Từ 'châm biếm' đến 'sâu cay'
Có lẽ hầu hết chúng ta đều hiểu và dùng đúng từ châm biếm. Ví dụ tranh châm biếm, giọng văn châm biếm, lời lẽ châm biếm sâu cay... Tuy nhiên, vì sao lại gọi là châm biếm? Vì sao châm biếm lại thường đi với sâu cay?
1-Châm biếm là gì?
Châm biếm vốn chỉ một phép chữa
bệnh, châm bằng kim đá, mà người xưa
gọi là biêm, châm biêm, hoặc biêm thuật,...
Hán ngữ đại từ điển (HNTĐ) giảng châm biếm, là “dụng biêm thạch chế thành đích thạch châm. Diệc vị châm cứu trị bệnh”, nghĩa là “châm biếm là phép dùng đá châm mà chế thành kim đá để chữa bệnh. Phép châm cứu (châm và cứu ngải - HTC) trị bệnh cũng gọi là châm biếm”.
Như vậy, chữ biếm chính là biến âm của biêm mà ra.
2-Mài đá nên kim?
Thật khó có thể tưởng tượng một cái kim mà lại được chế ra từ đá. Đá cứng mà giòn. Khi mài, giữ sao cho đá khỏi gãy/vỡ đã là khó, nói chi đến chuyện dùng kim đá ấy để châm?
Thực ra xưa kia, châm không hẳn là loại kim châm cứu ngày nay. Theo HNTĐ thì châm thạch (kim đá), là dụng cụ “hình cái kim”, “giống như kim”, chứ không hẳn là cái kim.
Còn theo Hán điển, thì biêm thạch có hai loại: thạch phiến (mảnh/miếng đá), và thạch châm(kim đá). Theo đây, kim đá có thể hình tròn (thạch châm) hoặc dẹt (thạch phiến).
Tuy nhiên, với một cái kim đá to bằng ngón tay hay chiếc đũa, hoặc mỏng bẹt như miếng đá sắc cạnh, thì người ta châm vào huyệt vị ra sao, chữa bệnh thế nào?
3-Châm mà không hẳn là châm
Ngày nay, nói đến châm, châm cứu, ta nghĩ ngay đến phép dùng kim nhọn châm vào các huyệt vị. Tuy nhiên, phép châm bằng kim đá của người xưa thực chất là chích, lể, mụn nhọt.
HNTĐ giảng hai chữ biêm thạch (đá để châm) là: “cổ đại dụng dĩ trị ung thư, trừ nung huyết đích thạch châm” nghĩa là: “thời cổ đại dùng kim đá để trị ung thư, tiêu trừ nung huyết”. Sách này dẫn Tố vấn viết: “bệnh ung dương, thích hợp với dùng kim đá mà trị”.
Chúng ta chú ý các từ ung thư, ung dương, và nung huyết trong nguyên văn
chữ Hán:
- ung thư chỉ chung các loại nhọt, trong đó loại sưng đỏ là ung, không sưng đỏ là thư.
- ung dương cũng chỉ các loại bệnh ung nhọt nói chung, bao gồm: ung, thư, đinh, tiết. Trong đó đinh (hay đanh) chính là loại nhọt độc, có ngòi trắng, hình như cái đinh, mà chúng ta thường gọi là mụn đầu đinh/đầu đanh.
- nung huyết là hỗn hợp máu và mủ sinh ra từ mụn nhọt.
Như vậy, phép châm biêm của người xưa thực chất là dùng vật nhọn bằng đá, hình giống như cái kim, hay miếng đá sắc nhọn để lể, khoét, loại trừ máu mủ ở mụn nhọt, chứ không phải là cái kim thông thường, cũng không phải là châm, chích vào huyệt vị như châm biêm sau này.
4-Thạch phiến của Trung Quốc, và mảnh sành của ta
Phép chữa bệnh bằng đá châm của Trung Quốc được ghi nhận sớm nhất trong Hoàng Đế nội kinh tố vấn (Tố vấn).
Trong khi Hán điển cho rằng, liệu pháp châm biêm của người xưa, “hiện đã thất truyền”, thì với người Việt, những năm 70, 80 của thế kỷ trước, hãy còn có người dùng mảnh sành, mảnh đá xanh (loại đá vôi) mài sắc nhọn để lể, chích, khoét mụn nhọt thay cho dao kéo. Bởi dân gian cho rằng tính của sắt “độc” (làm cho vết thương thêm sưng tấy, tạo mủ) nên phải “kỵ thiết”. Điều này giống như Nam sử (Vương Tăng Nho truyện) chép: “Thị lang Toàn Nguyên Khởi muốn chú giải Tố vấn, hỏi về biêm thạch, Tăng Nho đáp: “cổ nhân dùng đá để châm, bởi không dùng sắt”.
