Từ cậu bé mắc chứng khó đọc đến thạc sĩ TESOL xuất sắc ĐH Nottingham Trent (Anh)

Vượt lên trên tuổi thơ khó khăn trong việc đọc, cậu học trò đến từ Kiên Giang đã nỗ lực tốt nghiệp xuất sắc ThS và trở về Việt Nam làm trợ giảng ở trường ĐH.

Với sự nỗ lực không ngừng nghỉ, thầy giáo trẻ Lê Công Anh Khoa (sinh năm 2000) đã tốt nghiệp Xuất sắc ngành Phương pháp Giảng dạy tiếng Anh, chương trình liên kết đào tạo thạc sĩ TESOL. Đây là chương trình liên kết giữa Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt - Anh (Đại học Đà Nẵng) và Đại học Nottingham Trent (Anh). Hiện tại, tân thạc sĩ đang là trợ giảng tại Trường Đại học Kiên Giang.

Sinh ra và lớn lên tại thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang, từ một cậu học sinh lớp 2 vẫn chưa biết đọc, biết viết, thầy Khoa đã quyết tâm và từng bước vượt lên chính mình, chinh phục ước mơ, đam mê về ngôn ngữ của bản thân.

Trước đó, người thầy giáo trẻ chưa hề tưởng tượng rằng bản thân sẽ làm nghiên cứu khoa học. Môn Phân tích Ngôn từ - một môn học bắt buộc trong ngành Sư phạm Tiếng Anh (Khoa Tiếng Anh, Trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh) từng làm bản thân cảm thấy “ngao ngán”, nay lại là bài luận văn ở bậc học thạc sĩ dài hơn 300 trang.

 Thầy Lê Công Anh Khoa vừa tốt nghiệp thạc sĩ Phương pháp Giảng dạy Tiếng Anh loại Xuất sắc tại Anh. Ảnh: NVCC.

Thầy Lê Công Anh Khoa vừa tốt nghiệp thạc sĩ Phương pháp Giảng dạy Tiếng Anh loại Xuất sắc tại Anh. Ảnh: NVCC.

Cuộc chiến của một cậu bé mắc chứng khó đọc

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy giáo trẻ Lê Công Anh Khoa hồi tưởng lại: “Tôi từng là một đứa trẻ mắc chứng khó đọc. Trong khi các bạn có thể đọc bảng chữ cái từ năm lớp 1, thì đến tận lớp 2, tôi vẫn không biết đọc, biết viết thành thạo. Đối với tôi, chữ “b” và chữ “d” không có gì khác nhau, tôi không phân biệt được nhiều chữ cái. Thậm chí, những phụ âm đơn giản như “ch” cũng làm khó tôi, bởi, trong đầu tôi khi ấy, chữ “c” và chữ “h” là hai ký tự hoàn toàn độc lập, không thể kết nối lại được.

Tôi gặp khó khăn trong việc đánh vần các từ, đọc nhanh cũng như viết chữ, “thầm phát âm” các từ trong đầu, phát âm thành tiếng và nghe hiểu người khác đọc. Điều này từng khiến tôi nghĩ rằng, bản thân sẽ không thể tiếp tục theo học ở trường cùng các bạn”.

Vì không biết đọc, biết viết thành thạo, nên ngập tràn ký ức của thầy giáo trẻ là những khoảnh khắc bị cô giáo phê bình, thậm chí có lúc bị bạn bè xa lánh. Thầy Khoa tâm sự, mỗi ngày đến lớp là những bước chân nặng nề... “Tôi còn từng coi sách vở là “kẻ thù”. Hễ nhìn thấy sách vở là “phát hoảng” và rơi vào trạng thái lo sợ. Nhưng càng như vậy thì tôi học càng kém đi...” - thầy bộc bạch.

Tinh thần học tập đi xuống, đã có lúc cậu học sinh tiểu học gần như mất hết động lực và trở thành học sinh chậm nhất trong lớp. Tuy nhiên, nhờ có bố mẹ luôn quan tâm và dành thời gian từ 2-3 tiếng mỗi tối để cùng tập đọc, tập viết, nên khoảng gần 2 năm sau, tình trạng này của cậu học trò khi ấy đã được cải thiện rõ rệt.

 Thầy Khoa (đứng giữa) trong một lần nhận giải thưởng về nghiên cứu khoa học. Ảnh: NVCC.

Thầy Khoa (đứng giữa) trong một lần nhận giải thưởng về nghiên cứu khoa học. Ảnh: NVCC.

Thầy Khoa không ngần ngại giãi bày: “Sau quá trình cố gắng, cuối cùng, tôi cũng đã nói và viết được thành thạo. Tuy nhiên, đến khi vào trung học cơ sở, do bố mẹ đi làm cả ngày không ở bên cạnh để sát sao, tôi lại đối diện với cám dỗ của các trò chơi điện tử. Giai đoạn đó là những chuỗi ngày, sáng đi học, chiều “dán mắt” vào đủ các trò chơi, từ games online đến offline.

