Từ chỗ là 'đàn anh', Toyota nay phải học hỏi Tesla

Nhờ thỏa thuận với Toyota năm 2010, Tesla có thể học hỏi kinh nghiệm sản xuất quy mô lớn. Giờ đây, đến lượt Toyota phải học hỏi Tesla để giảm giá thành xe hơi.

 Thỏa thuận với Toyota góp phần giúp Tesla vươn mình trở thành gã khổng lồ trong ngành công nghiệp xe hơi. Ảnh: Bloomberg.

Thỏa thuận với Toyota góp phần giúp Tesla vươn mình trở thành gã khổng lồ trong ngành công nghiệp xe hơi. Ảnh: Bloomberg.

Ngồi bên ông Akio Toyoda, khi đó là chủ tịch Toyota, trong một cuộc họp báo tại Tokyo tháng 11/2010, Giám đốc điều hành Tesla Elon Musk tuyên bố ông kỳ vọng học hỏi từ kỹ thuật sản xuất của Toyota, điều ông Musk ca ngợi là “tốt nhất thế giới”.

Giờ đây, sau 13 năm, đến lượt Toyota quay trở lại để học hỏi từ người “đàn em” trong ngành công nghệ xe hơi.

“Cuối cùng cũng đã đến lúc Toyota cần học từ Tesla”, nhân sự cấp cao của một doanh nghiệp ôtô Nhật Bản nói. “Đây là một cú sốc. Tuy nhiên, nếu mọi thứ cứ như hiện nay, họ sẽ không thể hạ giá xe điện một cách đáng kể. Đây là thời điểm Toyota cần thay đổi cách thức sản xuất”.

"Thầy học lại trò"

Hồi giữa tháng 6, Toyota cho biết hãng này sẽ bắt đầu sử dụng công nghệ đúc cỡ lớn để sản xuất ôtô, có thể được sử dụng trong các mẫu xe điện thế hệ mới của Toyota từ năm 2026. Tuy nhiên, dù mới với Toyota, công nghệ này đã được Tesla sử dụng từ trước.

Với công nghệ truyền thống, một chiếc xe được tạo nên từ hơn 100 tấm kim loại được hàn với nhau. Trong khi đó, sử dụng máy đúc cỡ lớn, chiếc xe của Tesla có thể chỉ cần hai tấm kim loại.

Máy đúc cỡ lớn lần đầu được sử dụng với mẫu xe Model Y của Tesla năm 2020. Công nghệ này giúp Tesla cắt giảm trung bình tới một nửa chi phí trên mỗi phương tiện. Dù các công ty khởi nghiệp Trung Quốc cũng đang nghiên cứu phát triển, Toyota trước đây không mấy hào hứng với công nghệ mới.

Khi số lượng bộ phận cấu thành chiếc xe giảm đi, số lượng đơn hàng cho các nhà cung cấp cũng sẽ giảm. Điều này có thể ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng “kim tự tháp” có mức độ kết dính cao của ngành xe hơi Nhật Bản.

Tuy nhiên, dường như Toyota đã phải suy nghĩ lại.

 Mẫu Model Y của Tesla được chế tạo nhờ máy đúc cỡ lớn. Ảnh: Reuters.

Mẫu Model Y của Tesla được chế tạo nhờ máy đúc cỡ lớn. Ảnh: Reuters.

“Tesla là công ty dẫn đầu trong thị trường xe điện. Chúng tôi cần học hỏi từ họ”, một quản lý cấp cao của Toyota nói. “Khi đó (năm 2010 - PV), không ai nghĩ Tesla sẽ được như bây giờ”.

Theo thỏa thuận đối tác năm 2010, Toyota chi 50 triệu USD cho Tesla để đổi lấy khoảng 3% cổ phần công ty. Trong khi đó, Tesla mua lại một phần nhà máy liên doanh của Toyota và General Motors tại California với giá 42 triệu USD.

Khi đó, do thiếu kinh nghiệm sản xuất ở quy mô lớn, Tesla gặp khó khăn khi muốn sản xuất hàng loạt mẫu xe Model S - mẫu xe đầu tiên do Tesla tự tay phát triển. Tesla liên tục thua lỗ. Có lúc công ty này chỉ còn khoảng 100 triệu USD tiền dự phòng.

Vận may của Tesla

Khi nhớ lại về thỏa thuận, một quản lý của Tesla gọi đây là vận may. Nhà máy tại California đã có đủ thiết bị, giúp Tesla không phải bỏ ra thêm nhiều tiền. Các nhân công cũ cũng được giữ lại. Nhờ đó, Tesla có được kinh nghiệm sản xuất - điều mà trước đây họ còn thiếu.

Trong khi đó, Toyota không hưởng lợi nhiều khi sản phẩm xe điện hợp tác sản xuất giữa hai bên không có doanh số cao. Toyota bán toàn bộ cổ phần tại Tesla vào cuối năm 2016. Các kỹ sư của Toyota cũng không quá hào hứng với thỏa thuận do họ tin rằng công ty có thể sản xuất xe điện bất cứ lúc nào.

Thành công của Tesla đến từ khả năng nhận diện điểm yếu của ngành ôtô và tư duy vượt ra ngoài khuôn khổ thông thường.

Tesla không tuân thủ tư duy “kaizen” của Toyota - vốn đề cao sự cải tiến liên tục nhưng có thể không quá lớn. Mỗi khi xây dựng nhà máy mới, Tesla đều đánh giá lại phương thức sản xuất và mong muốn giảm tới 50% chi phí, gây áp lực cả trong nội bộ lẫn lên các đối thủ.

 Tỷ phú Elon Musk và cựu Chủ tịch Toyota Akio Toyoda năm 2010. Ảnh: Reuters/Nikkei Asia.

Tỷ phú Elon Musk và cựu Chủ tịch Toyota Akio Toyoda năm 2010. Ảnh: Reuters/Nikkei Asia.

Tuy nhiên, Tesla cũng gặp phải thách thức. Khi trở thành một công ty lớn với 120.000 nhân công và sản lượng hai triệu chiếc xe mỗi năm, Tesla không thể dễ dàng đưa ra các quyết định đột phá như khi còn là công ty khởi nghiệp.

Thương hiệu của Tesla cũng có thể mất dần giá trị. Giá mẫu xe Model 3 của hãng tại Mỹ mới đây giảm 20% chỉ trong nửa năm, phản ánh thị hiếu thay đổi của người tiêu dùng.

Nếu như trước đây Tesla học hỏi từ “ông lớn” Toyota, giờ đây hàng loạt doanh nghiệp lại học hỏi từ chính Tesla - công ty đang dẫn đầu thị trường. Nếu không cẩn trọng, Tesla hoàn toàn có thể đánh mất vị thế vào tay các đối thủ, giống như Toyota trước kia.

Việt Hà

Nguồn Znews: https://lifestyle.zingnews.vn/nguoi-thay-giup-tesla-cat-canh-post1444480.html