếu hụt nguồn cung đã gây ra một trong những cuộc khủng hoảng điện tồi tệ nhất từ trước đến nay tại Trung Quốc. Nhiều tỉnh đã phải thực hiện phân chia điện cho các nhà máy và hộ gia đình.
Chính quyền Bắc Kinh phản ứng bằng cách thúc đẩy sản xuất than và tự do hóa giá cả trên thị trường điện, để giảm bớt áp lực tài chính đối với các nhà máy phát điện chạy bằng than.
Thủ tướng Lý Khắc Cường sau đó cho biết Trung Quốc vẫn là một quốc gia đang phát triển và nhu cầu năng lượng sẽ tăng lên, có nghĩa là các mục tiêu về giảm thải khí carbon của nước này khó có thể đạt được.
Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục phụ thuộc vào than trong nhiều năm tới. Gao Shanwen, nhà kinh tế trưởng của Essence Securities, cho biết chiến lược hạn chế sản xuất than để đáp ứng các mục tiêu khí hậu hiện nay có thể làm tăng nguy cơ gián đoạn kinh tế do các nguồn năng lượng thay thế như gió, mặt trời và thủy điện không ổn định.
“Trong quá trình chuyển đổi sang năng lượng mới, cần phải đảm bảo khả năng sản xuất của năng lượng truyền thống phải thực sự dồi dào”, ông phân tích.
Tình trạng thiếu điện có thể quay trở lại vào mùa đông tại Trung Quốc khi thời tiết lạnh sẽ khiến nhu cầu tăng mạnh. Đồng thời, Thế vận hội mùa đông diễn ra tại quốc gia này từ ngày 4 đến 20 tháng 2/2022. Điều đó cũng có thể dẫn đến việc các nhà máy trong mọi lĩnh vực tại Trung Quốc sẽ lại phải đóng cửa trên diện rộng.
Siết chặt bất động sản
Việc Trung Quốc lên kế hoạch cắt giảm nợ trong lĩnh vực bất động sản trong năm nay cũng đã gây cản trở cho tăng trưởng của nước này, khi nó dẫn đến việc giảm doanh số bán và giá nhà nói chung.
Điều này có thể trở nên trầm trọng hơn, khi Trung Quốc áp dụng thuế bất động sản thí điểm tới đây. Đề án này được áp dụng cho tài sản thổ cư và không phải nhà ở, cũng như chủ sở hữu đất đai và tài sản, nhưng không bao gồm đất và nhà ở nông thôn.
Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhiều lần nói nhà là để mọi người ở, không phải để đầu cơ. “Tuy nhiên, các biện pháp của chính phủ cho đến nay vẫn không thể giúp đạt được các mục tiêu”, chuyên gia Li của NFID cho biết. Ông nói thêm, những gì mà Trung Quốc cần làm bây giờ là cải cách hoàn toàn thị trường bất động sản, chính sách thuế, tài chính công và ngân hàng.
Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung
Mô hình kinh tế do nhà nước lãnh đạo và các chính sách công nghiệp của Trung Quốc đã trở thành một vấn đề lớn trong quan hệ thương mại với Mỹ. Mặc dù Bắc Kinh đã khởi động kế hoạch tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), thúc đẩy một sân chơi bình đẳng giữa các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân, nhưng khó có khả năng xuất hiện những thay đổi quan trọng tới đây.
Hãng tư vấn tài chính Oxford Economics cho biết hôm thứ Năm (25/11) vừa qua rằng, Trung Quốc có thể thực hiện thêm các bước giảm thuế nhập khẩu, giảm bớt đầu tư công và cho phép đầu tư nước ngoài nhiều hơn vào các lĩnh vực bị hạn chế.
Tuy nhiên, Trung Quốc khó có thể từ bỏ hoặc giảm bớt mô hình kinh tế do nhà nước làm chủ đạo, bất chấp những lời kêu gọi từ Mỹ và Liên minh châu Âu về việc giảm bớt sự can thiệp của nhà nước vào kinh tế.
Trong bối cảnh đại dịch làm đứt gãy và đình trệ chuỗi cung ứng toàn cầu, nền kinh tế Trung Quốc - động lực chính của tăng trưởng thế giới - lại đang bị cản trở bởi không ít yếu tố cả chủ quan và khách quan, điều này dẫn đến những lo ngại thực sự cho quá trình hồi phục của nền kinh tế thế giới trong năm 2022.