Từ cầu thủ bóng rổ nhà nghề Mỹ thành 'siêu lừa'
Hiệp hội Bóng rổ nhà nghề Mỹ (NBA) không còn lạ gì với scandal nữa. Từ vụ trọng tài Tim Donaghy dàn xếp tỷ số đến một loạt các tuyển thủ như Kobe Bryant và Derrick Rose bị cáo buộc hãm hiếp, dường như những ngày này phần lớn thời gian làm việc của các lãnh đạo NBA dành để 'dập lửa' scandal nối tiếp nhau. Nhưng hiếm có scandal nào gây chấn động NBA mạnh như âm mưu lừa đảo trị giá 4 triệu USD được phát hiện gần đây.
Âm mưu
Cuối năm 2021, Văn phòng công tố quận Manhattan (nơi đặt trụ sở NBA) đưa ra một thông cáo khiến nhiều người không khỏi sững sờ: 18 cựu vận động viên bóng rổ đã bị tạm giam vì lừa đảo chiếm đoạt 3,9 triệu USD tiền bảo hiểm sức khỏe từ NBA. Công tố viên Audrey Strauss, người trực tiếp chỉ đạo vụ điều tra, nhận xét với các phóng viên: “Phương thức - thủ đoạn của những kẻ lừa đảo không có gì mới, chỉ có điều chúng đã thành lập được một “mạng nhện” vô cùng khăng khít”.
Trong số những đối tượng bị tạm giam có một vài cái tên đáng chú ý như Anthony Allen, cầu thủ đã giúp đội Celtics giành chức vô địch năm 2008; Shannon Brown, đồng đội lâu năm của LeBron James và Kobe Bryant; Darius Miles, cựu cầu thủ và ngôi sao Hollywood; Ronald Glen Davis, người đã từng đoạt ba danh hiệu cầu thủ xuất sắc nhất năm. Điều lạ hơn là chủ mưu vụ lừa đảo lại không phải ngôi sao mà chỉ là một cầu thủ hạng B tên Terrence Williams. “Trợ tá” đắc lực nhất của y là Desiree Allen, vợ của Anthony Allen.
Văn phòng công tố cáo buộc 18 bị can đã làm giả một loạt các loại giấy tờ khám sức khỏe, giấy nhập viện nhằm chiếm đoạt 3,9 triệu USD tiền bảo hiểm y tế, trong đó chúng đã giải ngân được 2,5 triệu USD. Terrence Williams là người đứng ra cung cấp giấy tờ giả cho các cầu thủ khác để đổi lấy tiền hoa hồng. Ước tính trong vòng bốn năm qua, y đã nhận được tổng cộng 230.000 USD.
Theo báo cáo từ Văn phòng công tố quận Manhattan, hồ sơ giả của các đối tượng thường yêu cầu NBA chi trả cho họ khoảng từ 65.000 - 420.000 USD. Terrence Williams và Desiree Allen lén lút rao bán trên mạng xã hội Telegram từng tập hóa đơn giả và các loại giấy tờ khác mà cầu thủ chỉ cần điền tên mình vào. Những tờ hóa đơn này có nguồn gốc từ một cơ sở châm cứu không có thật được đứng tên người họ hàng xa của Desiree.
Công tố viên Audrey Strauss cho biết: “Chúng tôi đã sử dụng dữ liệu định vị để xác định chắc chắn những trường hợp đáng nghi ngờ. Ví dụ như trong một trường hợp Shannon Brown yêu cầu NBA chi trả cho anh ta 48.000 USD tiền bảo hiểm cho việc châm cứu và chữa trị… 8 cái răng sâu tại Beverly Hills, bang California. Lịch sử GPS tuy vậy lại cho biết Shannon đang chơi bóng tại Đài Loan vào thời điểm đó”.
Trước tòa, Terrence Williams khai nhận bắt đầu âm mưu lừa đảo từ khoảng đầu năm 2017. Điều khó hiểu là trong một thời gian dài như vậy, y và các đồng bọn liên tục thoát khỏi “tai mắt” cơ quan kiểm soát nội bộ của NBA. Văn phòng công tố quận Manhattan nhận xét: “Những đối tượng lừa đảo liên tục phạm các lỗi sơ đẳng như, sử dụng nhiều phông chữ khác nhau trên cùng một hóa đơn, con dấu giáp không trùng khớp, địa chỉ cơ quan cấp phát không thống nhất, v.v…Điều này cho thấy đang tồn tại những điểm yếu nguy hiểm trong cơ chế tự giám sát của NBA”.
Cuộc chiến trước tòa
Việc bắt giữ các đối tượng được giao cho Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI). Đa số các đối tượng đều chấp nhận lệnh tạm giam của FBI, trừ Ronald Glen Davis. Cựu cầu thủ này đã khóa chặt hết các cửa ra vào nhà mình, sau đó đe dọa sẽ nổ súng vào bất kỳ ai lại gần tư dinh. Cảnh sát đã phải mất gần một tiếng bao vây và thương thuyết mới khiến Ronald Glen Davis buông súng, đầu hàng.
