Tự chế 'biệt dược' giữa chiến trường
'Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, 'B3min' là một loại thuốc bổ được cánh lính Mặt trận B3 chúng tôi coi như 'biệt dược' giữa chiến trường', Thiếu tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Tụ, nguyên Phó giám đốc Học viện quân y kể lại với chúng tôi về một trong những loại dược phẩm 'tự chế' của lính quân y B3, khi ông đang là Chủ nhiệm Quân y Mặt trận Tây Nguyên.
Chuyện là, vào khoảng những năm 1969-1970, hễ bắt đầu vào mùa mưa là dọc hai bờ sông Pô Kô (thuộc tỉnh Kon Tum) có rất nhiều giun đất đùn lên. Biết rằng giun đất có nhiều chất đạm, lại có thể chữa được bệnh sốt rét, trong khi các thương, bệnh binh do quân y B3 chăm sóc hầu hết là số anh em do ăn uống không đủ chất nên thiếu sinh tố, sức khỏe suy kiệt và hay bị sốt rét ác tính, bởi vậy cánh lính quân y đã ra bờ sông bắt về hàng gùi giun đất.
Sau đó, hàng tạ giun đất ấy đã được đem đi thủy phân và làm ra các viên thuốc bổ phục vụ cho số bệnh binh bị suy nhược cơ thể. “Gọi là “thủy phân” chứ thực ra chúng tôi cho nấu giun đất lên rồi cô lại thành cao, sau khi khử mùi tanh thì các viên đạm “tự chế” này đã trở nên thơm phức. Chúng tôi đặt tên cho loại “thuốc bổ chiến trường” ấy là B3min”, Thiếu tướng Nguyễn Tụ nhớ lại.
Ngoài loại thuốc bổ “cây nhà lá vườn” từ giun đất, các chiến sĩ quân y Mặt trận Tây Nguyên còn tự chế một loại thuốc bổ mà bây giờ kể lại, nhiều người sẽ cho rằng hơi… xa xỉ, đó là món cao xương voi.
“Hồi đó voi không hiếm và bị cấm săn bắt như bây giờ, để cải thiện bữa ăn, cánh lính B3 thường hay vào rừng săn voi. Một chú voi săn được, lúc xẻ thịt có tới hàng tạ, nhưng vì đường sá khó khăn nên bộ đội không thể gùi hết về đơn vị được, thế là chúng tôi đánh dấu vị trí ấy lại để mùa mưa năm sau, khi thịt voi đã hết mùi ôi thối, cánh lính quân y đem theo nồi hấp để nấu số xương voi ấy thành cao ngay tại chỗ. Với những “xưởng dược di động” này, có năm chúng tôi đã làm được từ 2 đến 3 tạ cao voi để phục vụ cho việc bồi bổ sức khỏe thương binh”, Thiếu tướng Nguyễn Tụ kể.
Vào khoảng những năm 1966-1967, khi vừa đặt chân vào chiến trường Tây Nguyên, đội ngũ cán bộ quân y Mặt trận B3 đã phải khắc phục một loạt những khó khăn, thiếu thốn, trong đó khó khăn lớn nhất là thiếu thuốc men, y cụ. Thiếu tướng Nguyễn Tụ kể rằng có nhiều lúc các y, bác sĩ Viện 211 đã phải tận dụng bông băng của số bộ đội bị thương nhẹ mang đi giặt, phơi khô và sau đó... dùng tiếp. Cũng không hiếm gặp cảnh các y tá dùng miếng bông nhúng vào nước đun sôi để nguội, bôi lên da bệnh nhân để “sát trùng” trước khi tiêm. Họ phải làm vậy vì không có cồn, trong khi số cồn từ hậu phương chuyển vào tới chiến trường cũng chẳng còn là bao vì sau hàng tháng trời vận chuyển cồn đã bị bốc hơi gần hết. Đội ngũ cán bộ Khoa Dược của Viện 211 đã tính tới phương án sản xuất rượu thay thế cồn.
Thế nhưng, muốn làm được rượu thì phải có men và tinh bột. Giữa chiến trường Tây Nguyên, làm sao có được men? Khoa Dược của Viện 211 đã cử cán bộ vào “ba cùng” với đồng bào dân tộc để học cách làm men từ việc nấu rượu cần. Sau khi học được cách làm men từ lá cây rừng, họ đã tận dụng số gạo hẩm trong các kho để lên men, còn nồi nấu rượu thì được một “bộ phận gò rèn” tận dụng kim loại từ xác máy bay rơi của địch. Sau một thời gian mày mò, mẻ rượu đầu tiên đã được chưng cất ngay tại chiến trường. Khỏi nói anh em quân y B3 mừng như thế nào, bởi khi đã “tự túc” được rượu thì các dược sĩ sẽ dễ dàng chưng cất thành các loại cồn phục vụ cho nhu cầu điều trị thương, bệnh binh ở chiến trường…
Ngoài số “dược phẩm” tự chế nhằm phục vụ điều trị bệnh nhân, còn một sản phẩm tinh thần khác được những chiến sĩ áo trắng của Mặt trận B3 cho ra đời trong những ngày lửa đạn, đó là cuốn “Nội san Quân y Tây Nguyên” và các cuốn sách phổ biến kinh nghiệm xử trí vết thương; phổ biến quy định về cấp cứu nội khoa ở chiến trường…
Thiếu tướng Nguyễn Tụ cho biết, với hàng trăm cán bộ quân y vào chiến trường B3, chủ yếu trong số đó là những y, bác sĩ có trình độ cao của hai Viện: 103, 108, do vậy ngay từ cuối năm 1970, ông đã đề nghị với Tư lệnh Mặt trận Hoàng Minh Thảo cho thành lập Hội đồng y học quân sự Tây Nguyên. Với sự ra đời của Hội đồng Y học và cuốn Nội san Quân y được xuất bản đều đặn mỗi quý, các đồng nghiệp đã có cơ hội giới thiệu những công trình nghiên cứu khoa học ngay tại chiến trường và trao đổi các thông tin hữu ích phục vụ chuyên môn.
“Sau ngày đất nước thống nhất, tôi đã tập hợp được toàn bộ trên 20 số “Nội san Quân y Tây Nguyên” và gửi tặng Bảo tàng Quân y. Khi Bảo tàng Quân y sáp nhập vào Bảo tàng Tổng cục Hậu cần, tôi có đến tìm lại những cuốn Nội san ấy thì thật tiếc, chúng đã bị thất lạc”, Thiếu tướng Nguyễn Tụ kể lại, giọng tiếc nuối.
Vị tướng quân y từng nhiều năm gắn bó với chiến trường Tây Nguyên hy vọng các đồng đội của ông sẽ có người lưu giữ được những cuốn nội san in rô-nê-ô ngày ấy, bởi đó không chỉ là kỷ vật ghi dấu ấn một thời lửa đạn mà còn là tài liệu chân thực giúp ích cho việc tổng kết chiến tranh...
BÙI VŨ MINH
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Tướng lĩnh Việt Nam xem các tin, bài liên quan.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/tuong-linh-viet-nam/tu-che-biet-duoc-giua-chien-truong-748044