Từ chối cung cấp vũ khí cho Ukraine, Thụy Sĩ tiêu hủy hệ thống Rapier đã loại biên
Chính phủ Thụy Sĩ đã bắt đầu loại bỏ 60 hệ thống tên lửa phòng không Rapier, từ chối chuyển giao loại vũ khí này cho Ukraine, báo Neue Zürcher Zeitung cho hay ngày 11/3.
Người phát ngôn Văn phòng mua sắm quốc phòng liên bang Thụy Sĩ, Kai-Gunnar Sievert cho biết, lô đầu tiên trong số 4 lô Rapier đã được tháo dỡ.
“Theo kế hoạch, tất cả các hệ thống sẽ được tháo dỡ và tiêu hủy”, ông Sievert cho biết.
Rapier do Anh phát triển, được thiết kế để tiêu diệt các mục tiêu có khả năng cơ động cao. Thụy Sĩ mua hệ thống tên lửa phòng không Rapier từ những năm 1980. Chính phủ Thụy Sĩ hiện đại hóa những hệ thống này vào năm 2007 và mua 2.000 tên lửa dẫn đường mới.
Bern loại biên Rapier vào cuối năm 2022. Các hệ thống vũ khí này sẽ bị tiêu hủy, mặc dù chúng vẫn có thể được sử dụng để chống lại máy bay không người lái (UAV) và các mục tiêu bay thấp khác.
Theo báo Neue Zürcher Zeitung, một số chính trị gia Thụy Sĩ phản đối việc loại bỏ các hệ thống Rapier.
Dù vậy, quan điểm trung lập cũng không cho phép Thụy Sĩ cung cấp vũ khí cho bất cứ bên nào trong cuộc xung đột, dù là trực tiếp hay gián tiếp.
Hồi tháng 2/2023, chính quyền Thụy Sĩ đã từ chối chuyển vũ khí phòng không do nước này sản xuất từ Tây Ban Nha sang Ukraine. Bern cũng từ chối các đề xuất từ Đức và Đan Mạch về việc cung cấp cho Kiev xe bọc thép và đạn dược do Thụy Sĩ sản xuất.
Ngoài ra, Thụy Sĩ cũng hạn chế xuất khẩu vũ khí sang Nga và Ukraine.
Theo một bài báo ngày 7/2 của Reuters, Thụy Sĩ có thể dỡ bỏ lệnh cấm vận chuyển vũ khí đến các khu vực xung đột khi áp lực buộc chính phủ nước này phải từ bỏ chính sách duy trì trung lập đã có từ lâu ngày càng gia tăng.
Kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine hơn 1 năm trước, ngày càng có nhiều lời kêu gọi Thụy Sĩ từ bỏ vị thế trung lập đã tồn tại hàng thập kỷ. Tuy nhiên, chính phủ Thụy Sĩ ngày 10/3 tuyên bố sẽ không thay đổi truyền thống lâu đời.
Vì sao Thụy Sỹ không muốn cung cấp Rapier cho Ukraine?
Các nhà hoạch định chính sách an ninh tỏ ra không hài lòng về việc tiêu hủy các hệ thống phòng không Rapier. Ông Peter Schneider, cựu Tổng biên tập tạp chí quân sự ASMZ của Thụy Sĩ , nhấn mạnh rằng, mặc dù hệ thống vũ khí nàu đã lỗi thời, nhưng chúng vẫn hiệu quả.
Vương quốc Anh đã sử dụng Rapier để bảo vệ Thế vận hội Olympic 2012 ở London. Hệ thống này hoạt động đặc biệt hiệu quả trước các mối đe dọa bay thấp như UAV.
Ông François Pointe, một thành viên Đảng Tự do Xanh tại Hội đồng Quốc gia, cũng chỉ trích việc lựa chọn tháo dỡ hệ thống vũ khí này. Ông ủng hộ việc cung cấp vũ khí cho Ukraine.
Chính phủ Thụy Sĩ cấm các nước khác tái xuất khẩu vũ khí của nước này mà không có sự chấp thuận. Tuy nhiên, Rapier là một hệ thống vũ khí do Anh sản xuất, các quy định xuất khẩu sẽ hoàn toàn khác với các vũ khí do Thụy Sĩ sản xuất, do đó, việc chuyển chúng cho Ukraine hoàn toàn hợp pháp.
Năm 2006, Hội đồng Liên bang Thụy Sĩ quyết định rằng, vũ khí mà Bern mua của nước ngoài có thể được bán trở lại quốc gia xuất xứ của chúng.
Dù vậy, Bern không nhận được đề nghị như vậy từ London.
Chính phủ Thụy Sĩ đã quyết định loại bỏ các hệ thống Rapier vào năm 2019 nhưng không hỏi Vương quốc Anh liệu họ có quan tâm đến việc mua lại Rapier hay không.
Việc Thụy Sĩ chủ động chào bán các hệ thống quân sự đã loại biên không phải là điều thường gặp.
Trong khi đó, Anh cũng đã loại biên các hệ thống Rapier từ năm 2021, trước khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát. Sau đó, London bị chỉ trích vì đã loại bỏ các hệ thống vũ khí phòng không này. Một số người cho rằng London có thể chuyển hệ thống Rapier cho Ukraine.
Hệ thống tên lửa phòng không tầm ngắn Rapier được sử dụng nhằm bảo vệ quân đội trong khu vực tiến công khỏi máy bay của đối phương bay ở độ cao thấp.
Các nguyên mẫu của hệ thống Rapier được chế tạo vào năm 1967. Tổ hợp được bàn giao cho Lục quân Anh vào năm 1972 và Lực lượng Không quân Hoàng gia bắt đầu sử dụng từ 1974.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng công nghệ của hệ thống vũ khí này có từ cuối những năm 1970 và đã lỗi thời. Việc đào tạo cũng sẽ mất nhiều thời gian hơn so với các hệ thống hiện đại do việc điều khiển hệ thống tương đối phức tạp.
Hơn nữa, hệ thống Rapier cũng đòi hỏi bảo trì cực kỳ nghiêm ngặt và Vương quốc Anh có thể phải xử lý quá nhiều nếu không có sự trợ giúp của Thụy Sĩ.
Câu chuyện về Rapier thu hút sự chú ý đến một vấn đề quan trọng: Thụy Sĩ sẽ loại biên một số hệ thống vũ khí mua của nước ngoài trong những năm tới. Chẳng hạn, hơn 100 khẩu pháo M109 và 248 xe chiến đấu bộ binh M113 sẽ được Thụy Sĩ tháo dỡ. Cả hai hệ thống đều được sản xuất tại Mỹ và đang được sử dụng tại Ukraine.
Dù vậy, do chính sách trung lập, Thụy Sĩ sẽ không cung cấp những vũ khí đó cho Ukraine./.