Các bị can bị buộc tội lừa đảo tiền bảo hiểm và sử dụng - phát tán hóa đơn giả. Mức án cao nhất cho cả hai tội danh này là 20 năm. Riêng Terrence Williams còn phải chịu thêm tội ăn trộm danh tính, làm giả hóa đơn chứng từ và thành lập công ty giả. Với mức hình phạt cao như vậy, cũng dễ hiểu khi xảy ra cuộc “khẩu chiến” kéo dài từ nhiều tháng nay giữa công tố viên và đoàn luật sư đại diện cho bên bị.
Phía luật sư bên bị tập trung vào phương thức các công tố viên lấy được dữ liệu GPS của các bị cáo. Theo luật pháp Mỹ, các công ty cung cấp dịch vụ định vị vệ tinh có trách nhiệm giữ bí mật tuyệt đối dữ liệu dẫn đường của khách hàng trừ trường hợp phía cơ quan thi hành pháp luật đưa ra được lý do chính đáng (như bảo đảm an ninh quốc gia). Chỉ trong trường hợp đó doanh nghiệp mới được giao dữ liệu khách hàng cho cơ quan tư pháp.
Thông tin chi tiết về quá trình điều tra hiện vẫn còn được giữ bí mật, nhưng có lý do để tin rằng không phải tất cả những thông tin văn phòng công tố có được đều qua phương thức hợp pháp. Luật sư đại diện cho cầu thủ Darius Miles đưa ra bằng chứng rằng ô tô của anh này đã bị gài chip định vị. Trong trường hợp họ chứng minh được các nhà điều tra là người gài chip, rất có thể tòa án sẽ buộc phải thực hiện xem xét lại tính hợp pháp của những bằng chứng được công tố viên trình lên.
Cho đến thời điểm hiện tại, mới chỉ có 7 trong số 18 bị cáo nhận tội và xin tha bổng. Họ bị buộc hoàn trả lại số tiền đã chiếm đoạt, đồng thời mỗi cá nhân nộp thêm 75.000 USD tiền phạt. Theo nhận xét của những nhà quan sát, rất có thể phải chờ đến giữa năm nay tòa mới giải quyết hết các trường hợp còn lại. Hiện các cầu thủ đã nộp tiền tại ngoại để về nơi cư trú chờ phán quyết của tòa.
Tranh cãi
Vụ bắt giữ các cựu cầu thủ NBA xảy ra vài tuần sau khi ba tuyển thủ bóng bầu dục Mỹ là Clinton Portis, Tamarick Vanover và Robert McCune nhận tội lừa đảo bảo hiểm y tế. Phương thức hoạt động của ba đối tượng cũng giống như trong vụ NBA. Chúng sử dụng hóa đơn giả làm bằng chứng cho việc đã mua những loại máy móc thiết bị y tế đắt tiền như máy thở oxy, máy tạo sóng âm và máy quét từ trường. Trong số 2,9 triệu USD các đối tượng yêu cầu giải bóng bầu dục NFL chi trả, chúng đã nhận được 40.000 USD.
Hai âm mưu lừa đảo nối tiếp nhau đã gây ra cuộc tranh luận mới về việc các liên đoàn thể thao có nên tiếp tục chương trình bảo hiểm cho vận động viên không. Cách đây chưa đầy 20 năm, các công đoàn vận động viên đã rất khó khăn mới khiến liên đoàn đưa ra chính sách nói trên. Từ nhiều năm trước đó đã có không ít trường hợp gia đình cựu vận động viên sạt nghiệp vì chi phí chạy chữa cho con cháu họ. Những vận động viên giải nghệ thường xuyên gặp phải khuyết tật suốt đời như chấn thương dây thần kinh cột sống, alzheimer, v.v…do chấn thương trong thi đấu.
Đại đa số công chúng cho rằng các liên đoàn thể thao nên tiếp tục hỗ trợ chi trả những khoảng chi phí chữa trị cho vận động viên. Phát ngôn viên của Hiệp hội Bóng bầu dục đại học Mỹ (CFA) phát biểu: “Trong bối cảnh chi phí y tế của Mỹ đang ngày càng tăng cao vì các nguyên nhân ngoại sinh, các quỹ bảo hiểm của liên đoàn là biện pháp tốt nhất để vừa hỗ trợ gia đình các vận động viên, vừa giúp vận động viên ổn định tinh thần mà tiếp tục tập trung thi đấu”.
Ngành thể thao của Mỹ vẫn phải có những bước thay đổi ngay để bảo đảm không còn xảy ra những trường hợp lừa đảo tiền bảo hiểm nữa. Mới đây, Giám đốc văn phòng New York của FBI là ông Michael J. Driscoll đã có buổi họp báo về tình trạng lừa đảo trong ngành bảo hiểm. Ước tính các công ty bảo hiểm ở Mỹ đã mất 12 tỷ USD vào tay các đối tượng lừa đảo trong vòng gần hai năm qua. Con số này dự báo sẽ còn tăng trong bối cảnh nước Mỹ tiếp tục phải đối phó với đại dịch COVID-19 cùng lúc nhân lực của các cơ quan giám sát bị dàn mỏng.