Từ chiếc bong bóng bay...
Tôi chạy xe ngay sau một đoàn roadshow toàn nam thanh nữ tú quảng bá cho một sản phẩm công nghệ thân thiện môi trường và thật bất ngờ khi một bạn trong số này không ngại ngần ném vỏ chai nước đã uống cạn xuống ven đường.
Nhiều bạn trẻ khác trong đoàn roadshow đang tháo mồ hôi dưới cái nắng tháng 7, trên xe ai cũng treo chai nước, chắc là sẽ có nhiều vỏ nhựa được thải ra theo cách như thế.
Tôi cũng thường gặp nhiều ông bố, bà mẹ đưa con đi học về, quà giải khát lúc đón con thường là ly trà sữa, bịch bột chiên. Các cháu uống/ăn ngay trên xe rồi quẳng vỏ ly, hộp nhựa xuống đường trong khi bố, mẹ không hề nhắc nhở.
Dù không phải là tất cả nhưng những hình ảnh phản cảm này rất thường gặp. Mọi bài học ở trường lớp, mọi chiến dịch vận động không xả rác bừa bãi… ắt lọt từ tai này qua tai kia nếu như những hành động xấu kể trên không được nhắc nhở, phê bình, hay xử phạt ngay lập tức!
Có tâm lý người ta xả rác được thì mình cũng thế, từ các roadshow hay những người đứng phát tờ rơi hàng chùm ở mấy ngã tư. Em học sinh lần này ném đồ đựng thức ăn xuống đường mà chẳng bị bố/mẹ phàn nàn gì thì lần sau sẽ ném tiếp, bởi "gieo hành động, gặt thói quen". Thói quen một khi đã thành tính xấu thì sau này khó sửa được.
Mấy tháng gần đây, phong trào chống rác thải nhựa trở nên sôi nổi. Ấy là bởi sau khi thế giới nhắc tên Việt Nam "xếp thứ tư toàn cầu về rác thải nhựa đại dương". Theo Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO), năm 2018, Việt Nam thải ra hơn 1,8 triệu tấn rác thải nhựa không được xử lý, chiếm gần 6% lượng rác nhựa thế giới.
Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) xếp hạng chỉ số cạnh tranh du lịch của Việt Nam đứng thứ 129/136 về tính bền vững môi trường. Tình trạng ô nhiễm ở Việt Nam ngày càng nguy cấp, trước thực tế đó, hàng loạt chương trình hành động từ cấp Chính phủ tới các địa phương, hội - ngành đã được phát động, triển khai. Nhiều tỉnh - thành đã "nói không với rác thải nhựa" qua những cuộc họp dùng chai thủy tinh đựng nước uống. Hàng loạt siêu thị dùng lá hoặc bao bì tự hủy gói hàng thay cho túi ni-lông. Rất nhiều sản phẩm thay thế bịch nhựa, túi ni-lông đã được sản xuất, tung ra thị trường.
Nhưng tất cả chỉ mới khởi đầu và chưa căn cơ. Nói không với rác thải nhựa phải bắt đầu từ nhà trường với những bài học rất sâu sắc và cụ thể cho tuổi mầm non. Nói không với rác thải nhựa còn phải bắt đầu từ quyền năng của người tiêu dùng, đó là biết từ chối mua sản phẩm sử dụng bao bì, hộp đựng không thân thiện môi trường. Tiên phong là ngành du lịch, cần chấm dứt ngay việc phát chai nước (vỏ nhựa) cho khách. Mỗi năm ngành phục vụ gần 100 triệu lượt khách, mỗi ngày 1 khách dùng bình quân 3 chai nước, tính ra môi trường sẽ đỡ gánh nặng hàng trăm triệu vỏ chai. Cách làm này còn có tác dụng quảng bá, làm đẹp thêm cho du lịch Việt Nam.
Còn dạy bảo vệ môi trường từ những bài học khai tâm, có gì khó? Bằng chứng mới nhất là trường hợp cháu Nguyễn Nguyệt Linh (vừa học xong lớp 5 Trường Marie Curie, Hà Nội) đề nghị "không thả bóng bay" ngày khai trường năm nay để bảo vệ môi sinh, được hiệu trưởng nhà trường đồng ý; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường gửi thư khen, tặng quà.
Nhân rộng những bài học như của cháu Nguyễn Nguyệt Linh - rất dễ làm, dễ thấm và dễ thuộc!
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/kinh-te/tu-chiec-bong-bong-bay-20190730214242906.htm