Từ câu chuyện 'nhãn 5 sao' đến bài toán sử dụng năng lượng hiệu quả

Để đạt được các mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả thì việc nâng cao nhận thức cộng đồng, biến nhận thức thành hành động, thói quen là một bài toán đang được đặt ra.

Khi bạn đang tìm kiếm một thiết bị điện mới như tủ lạnh hoặc máy điều hòa không khí, một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến lựa chọn của bạn như giá cả và thương hiệu. Nhưng còn những chiếc nhãn dán 5 sao hiển thị trên các thiết bị thì sao? Đây chính là giải pháp gíup người tiêu dùng nhận biết và lựa chọn các sản phẩm tiết kiệm năng lượng hơn. Điều này không chỉ giảm chi phí điện cho người tiêu dùng mà còn góp phần tiết kiệm năng lượng quốc gia.

Trong bối cảnh cung ứng điện ngày càng căng thẳng, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trở thành mục tiêu quan trọng của Việt Nam. Ngày 8/6/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo. Chỉ thị yêu cầu cả nước phấn đấu tiết kiệm ít nhất 2% tổng điện năng tiêu thụ hàng năm, giảm tổn thất điện năng xuống dưới 6% vào năm 2025, và giảm bớt công suất phụ tải đỉnh của hệ thống điện quốc gia ít nhất 1.500MW vào năm 2025.

Các chuyên gia thảo luận tại ta đàm "Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, từ hoạch định chính sách đến hành động và vai trò của báo chí truyền thông".

Phấn đấu đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu (phục vụ tiêu thụ tại chỗ, không bán điện vào hệ thống điện quốc gia). Đến hết năm 2025, phấn đấu 100% chiếu sáng đường phố sử dụng đèn LED.

Theo ông Trịnh Quốc Vũ, Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững thuộc Bộ Công Thương, việc nâng cao nhận thức cộng đồng về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là rất quan trọng. Truyền thông đã đóng góp lớn trong việc nâng cao ý thức cộng đồng, biến nhận thức thành hành động và thói quen.

Giải pháp tiết kiệm chi phí

Ông Đào Nhật Đình, chuyên gia năng lượng và môi trường cho biết, tăng trưởng sử dụng điện là không thể tránh khỏi, nhưng cần làm sao cho hiệu quả và điều này phụ thuộc vào công tác tuyên truyền, tạo thành thương hiệu. Ông Đình lấy ví dụ về tác dụng tuyên truyền của những chiếc nhãn dán 5 sao (nhãn năng lượng - nhãn dán trên thiết bị, cung cấp thông tin mức tiêu thụ năng lượng của thiết bị).

Ngày 25/6 tại Hà Nội đã diễn ra tọa đàm Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, từ hoạch định chính sách đến hành động và vai trò của báo chí truyền thông với sự tham gia của đại diện cơ quan chức năng, các chuyên gia năng lượng và đông đảo phóng viên báo chí.

“Hiện có những quan niệm sai lầm rằng mua điều hòa bãi của Nhật về sử dụng gần như không tốn điện, đó là điều không thể có. Mua điều hòa quá cũ sẽ không thể tiết kiệm điện bằng sử dụng thiết bị gắn nhãn tiết kiệm năng lượng ở Việt Nam…", ông Đào Nhật Đình nhấn mạnh.

Ở Việt Nam, chương trình dán nhãn năng lượng đã được triển khai từ năm 2008 và trở thành bắt buộc từ năm 2013. Chương trình này nhằm tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính, giúp người tiêu dùng lựa chọn các sản phẩm hiệu quả hơn về năng lượng.

Thực tiễn cho thấy việc dán nhãn năng lượng đã giúp cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng của nhiều thiết bị điện tử. Chẳng hạn, hiệu suất năng lượng của tủ lạnh, máy điều hòa không khí và máy sấy quần áo đã tăng lần lượt 46%, 42%, và 14% kể từ khi áp dụng chương trình này. Điều này không chỉ giảm hóa đơn điện cho người tiêu dùng mà còn góp phần bảo vệ môi trường.

Theo Bộ Công Thương, việc áp dụng các tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng tối thiểu đã tiết kiệm được khoảng 10 nghìn tỷ đồng (480 triệu USD) và giảm phát thải khoảng 34 triệu tấn CO2 vào năm 2030. Điều này tương đương với việc giảm nhu cầu sử dụng năng lượng của khoảng hai nhà máy điện đốt than công suất 500 MW mỗi năm

Một tủ lạnh được dán nhãn 5 sao có thể tiêu thụ khoảng 100 kWh/năm, trong khi một tủ lạnh không có nhãn hoặc có nhãn thấp hơn có thể tiêu thụ tới 150 kWh/năm. Điều này giúp người tiêu dùng nhận biết được tủ lạnh 5 sao tiết kiệm điện hơn, dẫn đến chi phí tiền điện hàng tháng thấp hơn và góp phần bảo vệ môi trường.