Lúc ấy, tôi cùng lúc trượt cả suất thi trong đội tuyển học sinh giỏi Toán và đội tuyển học sinh giỏi Tiếng Anh... Khi nhận kết quả không tốt, tôi mới điều chỉnh lại bản thân và bắt đầu quyết tâm học tập. Năm lớp 9, tôi tập trung vào việc học, đặc biệt là môn Tiếng Anh. Kết quả, tôi thi đỗ lớp 10 chuyên Anh, Trường Trung học phổ thông chuyên Huỳnh Mẫn Đạt (tỉnh Kiên Giang). Tiếp đến là tấm bằng tốt nghiệp loại Giỏi chuyên ngành Sư phạm Tiếng Anh tại Khoa Tiếng Anh, Trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh”.

Bằng sự nỗ lực cùng khả năng tự học cao, cậu học sinh trung học phổ thông khi ấy đã ghi một số dấu ấn trong suốt 3 năm học: đạt giải Nhất tại Hội thi Hùng biện tiếng Anh cấp tỉnh dành cho học sinh năng khiếu tại tỉnh Kiên Giang; giải Nhì Hội thi Olympic tiếng Anh cấp tỉnh tại Kiên Giang.

Bên cạnh đó, thầy Khoa cho biết, khoảng thời gian thay đổi lớn nhất của bản thân diễn ra vào những năm tháng học đại học: ”Ngoài những giờ học tập trên lớp, tôi còn tìm hiểu và nghiên cứu thêm về các loại sách ngôn ngữ. Tôi tin rằng, việc chăm chỉ học tập, tìm tòi sẽ mở ra nhiều “chân trời mới” mà bản thân chưa từng khám phá”.

Thời gian đầu trên giảng đường đại học, cậu sinh viên năm nhất chưa kịp bắt nhịp với các bạn đồng trang lứa, phần vì phải xa gia đình đến thành phố mới học tập, phần vì chưa quen với cuộc sống phải tự lập. Nhưng sau đó, nhờ sự quan tâm, giúp đỡ từ thầy cô, bạn bè, nam sinh đã tự tin và tham gia nhiều chương trình, hoạt động do trường tổ chức, đặc biệt là các cuộc thi liên quan đến tiếng Anh.

Không chỉ có vậy, vào giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát, nam sinh này còn cùng các thầy cô tổ chức rất nhiều buổi học IELTS miễn phí vì cộng đồng online.

 Thầy Khoa khi là sinh viên Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, đã tham gia với vai trò khách mời tại Hội nghị Sinh viên nghiên cứu khoa học. Ảnh: NVCC.

Thầy Khoa khi là sinh viên Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, đã tham gia với vai trò khách mời tại Hội nghị Sinh viên nghiên cứu khoa học. Ảnh: NVCC.

Để nghiên cứu, tìm tòi, khai phá bản thân, cần phải tư duy như “máy lọc nước”

Chia sẻ về những kỷ niệm khi học tại Vương quốc Anh, thầy giáo trẻ cho biết, luôn trân quý tất cả các trải nghiệm quý báu thời thanh xuân của mình: “Tôi cảm thấy mình may mắn khi được học tập tại Đại học Nottingham Trent. Chính nơi đây đã mở ra con đường mới về đam mê, những ấp ủ về ngôn ngữ của tôi còn chưa thực hiện được trước đó.

Khi bắt đầu vào học kỳ 1, tôi đã viết những bài luận rất hăng say, nhiệt huyết, đầu tư nhiều thời gian, nhưng kết quả lại không được cao. Tất cả những bài luận của tôi đều bị hạn chế ở một điểm là không thể hiện tư duy phản biện. Giảng viên nhận xét bài của tôi trông chỉ như đang liệt kê.

Tôi nhớ mãi những câu hỏi của giáo sư thường đặt cho tôi: "Tôi đã biết, các nhà khoa học có quan điểm như thế. Vậy còn bạn thì sao? Bạn chấp nhận một cách tuyệt đối như vậy sao?". Giáo sư cũng liên tục đưa ra các câu hỏi để tôi phải vận dụng hết khả năng của mình mà trả lời như: "Giả sử các nhà khoa học nói đúng, thì lý thuyết của họ có đúng trong trường hợp của bạn không? Bạn căn cứ vào đâu để khẳng định được điều này?".

Điều đó đã thôi thúc tôi phải phân tích cặn kẽ một phương pháp và đưa ra những phép so sánh với các phương pháp khác”.

 Thầy Khoa (bên trái) trong buổi lễ tốt nghiệp thạc sĩ. Ảnh: NVCC.

Thầy Khoa (bên trái) trong buổi lễ tốt nghiệp thạc sĩ. Ảnh: NVCC.

