Từ cánh đồng xanh mướt đến những vụ mùa 'tiền đầy túi' của nông dân Hà Nam
Từ vùng trũng thuần nông, sản xuất manh mún, huyện Lý Nhân (Hà Nam) đang vươn lên mạnh mẽ với nhiều mô hình sản xuất hiện đại, quy mô lớn, đặc biệt là vai trò nổi bật của các HTX trong kết nối sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ, xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân.
Lý Nhân là một trong những huyện thuần nông lâu đời của tỉnh Hà Nam, với hơn 80% dân số làm nông nghiệp. Trước đây, sản xuất nông nghiệp ở Lý Nhân chủ yếu theo hướng tự cung tự cấp, đất đai manh mún, thiếu liên kết và công nghệ canh tác còn lạc hậu.
Chuyển mình từ đồng ruộng manh mún
Bước ngoặt chỉ đến từ khi huyện thực hiện Nghị quyết về tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xác định rõ mục tiêu chuyển đổi theo hướng hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Đại diện ngành nông nghiệp huyện Lý Nhân cho biết huyện đã tập trung vào các khâu trọng điểm như tích tụ ruộng đất, ứng dụng công nghệ cao, hình thành vùng sản xuất chuyên canh và đặc biệt là phát huy vai trò của các HTX trong tổ chức sản xuất.

Sản xuất trên quy mô lớn giúp nông dân, HTX ở Hà Nam nâng cao giá trị kinh tế.
Đến nay, toàn huyện đã tích tụ được trên 2.500 ha đất nông nghiệp để xây dựng các vùng sản xuất tập trung. Các mô hình trồng cây ăn quả, rau màu an toàn, lúa chất lượng cao… được phát triển mạnh, thay thế dần cho các giống cây trồng kém hiệu quả.
Một điểm nhấn trong quá trình chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp của Lý Nhân là sự phát triển mạnh mẽ của các HTX kiểu mới. Tính đến đầu năm 2025, toàn huyện có hơn 60 HTX nông nghiệp đang hoạt động, trong đó nhiều HTX hoạt động hiệu quả, đóng vai trò “đầu tàu” trong ứng dụng khoa học kỹ thuật, tổ chức sản xuất và tiêu thụ nông sản.
Đây là kết quả của các chính sách hỗ trợ của ban ngành chức năng huyện, đặc biệt là sự đồng hành của Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh trong công tác đào tạo nhân lực, chuyển giao khoa học kỹ thuật, xúc tiến thương mại...
Một trong những chương trình nổi bật là việc tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực quản lý cho cán bộ HTX. Thông qua các khóa học này, các cán bộ được trang bị kiến thức về quản trị, tài chính, marketing và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý HTX. Điều này giúp các HTX hoạt động hiệu quả hơn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
Bên cạnh đó, Liên minh HTX Việt Nam cùng Liên minh HTX tỉnh cũng hỗ trợ các HTX tiếp cận nguồn vốn ưu đãi từ các chương trình tín dụng. Việc này giúp các HTX đầu tư vào máy móc, thiết bị hiện đại, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Đồng thời, các HTX cũng được hỗ trợ trong việc xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại và tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm.
HTX khẳng định vai trò “đầu tàu”
Ngoài ra, Liên minh HTX Việt Nam còn phối hợp với Liên minh HTX tỉnh Hà Nam và các cơ quan chức năng tỉnh để tư vấn, hỗ trợ các HTX trong việc đăng ký, chuyển đổi mô hình hoạt động theo đúng quy định của pháp luật. Việc này giúp các HTX hoạt động minh bạch, hiệu quả và bền vững hơn.
Những nỗ lực của Liên minh HTX Việt Nam cùng Liên minh HTX tỉnh đã góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế hợp tác, HTX trên địa bàn huyện Lý Nhân nói riêng và tỉnh Hà Nam nói chung. Nhiều HTX đã mở rộng quy mô sản xuất, tạo thêm việc làm cho người lao động và nâng cao thu nhập cho thành viên.
Tiêu biểu như HTX Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Nhân Bình (xã Nhân Bình), nơi đang vận hành mô hình trồng rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP trên diện tích gần 30 ha.

