Từ chiến sĩ rèn luyện tốt đến cựu chiến binh cần mẫn
Tháng 4-1981, đang học cấp 3, mặc dù chưa đủ 17 tuổi nhưng cô gái Lê Thị Nhung từ vùng đất ngoại ô huyện Từ Liêm (nay là phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) đã xung phong lên đường bảo vệ Tổ quốc.
Nhung là con út trong một gia đình nghèo có 9 anh chị em, trong đó có hai anh trai hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Mới 3 tháng tuổi, Lê Thị Nhung phải chịu thiệt thòi lớn về tình cảm khi người cha mất sớm. Việc viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ được nữ sinh Lê Thị Nhung giấu kín, bởi việc học hành đang là mong muốn, hy vọng lớn nhất của người mẹ.
Trong 4 năm quân ngũ, làm nhiệm vụ ở kho quản lý vũ khí đạn trên đất Hà Tuyên (nay là Tuyên Quang và Hà Giang), chiến sĩ Lê Thị Nhung đã rèn luyện, phấn đấu tốt, được cấp trên tặng nhiều bằng khen, giấy khen, rồi được đơn vị chọn đi học lớp cảm tình Đảng. Sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong Quân đội, năm 1985, chị Nhung chuyển về công tác tại Công ty Cổ phần Bóng đèn-Phích nước Rạng Đông. Do làm việc tốt, sau hơn hai năm, Lê Thị Nhung được Công ty cử sang Liên Xô học tập và làm việc 4 năm liền. Tại đây, chị đã vinh dự được kết nạp vào Đảng, rồi trở về nước, tiếp tục được Công ty giao nhiệm vụ quản lý chất lượng sản phẩm.
Năm 2015, đồng chí Nhung được nghỉ hưu. Trở về cuộc sống đời thường cùng gia đình ở tổ dân phố số 8, phường Mỹ Đình 1 (quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội), cựu chiến binh (CCB) Lê Thị Nhung đã tích cực tham gia các hoạt động ở địa phương. Tháng 3-2022, được cấp ủy, chi bộ, tổ dân phố và cán bộ, hội viên trong chi hội CCB tín nhiệm, CCB Lê Thị Nhung được bầu làm Chi hội trưởng Chi hội CCB số 8. Mặc dù gia đình còn nhiều khó khăn, chồng lại bị bệnh phải ghép gan, sức khỏe yếu, nhưng đồng chí Nhung vẫn thu xếp việc nhà ổn thỏa để cùng cán bộ, hội viên Chi hội triển khai hiệu quả các nhiệm vụ.
Từ giữa năm 2022, đồng chí đã cùng tập thể Chi hội xây dựng mô hình “Tuyên truyền và thu gom rác thải, phế liệu, bảo vệ mội trường”. Mô hình này được lãnh đạo tổ dân phố đồng tình. Những ngày đầu phát động, cả Chi hội ai cũng thấy việc làm đó có ý nghĩa thiết thực, đặc biệt, nhiều hội viên dù đã 70, 80 tuổi đều không quản ngại vất vả, cần mẫn nhặt từng vỏ lon bia, nước ngọt, chai nhựa, nilon các loại... Sau khi thu gom, Chi hội trưởng Nhung lại cùng các CCB phân loại phế thải, gom góp các vỏ lon bia, phế liệu... có thể tái chế được để bán lấy tiền gây quỹ hội, thêm nguồn thăm hỏi, ủng hộ hội viên ốm đau, đi viện hoặc giúp các cháu mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Nhưng ý nghĩa hơn cả là qua thực hiện mô hình này, Chi hội trưởng Lê Thị Nhung và cán bộ, hội viên Chi hội CCB đã cùng các tổ chức đoàn thể của tổ dân phố thể hiện trách nhiệm của mình bằng hành động gương mẫu; tăng tính thuyết phục khi tuyên truyền, vận động người dân trong tổ dân phố đồng tình, hưởng ứng vì cảnh quan phố phường xanh-sạch-đẹp, văn minh.
Hiện nay, mô hình của Chi hội CCB số 8 đã và đang lan tỏa tới các ngả đường, phố phường trên địa bàn dân cư. Chính điều đó đã làm cho nơi đây dần dần không còn hiện tượng vứt bừa bãi các đồ phế thải, rác thải sau khi sử dụng. Nền nếp vì một môi trường sạch đẹp đã hiện hữu từ những bàn tay cần mẫn, gương mẫu của cán bộ, hội viên Chi hội CCB số 8, trong đó có vai trò tích cực của Chi hội trưởng Lê Thị Nhung.