Từ chối triệu đô, CEO 9X nuôi giấc mơ robot Việt
Từ chối nhiều lời mời chào bán công ty với giá hàng triệu USD, Đoàn Hồng Trung quyết dựng thương hiệu robot 'made in Việt Nam' cho riêng mình.
Chiến lược "giá cả phải chăng"
Một năm về trước, khi đang loay hoay tìm giải pháp thay thế việc nhặt lông yến thủ công để nâng cao năng suất lao động, chị Nguyễn Thị Trà My - chủ một xưởng sản xuất yến sào tại Khánh Hòa đã tìm đến robot Delta X S của Công ty Cổ phần Công nghệ IMWI.
Robot "made in Viet Nam" của Đoàn Hồng Trung tối ưu chi phí nhờ tự chủ hoàn toàn từ thiết kế, sản xuất cho tới bán hàng.
Với giá 7.000 USD, chị Trà My rất hài lòng khi sản phẩm này có thể thay thế được 3 công nhân làm việc cố định, không chỉ nâng cao năng suất lao động mà còn giúp giảm chi phí sản xuất.
CEO của IMWI - Đoàn Hồng Trung chia sẻ, giá cả phải chăng là chiến lược mà anh đang hướng đến với sản phẩm của mình.
Anh cũng tự tin khẳng định robot Delta công nghiệp mà IMWI sản xuất có giá cả hợp lý nhất so với các thương hiệu khác trên thế giới.
Dẫn chứng, sản phẩm tương đương thì robot Trung Quốc có giá tới 25.000 USD. Anh lý giải, nhờ doanh nghiệp tự chủ hoàn toàn từ khâu thiết kế, sản xuất cho tới bán hàng… nên kiểm soát được mọi chi phí.
Ngoài ra, đội ngũ Delta X cũng phát triển các phần mềm trí tuệ nhân tạo cho robot hoạt động và tùy chỉnh theo nhu cầu khách hàng.
Nhờ vậy, sản phẩm duy trì được độ cạnh tranh, thay vì phải đặt mua phần mềm từ bên ngoài với mức giá cộng thêm có thể lên tới 4.000 USD/robot.
Hồng Trung cho biết, công nghệ của anh đặc biệt nhất là firmware (chương trình máy tính điều khiển phần cứng) vì nó khắc phục được tất cả nhược điểm của các thành phần cơ khí và điện tử rẻ tiền.
Điều đó tạo ra lợi thế là chi phí robot của anh thấp, chỉ bằng 5-20% giá thành so với các sản phẩm trên thị trường nhưng hiệu năng đạt từ 60-80%.
Trên thế giới, robot Delta đã xuất hiện khoảng vài chục năm trước, nhưng nhược điểm là giá thành khá cao, không phải doanh nghiệp nào cũng đủ điều kiện trang bị.
Nắm bắt được khoảng trống này, CEO Đoàn Hồng Trung "lách" vào thị phần là các doanh nghiệp vừa và nhỏ để vươn lên cạnh tranh với đối thủ quốc tế.
Robot Delta là thuật ngữ chỉ loại robot gồm 3 cánh tay được nối với các khớp quay ở bệ cố định, thường sử dụng trong công việc gắp thả và đóng gói trong nhà máy vì chúng di chuyển rất nhanh.
Đến nay, sau 5 năm, Delta X đã cho ra đời 3 mẫu robot Delta "made in Vietnam". Delta X1 là mẫu đầu tiên, cũng là mẫu đơn giản nhất, phù hợp cho hoạt động học tập, nghiên cứu của sinh viên hoặc dùng trong các phòng thí nghiệm.
Mẫu thứ 2, Delta X2, được cải thiện so với mẫu 1, nên có thể sử dụng trong các dây chuyền sản xuất nhỏ.
Hiện đại nhất là mẫu robot công nghiệp Delta X S, với khả năng đảm nhiệm các công việc đòi hỏi tốc độ, độ chính xác cao.
Dòng sản phẩm này có thể được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực cụ thể như đóng gói thực phẩm, linh kiện điện tử, phân loại rác thải, phân loại nông sản dựa theo chất lượng, kích thước…
Giấc mơ "đứng trên vai người khổng lồ"
Thành lập từ năm 2019, đến năm 2021, doanh thu năm đạt 4,1 tỷ đồng với lợi nhuận gộp khoảng 3,2 tỷ, lợi nhuận ròng 1,5 tỷ, song CEO Đoàn Hồng Trung tiết lộ nếu vì tiền, anh có thể sớm thu về hàng triệu USD.
Anh kể, từ năm 2020, anh đã nhận được lời đề nghị mua lại start-up với giá 5 triệu USD của một công ty robot Hà Lan.
Mối hợp tác này có thể giúp anh thu về cả trăm tỷ đồng khi chưa đầy 30 tuổi. Nhưng vị CEO 9x này vẫn kiên quyết với giấc mơ robot "made in Viet Nam" của mình.
CEO của IMWI Đoàn Hồng Trung.
Năm 2022, Hồng Trung đến Shark Tank Việt Nam để kêu gọi đầu tư với hai phương án là 300.000 USD cho 5% cổ phần và 1,5 triệu USD cho 20% cổ phần.
Lý do gọi vốn 1,5 triệu USD, Hồng Trung cho biết anh muốn xây dựng nhà máy sản xuất và xây dựng một hệ sinh thái các cánh tay robot khác.