Như vậy, phép châm biêm thực chất chỉ là dùng đá để thay thế cho con dao mổ, hay cái kim bằng sắt, để tiểu phẫu mụn nhọt ngoài da, mà cả ta và cả Trung Quốc đều áp dụng.
5-Từ châm biếm đến sâu cay
Trong tiếng Việt, cay có một nghĩa chỉ đầu nhọn của vật này khi cắm vào vật kia. Ví dụ phần nhọn để cắm vào chuôi hoặc cán của một số dụng cụ như dao, liềm, hái... gọi là cay. Đến như đầu của hạt ngô cắm vào lõi của nó cũng gọi là cay. Ví dụ nhà sản xuất giống giới thiệu: giống ngô này lõi nhỏ, hạt sâu cay, thì sâu cay ở đây là chỉ phần đầu nhọn của hạt ngô cắm sâu vào lõi, đồng nghĩa giống ngô này hạt dài, năng suất cao.
Tương tự, sâu cay trong châm biếm sâu cay vốn chỉ độ sâu của cái kim khi cắm vào da thịt để chích lể mụn nhọt. Thế nên, từ sâu cay thường đi với châm biếm, mà châm biếm lại thường gắn với sâu cay là vậy.
Sách Y tông kim tạc, mục đinh sang chú rằng: “nhọt đầu đinh, hình nó giống như cái đinh, gốc nó ăn sâu vào da thịt”. Quả là vậy.
Nhọt đầu đinh, sợ nhất là loại ngòi dài, ăn sâu vào da thịt. Nếu chỉ lể, chích ở phần nông bên ngoài, thì nó tiếp tục mưng mủ, sưng tấy, đau nhức vô cùng. Thế nên Tố vấn viết: “Khi chữa trị ung nhọt, cần chích chỗ bị ung thũng của bệnh nhân, đồng thời xác định độ sâu kim châm theo kích thước của ung nhọt. Khi chích lể ung thũng lớn, cần làm cho nó chảy hết máu mủ; khi châm ung thũng nhỏ, phải châm sâu, đâm thẳng kim, cho đến tận chỗ bị bệnh mới thôi”.
Lại nói, trong sáu phép chữa bệnh của y học cổ truyền Trung Quốc (biêm, châm, cứu, dược, án khiêu, đạo dẫn) thì biêm hay châm biêm được xem là loại “thô công”, tức châm, lể, một cách thô sơ, bạo liệt, khiến cho bệnh nhân phải chịu đau đớn nhất. Không chịu đau đớn thì không thể khỏi bệnh.
Sách Tả truyện có câu “mỹ sấn bất như ác thạch”, Dương Bá Tuấn chú giải: “ác thạch, tức lấy đá làm kim, khi châm thường đau đớn”.
Tô Thức trong Hưu binh cửu hĩ nhi quốc ích khốn, viết: “Không chịu được vị đắng của thuốc và vết đau của kim đá, một khi bệnh đã nhập vào cốt tủy, thì sợ rằng sự đắng cay không dừng lại ở vị đắng của thuốc, mà sự đau đớn cũng không dừng lại ở vết đau của đá châm”.
Thế nên, Hán điển giảng nghĩa 2 của châm biếm là “tỉ dụ chỉ xuất thố ngộ, khuyến nhân cải chính”, nghĩa là “ví với việc chỉ ra những sự sai lầm, khuyên răn người ta cải chính”. Còn Hán Việt tự điển của Thiều Chửu thì ghi nhận: “ngày xưa có một khoa chữa bệnh, dùng kim đá tiêm vào da thịt gọi là biêm. Nay mượn dùng làm lời nói bóng về sự khuyên ngăn điều lầm lỗi nhau, như châm biêm can ngăn”.
Như vậy, châm biếm vốn chỉ một phép chữa bệnh. Về sau, châm biếm ví với cách chữa bệnh theo nghĩa bóng, chữa những căn bệnh vô hình, những thói hư tật xấu trên đời. Châm biếm sâu cay là phê phán những hiện tượng tiêu cực, thói hư tật xấu một cách không khoan nhượng, khiến cho đối tượng thấy “đau”, thấy thấm thía mà phải sửa chữa. Và sâu cay vốn chỉ độ sâu của cái kim khi chích, lể cho bệnh nhân, về sau dùng với nghĩa là đau đớn hoặc làm cho đau đớn thấm thía nói chung. Ví dụ lời châm biếm sâu cay.
Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/van-hoa/tu-cham-biem-den-sau-cay/26909.htm