Từ cánh rừng Trần Hưng Đạo năm ấy…

Mới đầu Đông nhưng vùng núi cao thuộc huyện Nguyên Bình (tỉnh Cao Bằng) đã rét căm căm - quy luật của đất trời xưa nay vẫn thế. Có điều đặc biệt là vào tiết giữa Đông đúng 80 năm trước (ngày 22/12/1944), tại nơi này, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam) được thành lập. Và đội quân ấy - 'ngọn lửa' cách mạng được thắp lên giữa trời Đông năm ấy đã khởi đầu và làm bừng sáng truyền thống của một quân đội Anh hùng.

Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo (xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng). Ảnh: Việt Dũng

Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo (xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng). Ảnh: Việt Dũng

Tuyến đường từ Quốc lộ 3 vào Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo (thuộc xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình) ngoằn ngoèo, bám vào những triền núi cheo leo, nhiều đoạn dốc cao, vực sâu. Hai bên đường là bạt ngàn rừng tự nhiên ngút tầm mắt… Nay là vậy, mường tượng thời điểm 80 năm trước, chúng ta phần nào hình dung ra những khó khăn, gian khổ mà cha anh đã phải trải qua trong thời kỳ hoạt động cách mạng bí mật.

Khu di tích nay đã được đầu tư khá khang trang (Bức phù điêu được làm mới, Nhà tưởng niệm, Nhà trưng bày, khu đón tiếp… đã được tôn tạo, nâng cấp), xứng tầm với sự kiện lịch sử rất quan trọng của dân tộc, đặc biệt là với Quân đội nhân dân Việt Nam.

Những cánh rừng già vẫn bao bọc nơi này. Những bậc đá vào khu lán 80 năm trước là nơi làm Lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, dẫn lên đỉnh Salam Cao (nơi đồng chí Võ Nguyên Giáp quan sát đồn địch ở Phai Khắt trước khi chỉ huy Đội đánh trận mở màn thắng lợi) len lỏi qua những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi uy nghiêm, trầm mặc. Chúng tôi đến đây, như được “chạm” vào lịch sử…

Cán bộ, phóng viên Báo Thái Nguyên tìm hiểu lịch sử tại khu lán nơi thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo). Ảnh: Lăng Khoa

Cán bộ, phóng viên Báo Thái Nguyên tìm hiểu lịch sử tại khu lán nơi thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo). Ảnh: Lăng Khoa

Tại sao nơi này được chọn để làm Lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên tryền giải phóng quân? Các tài liệu lịch sử ghi: Sau khi cân nhắc những yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, địa điểm được chọn là khu rừng đại ngàn nằm giữa hai tổng Trần Hưng Đạo và Hoàng Hoa Thám. Khu rừng này thuộc núi Dền Sinh, dãy Khau Giáng, có nhiều cây cổ thụ và đỉnh Slam Cao, cao nhất trong các dãy núi xung quanh, rất tiện cho việc bố trí quan sát. Nơi đây có địa thế hiểm trở, nằm trên dải núi giáp ranh ba tỉnh Cao Bằng - Bắc Kạn - Lạng Sơn, lại lọt giữa hai quốc lộ số 3 và số 4, tạo điều kiện cho Đội liên lạc với trung du dễ dàng. Thêm nữa, thời điểm đó Cao Bằng đã có nhiều cơ sở cách mạng vững chắc, nhiều quần chúng được giác ngộ.

Đồng chí Văn (Võ Nguyên Giáp) được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh giao việc thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, chọn những người trung kiên nhất trong Đội vũ trang Cao Bằng, đội vũ trang ở các châu và Cứu quốc quân vào Đội.

“Ngay từ sáng ngày 22 tháng 12, tất cả các đồng chí được triệu tập đã tề tựu ở khu rừng Trần Hưng Đạo… Cả khu rừng tưng bừng hẳn lên… Trời về chiều, đang tiết giữa Đông, không khí nơi núi cao lạnh buốt. Trên một khoảng đất rộng giữa khu rừng đại ngàn với những cây cao thẳng tắp, các đội viên xếp thành một trung đội ba hàng nghiêm trang, hướng lên phía cột cờ chờ đợi giờ khai mạc… 17 giờ, Lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân bắt đầu. Đồng chí Võ Nguyên Giáp bước lên kỳ đài đọc diễn từ thành lập Đội: … Theo chỉ thị của Đoàn thể, dưới lá cờ đỏ sao vàng năm cánh, tôi xin tuyên bố Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân thành lập và hạ lệnh cho các đồng chí tiến lên trên con đường vũ trang tranh đấu”.