Các HTX đang là điểm tựa để nông dân Hà Nam ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Để nâng cao hiệu quả, HTX đã mạnh dạn đầu tư hệ thống nhà màng, tưới nhỏ giọt, phân bón hữu cơ vi sinh và công nghệ xử lý sâu bệnh sinh học. Trung bình mỗi năm, HTX cung ứng ra thị trường hàng trăm tấn rau sạch, ký hợp đồng tiêu thụ ổn định với chuỗi siêu thị và trường học tại Hà Nam, Hà Nội.
Bà Nguyễn Thị Hường – Giám đốc HTX – chia sẻ: “Không chỉ tăng năng suất gấp 2–3 lần so với trước, HTX còn tạo việc làm thường xuyên cho hơn 60 lao động địa phương, thu nhập bình quân đạt trên 6 triệu đồng/tháng”.
Một mô hình khác cũng rất đáng chú ý là HTX Dịch vụ nông nghiệp Nhân Chính (xã Nhân Chính), chuyên trồng lúa chất lượng cao kết hợp nuôi thủy sản trên diện tích gần 100 ha.
HTX đã áp dụng cơ giới hóa đồng bộ từ khâu làm đất, gieo cấy, thu hoạch đến bảo quản. Mô hình lúa – cá giúp cải tạo đất, giảm sâu bệnh, nâng cao hiệu quả kinh tế gấp đôi so với canh tác lúa truyền thống.
Mô hình HTX Chăn nuôi tổng hợp Nhân Hậu (xã Nhân Hậu) cũng là một điểm sáng trong chuyển đổi cơ cấu vật nuôi ở Lý Nhân. Với gần 3.000 con gia súc, gia cầm, HTX đã liên kết với các doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi. Năm 2024, doanh thu HTX đạt trên 15 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 2 tỷ đồng.
Tạo sinh kế bền vững, nâng cao đời sống người dân
Một trong những yếu tố then chốt trong chuyển đổi nông nghiệp ở Lý Nhân là sự chủ động ứng dụng công nghệ cao. Nhiều HTX, trang trại đã sử dụng công nghệ cảm biến môi trường, hệ thống điều khiển tưới tiêu tự động, camera giám sát dịch bệnh, nhật ký số… giúp quản lý sản xuất chính xác và tiết kiệm chi phí.
Theo thống kê của ngành nông nghiệp huyện cho thấy trên địa bàn huyện hiện có hơn 20 HTX ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, mở ra hướng phát triển bền vững và thu hút lao động trẻ tham gia làm nông nghiệp.
Nhờ chuyển đổi cơ cấu sản xuất theo hướng hiện đại, đời sống người dân Lý Nhân từng bước được cải thiện rõ rệt. Tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm còn dưới 1,5% (năm 2024), thu nhập bình quân đầu người đạt trên 62 triệu đồng/năm. Hàng nghìn lao động nông thôn được tạo việc làm tại chỗ, giảm tình trạng ly hương tìm việc.
Ông Trần Văn Khánh – nông dân xã Nhân Hưng – phấn khởi nói: “Trước đây, gia đình tôi chỉ làm vài sào ruộng, thu nhập bấp bênh. Từ khi tham gia vào HTX trồng rau sạch, mỗi tháng vợ chồng tôi có thu nhập gần 15 triệu đồng, cuộc sống ổn định hơn nhiều”.
Huyện cũng đặc biệt quan tâm đào tạo nghề, hỗ trợ nông dân chuyển đổi sản xuất. Chỉ tính riêng năm 2024, Lý Nhân đã tổ chức hơn 50 lớp tập huấn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ mới cho gần 3.000 lượt nông dân, đồng thời hỗ trợ hơn 20 tỷ đồng cho các mô hình phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị.
Xác định nông nghiệp là trụ cột quan trọng trong phát triển kinh tế địa phương, Lý Nhân tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp theo hướng sinh thái, hữu cơ, gắn với du lịch trải nghiệm và xây dựng nông thôn mới nâng cao.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ các HTX phát triển theo hướng chuyên nghiệp, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, đồng thời ưu tiên các mô hình nông nghiệp tuần hoàn, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường. Mục tiêu là nâng cao thu nhập, nhưng cũng giữ gìn được môi trường sống bền vững cho các thế hệ sau”, lãnh đạo UBND huyện Lý Nhân chia sẻ.
Với những kết quả nổi bật, Lý Nhân đang từng bước trở thành điểm sáng trong tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh Hà Nam. Những cánh đồng xanh mướt, những khu nhà màng hiện đại và nụ cười rạng rỡ của người nông dân hôm nay chính là minh chứng rõ nét cho một hướng đi đúng đắn, bền vững.