Chia sẻ về bí quyết học tập và nghiên cứu, thầy Khoa cho hay: “Không nên để tâm trí mình như một “chiếc thùng nước”, chứa toàn bộ kiến thức mà không hề suy nghĩ. Để có thể nghiên cứu, tìm tòi, khai phá bản thân, cần phải tư duy như “máy lọc nước”, biết tiếp thu kiến thức có sự chọn lọc. Việc nghi ngờ, đặt câu hỏi, tìm cách giải quyết vấn đề, đánh giá ưu điểm, hạn chế của phương pháp trước đó đều rất cần thiết. Sau khi đã làm đầy đủ các bước trên, chúng ta sẽ đạt tới đỉnh cao của sự tư duy, đó là sáng tạo.

Với kinh nghiệm đúc rút ra từ quá trình trau dồi và rèn luyện, thầy Khoa gửi lời nhắn nhủ để các bạn sinh viên khóa sau: “Hãy đọc thật nhiều và đọc bằng sự đam mê của bản thân. Có những vấn đề tưởng chừng rất to tát và không thể giải được, nhưng thực tế đó có thể chỉ là bài toán của 20 năm về trước, đã có hàng trăm người giải. Việc đọc vô cùng quan trọng trong quá trình nghiên cứu khoa học. Điều đó sẽ giúp chính chúng ta “đứng trên vai người khổng lồ”, có tầm nhìn xa hơn, vĩ đại hơn”.

Ngay sau khi hoàn thành chương trình học tập, thầy Lê Công Anh Khoa đã trở về Việt Nam và làm trợ giảng tại Trường Đại học Kiên Giang, với mong muốn bản thân sẽ sớm trở thành giảng viên chính và có cơ hội góp sức vào sự nghiệp giảng dạy, giáo dục của đất nước trong tương lai.

 Thầy giáo trẻ Lê Công Anh Khoa cùng sinh viên Trường Đại học Kiên Giang. Ảnh: NVCC.

Thầy giáo trẻ Lê Công Anh Khoa cùng sinh viên Trường Đại học Kiên Giang. Ảnh: NVCC.

Chia sẻ với phóng viên, Thạc sĩ Nguyễn Văn Thống - Phó Trưởng khoa Ngoại ngữ, Trường Đại học Kiên Giang cho biết: “Thầy Khoa là một thầy giáo trẻ mới được tuyển dụng và trở thành viên chức tại Khoa Ngoại ngữ, bắt đầu tham gia giảng dạy với vai trò trợ giảng trong kỳ học đầu tiên của năm học 2024-2025.

Thầy Khoa rất hòa đồng, thân thiện với đồng nghiệp, luôn nhiệt tình trong mọi hoạt động của khoa. Mặc dù đây là học kỳ đầu tiên nhưng thầy Khoa đã nhanh chóng nhận được sự yêu mến và đánh giá cao từ sinh viên, nhờ tinh thần nhiệt huyết cũng như sự tận tậm trong quá trình giảng dạy. Không chỉ vậy, các giảng viên trong khoa cũng rất ấn tượng với trình độ chuyên môn vững vàng, thái độ làm nghề nghiêm túc của thầy Khoa dù tuổi đời còn khá trẻ.

Ngành giáo dục và đào tạo đang có những bước phát triển mạnh mẽ, hướng tới kỷ nguyên vươn mình. Tôi tin, với kiến thức chuyên môn, phương pháp giảng dạy tiên tiến, tinh thần làm việc hết mình, tận tâm với sinh viên, thầy Khoa sẽ có những đóng góp quan trọng trong sự phát triển của khoa.

Thầy sẽ giúp khoa đạt được nhiều thành tích nổi bật và có thể trở thành một trong những nhân tố tiêu biểu, mang lại tự hào cho Trường Đại học Kiên Giang nói chung và Khoa Ngoại ngữ nói riêng. Chắc chắn, hình mẫu về người thầy tài năng, sáng tạo, hết lòng vì sinh viên và cộng đồng sẽ là nguồn cảm hứng cho nhiều thế hệ mai sau”.

Hướng nghiên cứu trong tương lai của thầy Lê Công Anh Khoa là: So sánh mức độ tuyến tính và mạch lạc trong các bài IELTS Writing Task 2 bởi sinh viên Việt Nam học tiếng Anh với các kỹ thuật được áp dụng bởi người viết là người bản ngữ. Sử dụng phương pháp đa chiều dựa trên khung lý thuyết Ngôn ngữ học chức năng hệ thống (Systemic Functional Linguistics - SFL). Nghiên cứu sẽ so sánh các mô hình tu từ trong các bài viết của người bản ngữ Anh, chuyên gia tiếng Anh người Việt và học viên sử dụng tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai (English as a Second Language - ESL).

“Nghiên cứu đối chiếu sẽ giúp tôi biết được những chuyên gia bản xứ sử dụng cách viết nào, từ đó, phổ cập những lối viết này cho sinh viên, nhằm tăng tính mạch lạc hơn” - thầy Khoa chia sẻ.

Khánh Hòa

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/tu-cau-be-mac-chung-kho-doc-den-thac-si-tesol-xuat-sac-dh-nottingham-trent-anh-post247609.gd