Đỉnh Slam Cao. Ảnh: Việt Dũng

Đỉnh Slam Cao. Ảnh: Việt Dũng

“Sau những lời thề, những cánh tay đồng loạt giương cao cùng những tiếng hô “xin thề” đồng thanh cất lên mạnh mẽ, vang động núi rừng” - (Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, Viện Lịch sử quân sự, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân - 2004).

Trước khi thành lập Đội, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh chỉ thị: “Trận đầu ra quân phải thắng”. Phương án chọn đánh đồn Phai Khắt là tối ưu vì khu vực này có cơ sở quần chúng vững chắc, ta nắm rõ tình hình địch, tiến thoái cũng dễ. Trước ngày quyết định diệt đồn, đồng chí Võ Nguyên Giáp lên đỉnh Slam Cao (gần nơi thành lập Đội) để quan sát hướng tiến đánh. Các phương án đều được tính toán cẩn thận, trận chiến đấu thắng lợi chỉ trong 30 phút. Ta thu được 17 khẩu súng, diệt tên đồn trưởng, bắt 17 tên địch. Ngay ngày sau (26/12/1944), Đội tiếp tục lập chiến công khi hạ đồn Nà Ngần trong vòng 15 phút. Tinh thần của các chiến sĩ lên cao, đồng bào các dân tộc trong vùng ủng hộ mạnh mẽ…

Về những trận đánh đầu tiên này, một báo cáo quân sự của Pháp sau đó viết: “Bộ đội Việt Minh được chỉ huy bằng những người cầm đầu am hiểu sâu sắc chiến tranh du kích, và người thực hiện được huấn luyện tốt, có kỷ luật và rất gan góc”.

Một đoàn đại biểu của Quân đội về nguồn tìm hiểu lịch sử tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo. Ảnh: Việt Dũng

Một đoàn đại biểu của Quân đội về nguồn tìm hiểu lịch sử tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo. Ảnh: Việt Dũng

Chúng tôi đọc kỹ từng hàng tên trên tấm bia ở Khu di tích rừng Trần Hưng Đạo, nơi ghi danh 34 chiến sĩ Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Đó là Đội trưởng Trần Văn Kỳ (bí danh Hoàng Sâm, Trần Sơn Hùng), sinh năm 1915 tại huyện Tuyên Hóa (tỉnh Quảng Bình), vùng đất giàu truyền thống cách mạng; sau này là Thiếu tướng, đại biểu Quốc hội khóa II, khóa III, cống hiến đến hơi thở cuối cùng cho cách mạng.

Đó là Chính trị viên Dương Mạc Thạch (bí danh Xích Thắng, sinh năm 1915), một người con ưu tú của quê hương Nguyên Bình, Cao Bằng; đồng chí đã sớm tham gia cách mạng, được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương tháng 6-1934, được coi là một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và là người bạn gần gũi, thân thiết của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Đó là cán bộ phụ trách tình báo và kế hoạch Hoàng Văn Thái (bí danh Ngô Quốc Bình, sinh năm 1915 tại Tiền Hải, Thái Bình), một trong những người xuất sắc của Cứu quốc quân được chọn vào Đội; sau này ông được phong quân hàm Đại tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội…

Sự kiện thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân và những nhân tố cốt cán đó, hai trận thắng nhỏ đầu tiên đó là phần quan trọng của nền tảng vững chắc tạo nên truyền thống vẻ vang, hào hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam. Để rồi dân tộc ta có cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, xóa bỏ ách đô hộ của thực dân – phong kiến, lập nên nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á; chiến thắng Biên giới Thu - Đông năm 1950 giải phóng một vùng rộng lớn ở Cao - Bắc - Lạng; Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, rồi đến “Điện Biên Phủ trên không” năm 1972, Đại thắng mùa Xuân năm 1975 quét sạch đế quốc, tay sai, non sông được thu về một mối.

Những trang sử vàng của dân tộc mãi khắc ghi sự kiện cách nay đúng 80 năm giữa tiết trời Đông tại khu rừng thiêng ấy - nơi thành lập đội quân cách mạng tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam Anh hùng. Và thế hệ hậu sinh như chúng tôi khi đến đây được hiểu rõ hơn, biết trân trọng hơn giá trị của lịch sử, của độc lập tự do…

Trần Quyền

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/quoc-phong-an-ninh/80-nam-quan-doi-nhan-dan-viet-nam-anh-hung/202412/tu-canh-rung-tran-hung-dao-nam-ay-e580534/