Từ chia nhỏ đến giảm giá sàn, đất đấu giá vẫn 'ế không lối thoát'

Sau thời làm mưa làm gió, giới đầu cơ lướt sóng kiếm lời tiền tỷ chỉ trong vài tuần, thậm chí vài ngày, nay đất đấu giá tại hầu hết địa phương giảm sức hút đáng kể, không ít địa phương từng là điểm nóng giờ phải chia nhỏ lô, giảm giá sàn để thoát 'ế'.

Bắc Giang với loạt lợi thế về phát triển kinh tế, hạ tầng giao thông, từng là điểm nóng về hoạt động mua bán bất động sản, sốt ảo bùng lên ở nhiều nơi, các đợt đấu giá theo đó cũng thu hút hàng nghìn người tham gia.

“Mắc cạn” vì đất đấu giá

Đơn cử, ở xã Quang Châu, huyện Việt Yên, thời đỉnh cao vào cuối năm 2021, khi các phiên đấu giá khu dân cư Đồng Vân hay Bắc Quang Châu diễn ra, dù chỉ có 460 lô đất nhưng có đến hơn 5 nghìn hồ sơ tham gia. Giá bình quân gấp 2-5 lần mức khởi điểm.

Tuy nhiên, sau thời nhảy múa, thị trường nhà đất Bắc Giang nay hạ nhiệt, nhiều nhà đầu tư mắc kẹt với đất đấu giá. Như trường hợp của anh Hoàng Đình Tùng (TP Bắc Giang) đang mòn mỏi chờ thoát hàng, thu hồi vốn từ lô đất trúng đấu giá hơn 4,3 tỷ đồng.

Sau thời nhảy múa, đất đấu giá hiện giảm sức hút, nhiều khu vực rơi cảnh đìu hiu (Ảnh minh họa: HN).

Sau thời nhảy múa, đất đấu giá hiện giảm sức hút, nhiều khu vực rơi cảnh đìu hiu (Ảnh minh họa: HN).

Anh Tùng chia sẻ, vào cuối năm 2021, giá đất nền ở Bắc Giang vô cùng sôi động, giá đất lên từng ngày nên các phiên đấu giá đông nghẹt người, quá nửa là nhà đầu tư lướt sóng. Sau đấu giá, nhiều người sang tay ngay ăn chênh cả trăm triệu đồng.

Đầu tháng 11/2022, được sự giới thiệu của bạn, lại có sẵn 2,5 tỷ đồng trong tay, anh Tùng quyết định “đánh liều” tham gia một phiên đấu giá và thực hiện trót lọt vụ lướt sóng đầu tiên khi sang tay thành công lô đất đấu giá hơn 2,3 tỷ đồng, lời 80 triệu đồng chỉ trong 1 tuần rao bán lại.

“Thấy ngon ăn, tôi quyết định vay thêm tiền để lướt sóng đất đấu giá. Nhưng “đi đêm lắm có ngày gặp ma”, phi vụ thứ hai trở thành cơn ác mộng. Lô đất hiện tại trúng đấu giá hơn 4,3 tỷ đồng, cũng từng có người trả hơn 5 tỷ đồng mà tôi không đồng ý, giờ muốn bán hòa vốn cũng khó”, anh Tùng thổ lộ.

Các cuộc thăm dò cho thấy, hiện tượng nhà đầu tư lướt sóng “mắc cạn” vì đất đấu giá không hiếm. Thời gian qua, các ngân hàng thắt chặt việc cấp tín dụng đối với những lĩnh vực rủi ro cao, trong đó có bất động sản. Vì vậy, đất đấu giá hiện rơi vào cảnh trầm lắng chung của thị trường.

Tình trạng bỏ cọc sau đấu giá cũng diễn ra phổ biến gần đây do thị trường mất thanh khoản, cơ hội lướt sóng kiếm lời không còn, nên các nhà đầu tư, đầu cơ không còn mặn mà tham gia.

Chia nhỏ, hạ giá để chống “ế”

Đấu giá ế ẩm khiến nhiều địa phương buộc phải giảm giá khởi điểm. Mới nhất tại Quảng Trị, ông Nguyễn Trí Hữu, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh cho hay từ đầu năm 2023 đến nay, trung tâm có ba lần tổ chức đấu giá đất nhưng không thành công, không có người mua.

Sau 9 tháng đầu năm 2023, Quảng Trị mới thu được 194 tỉ đồng từ đấu giá đất, chỉ đạt 24% mục tiêu. Nhiều phiên đấu giá không có người mua vì giá sàn cao, diện tích lô đất rộng.

Trước việc các lô đất có diện tích lớn, giá sàn cao không hấp dẫn nhà đầu tư, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo Sở Xây dựng chủ trì, cùng các ngành chức năng nghiên cứu giảm diện tích lô đất, hạ giá sàn trên cơ sở đề nghị của Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Quảng Trị.

Tình trạng tương tự cũng đang diễn ra tại Hải Dương. Từ đầu năm 2023 đến nay, các địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã tổ chức đấu giá hàng loạt khu đất, nhưng có nhiều khu đất đấu giá đến 2- 3 lần vẫn không có khách tham gia.

Điển hình, từ ngày 6/9-22/9, Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Hải Dương tổ chức bán hồ sơ đấu giá cho 64 lô đất thuộc điểm quy hoạch Khu dân cư phía Nam đường Việt Hòa (phường Việt Hòa, TP Hải Dương). Đây là đợt đấu giá thứ 2, lần 3 với mức giá khởi điểm từ 29,7-31 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, trong suốt 16 ngày mở bán, không có khách hàng tới đăng ký, mua hồ sơ.

Đáng chú ý, dù đã điều chỉnh giá sàn xuống thấp hơn đáng kể, song tại nhiều khu vực đất đấu giá nhưng người dân địa phương cũng chỉ ra hỏi han rồi lại đi về, không hề đả động đến việc mua hồ sơ tham gia đấu giá.

Ở góc nhìn chuyên gia, ông Phạm Đức Toản, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển Bất động sản (EZ Property) cho hay hàng năm, các tỉnh đều có nguồn thu từ đấu giá đất, thế nhưng năm nay nhiều tỉnh đang không đạt chỉ tiêu, sức nóng thị trường giảm sút mạnh.

Lý do, theo ông Toàn, là bởi mức giá khởi điểm vẫn neo quá cao, vượt trội so với mặt bằng chung trong bối cảnh thị trường bất động sản rơi vào trầm lắng có thể còn kéo dài sang năm 2024. “Đất đấu giá trước đây chủ yếu được nhà đầu tư quan tâm, nay họ rút đi thì đất ế là đương nhiên”, ông Toàn nói.

Đất đấu giá có lợi thế về pháp lý, thường chỉ sau phiên đấu giá, hoàn thành các thủ tục là được cấp sổ đỏ. Tuy nhiên theo chuyên gia, cần phải hoàn thiện thêm hạ tầng, điều chỉnh giá bán sát theo giá thị trường hơn mới thu hút nhà đầu tư trở lại. Và, theo đà hồi phục của thị trường chung, “mặt trận” đất đấu giá được dự báo đến giữa hoặc cuối năm 2024 mới có thể nóng trở lại. Vì vậy, các nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi xuống tiền.

Hưng Nguyên

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//toan-canh/tu-chia-nho-den-giam-gia-san-dat-dau-gia-van-apos-e-khong-loi-thoat-apos-1095863.html