Tuy nhiên, quan điểm đặt nhà máy ở Đà Nẵng đã không nhận được sự đồng tình của các Shark.
Cuối cùng Shark Hùng Anh vì thích nghị lực, ý chí của startup đã xuống tay đầu tư 10 tỷ đồng, đổi lấy 35% cổ phần.
Tuy nhiên, cú bắt tay này cũng nhanh kết thúc khi hai bên không có tiếng nói chung về tối ưu hóa lợi nhuận và hiệu quả.
Thời điểm này, Hồng Trung cũng đã nhận được nhiều lời đề nghị xây nhà máy tại Mỹ, châu Âu, song anh đều từ chối vì muốn làm điều đó ở Việt Nam.
Ý chí đã quyết, đội ngũ Delta X vẫn chắt chiu từng đồng doanh thu, dần phát triển sản phẩm và mở rộng nhà xưởng.
Từ căn phòng trọ chật hẹp, họ đã xây dựng nhà xưởng riêng tại Đà Nẵng với diện tích 700m2.
Đến nay, các mẫu robot của thương hiệu Việt đã có mặt tại 45 quốc gia trên thế giới. Khách hàng chính là startup hoặc doanh nghiệp cung cấp hệ thống tự động hóa mua robot về để xây dựng hệ thống; hoặc là người dùng cuối muốn đưa giải pháp vào nhà máy.
Ngoài ra doanh nghiệp còn bán robot và các hệ thống phần cứng, phần mềm liên quan, ứng dụng cho doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực như đóng gói thực phẩm, linh kiện điện tử, phân loại rác, hạt điều, cà phê…
Nhờ có định hướng rõ ràng nên trong khi nhiều start-up đối diện với vấn đề tìm kiếm đơn hàng, thì ngược lại, ở Delta X, lượng đơn hàng đang vượt quá khả năng sản xuất.
Năm 2024 là năm Delta X cố gắng sản xuất hàng loạt với hàng nghìn sản phẩm để sẵn sàng chuyển hàng đi ngay khi có đơn, thay vì đợi khách hàng đặt cọc trước rồi mới sản xuất như hiện nay.
Không tiết lộ về mục tiêu lợi nhuận, CEO Đoàn Hồng Trung bày tỏ bao nhiêu lợi nhuận bán robot đều đem tái đầu tư hết, nên vốn lưu động gần như không đáng kể.
"Chúng tôi vẫn mong tìm kiếm nhà đầu tư phù hợp, còn nếu không, doanh nghiệp sẽ tự xoay vòng vốn, mở rộng dần dần, kiểu gì cũng đến đích", anh trải lòng về quan điểm nhất quán phải "đứng trên vai người không lồ" chứ không ngủ quên trên lưng họ.
Từng bị coi là ý tưởng khởi nghiệp điên rồ
Kể về quá trình khởi nghiệp, Trung cho biết từng theo học ngành tự động hóa ở Đại học Bách Khoa Đà Nẵng nhưng bỏ giữa chừng.
Từ năm nhất đại học, Trung đã xác định sẽ khởi nghiệp vào năm 3. Mỗi ngày dành 16 tiếng để học các kiến thức về cơ khí, điện tử, lập trình, ngoại ngữ, thiết kế đồ họa nên từ năm 2, Trung đã đi khắp các lớp để tìm kiếm người đồng hành.
Tuy nhiên, bạn bè cùng trang lứa không mấy ai quan tâm. Trung cũng nhanh chóng chuyển hướng tìm việc để kiếm tiền.
Thời điểm rộ lên của tiền ảo, Trung đã dùng thuật toán AI tự phát triển được để kiếm tiền triệu mỗi ngày.
Năm thứ 4, Trung có được hàng tỷ đồng, nhưng luôn cảm thấy không mang lại giá trị gì cho xã hội.
Vì thế, Trung dừng việc kiếm tiền và dùng số tiền kiếm được để hỗ trợ cho các bạn sinh viên khác học tập và nghiên cứu các dự án robot.
Sau 2 năm, IMWI ra đời với số vốn lưu động chỉ 70 triệu đồng và 4 thành viên, kinh doanh trong lĩnh vực robot và in 3D.
Trung cho biết, lúc bấy giờ người thân khuyên dừng lại, người không thân thì coi thường và cho rằng đó là ý tưởng "điên rồ".
Tuy nhiên, ra đời trong thời điểm Covid-19, mọi sự ưu tiên đều dành cho việc tránh tiếp xúc với con người, sản phẩm của Trung cũng nhờ đó tiếp cận được rất nhiều đối tác.
Hai năm đại dịch, có 98 khách hàng tiếp cận mua sản phẩm. IMWI chiều khách hàng chỉnh sửa theo nhu cầu và đưa ra mức giá phải chăng. Đây chính là "ngọn hải đăng" dẫn lối cho Trung thành công bước đầu khởi nghiệp.
Năm 2022 được coi là năm thành công với IMWI khi Cánh tay Robot là 1 trong 10 sản phẩm tiêu biểu nhất được Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lựa chọn trưng bày tại diễn đàn thanh niên khởi nghiệp quốc gia.
Từ đó, Delta X thêm khẳng định thương hiệu và nhiều đối tác nước ngoài cũng tìm đến từ đây.
Ý tưởng về Delta X không mới, tuy nhiên, theo đánh giá của Hiệp hội Cơ khí Việt Nam, chiến lược đã quyết định thành công của dòng robot "made in Viet Nam" này.