Mặc dù các thiết bị tiết kiệm năng lượng thường có chi phí mua ban đầu cao hơn, chúng có chi phí vận hành thấp hơn trong suốt vòng đời của thiết bị. Điều này có nghĩa là, tổng chi phí vòng đời của các thiết bị tiết kiệm năng lượng thường thấp hơn so với các thiết bị kém hiệu quả hơn. Ví dụ, tuổi thọ của tủ lạnh và máy sấy quần áo thường là 10 năm, trong khi máy điều hòa không khí có tuổi thọ khoảng 7 năm. Do đó, chi phí tiết kiệm được từ hóa đơn điện hàng tháng có thể bù đắp cho chi phí mua ban đầu cao hơn.

Một ví dụ cụ thể về khách hàng được hưởng lợi từ nhãn năng lượng 5 sao là chị Nguyễn Thị Lan, sống tại Hà Nội. Chị Lan quyết định mua một chiếc máy điều hòa không khí có nhãn năng lượng 5 sao thay vì một chiếc máy không có nhãn. Sau một năm sử dụng, chị Lan nhận thấy hóa đơn tiền điện hàng tháng của gia đình đã giảm đáng kể. Chị chia sẻ rằng mặc dù chi phí ban đầu cao hơn, nhưng máy điều hòa không khí 5 sao đã giúp gia đình chị tiết kiệm được khoảng 1 triệu đồng mỗi năm. Không chỉ vậy, máy điều hòa này còn hoạt động hiệu quả và ít phải bảo trì hơn so với các thiết bị cũ mà gia đình chị từng sử dụng.

Việc dán nhãn năng lượng giúp người tiêu dùng dễ dàng nhận biết các sản phẩm tiết kiệm điện, từ đó đưa ra quyết định mua sắm hợp lý hơn. Bà Hoàng Thị Hợi từ Công ty Đức Lợi (Quảng Ninh) chia sẻ rằng các sản phẩm điện lạnh có dán nhãn năng lượng chiếm tới 90% sản phẩm của công ty, và người tiêu dùng ngày càng quan tâm hơn đến các sản phẩm tiết kiệm năng lượng.

Các sản phẩm tiết kiệm năng lượng không chỉ giảm lượng điện tiêu thụ mà còn giảm phát thải khí nhà kính, góp phần bảo vệ môi trường. Ví dụ, các sản phẩm điều hòa của Daikin và Panasonic sử dụng khí gas sạch, tốt cho sức khỏe của người già và trẻ em.

Từ nhận thức đến hành động

Để đạt được mục tiêu quốc gia về tiết kiệm năng lượng, truyền thông và giáo dục đóng vai trò rất quan trọng. Ông Lê Anh Tuấn, Phụ trách khoa Kinh tế và Quản lý trường Đại học Điện lực, cho biết nhà trường đã đưa môn học về sử dụng năng lượng tiết kiệm vào giảng dạy cho tất cả các ngành học. Điều này giúp truyền bá kiến thức sâu hơn cho các thế hệ sau, tạo ra ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhận thức và hành vi sử dụng năng lượng của người dân.

Ông Tuấn cho biết đối tượng truyền thông dễ nhất là người tiêu dùng. Cần làm sao để người tiêu dùng tin tưởng nhãn dán năng lượng là “chuẩn”, thực sự mang lại hiệu quả.

“Ở một số quốc gia thì nhãn này không phản ánh được vào hành vi của người tiêu dùng, tức là người ta chưa thực sự tin tưởng. Nếu như chúng ta từ phía kỹ thuật có thể xây dựng được những quy chuẩn có thể kiểm soát tốt, bên cạnh đó truyền thông sát, sâu rộng hơn nữa thì có thể biến ý định tiết kiệm năng lượng của người dân thành hành động, giúp cho chương trình của chúng ta hiệu quả hơn rất nhiều”, ông Tuấn gợi ý.

“Nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra rằng những thế hệ đang phát triển cũng có ảnh hưởng rất mạnh tới bố mẹ - những người trực tiếp mua các thiết bị. Nếu có thể đào tạo về năng lượng tại các cấp trung học hay đại học thì có thể tạo ra ảnh hưởng rất hiệu quả”, ông Lê Anh Tuấn nêu quan điểm.

Những nỗ lực này, cùng với các chính sách và quy định cụ thể, đang dần hình thành một văn hóa tiết kiệm năng lượng ở Việt Nam. Việc dán nhãn năng lượng không chỉ giúp người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm tốt hơn mà còn đóng góp tích cực vào bảo vệ môi trường và phát triển bền vững của đất nước.

Đỗ Kiều

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/tu-cau-chuyen-nhan-5-sao-den-bai-toan-su-dung-nang-luong-hieu-qua-1100613.html