Từ chối triệu USD khi 23 tuổi, người đàn ông Nhật sắp trở thành tỷ phú
20 năm trước, Shunji Sugaya, khi đó mới 23 tuổi, đã từ chối đề nghị đầu tư triệu USD từ ông chủ SoftBank Masayoshi Son để tự khởi nghiệp riêng.
Ở tuổi 23, cậu sinh viên Shunji Sugaya đã có một quyết bước ngoặt thay đổi cả cuộc đời mình. Đó là vào tháng 3/2000, khi Sugaya vừa giành giải thưởng trong một cuộc thi về kinh doanh - trong đó Masayoshi Son, người sáng lập của công ty mà sau này trở thành SoftBank Corp., làm giám khảo.
Sau đó, Sugaya đã gửi email cho Son để cảm ơn, rồi hai người gặp và Son đề nghị mua lại ý tưởng của Sugaya với giá 2,8 triệu USD hoặc cho Sugaya gia nhập SoftBank và nhận quyền chọn cổ phiếu. Tuy nhiên, chàng thanh niên 23 tuổi đã từ chối đề nghị của tỷ phú Nhật Bản.
“Đề nghị đó tiếp thêm cho tôi niềm tin vô cùng lớn bởi khi đó tôi mới chỉ là sinh viên", Sugaya, hiện 43 tuổi, chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn. “Chúng tôi rất cảm kích đề nghị đó nhưng đã lịch sự từ chối để có thể tự mình phát triển ý tưởng".
Sau quyết định mang tính bước ngoặt đó, Sugaya thành lập công ty Optim Corp., chuyên cung cấp nền tảng quản trị doanh nghiệp sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ Internet vạn vật (IoT). Những nỗ lực của Sugaya và các cộng sự đã mang lại “trái ngọt”. Hiện nhà sáng lập này đang tiến gần hơn tới mốc tài sản tỷ USD.
Từ đầu năm đến nay, giá cổ phiếu của Optim đã tăng 66% kể cả khi thị trường chứng khoán sụt giảm bởi làm việc từ xa đã trở thành điều cấp thiết trong bối cảnh đại dịch bùng phát.
Theo tính toán của Bloomberg Billionaires Index, với khoảng 64% cổ phần công ty, tài sản của Sugaya hiện tăng lên khoảng 918 triệu USD.
Sugaya, hiện là chủ tịch của Optim, cho biết đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang làm việc trên các nền tảng số.
“Số hóa đã tăng trưởng với tốc độ thần kỳ trong 3 tháng qua, như một cơn lốc vậy", Sugaya nói.
Thời trung học, Sugaya từng viết game và bán cho bạn bè với giá vài trăm yen. Công ty Optim của ông, ra đời vào năm 2000, bắt đầu với việc cung cấp dịch vụ quảng cáo video trên Internet trước khi bước vào lĩnh vực AI và IoT khi hợp tác cùng hãng viễn thông khổng lồ Nippon Telegraph & Telephone Corp. để cung cấp dịch vụ kết nối Internet.
Optim cũng phát triển phần mềm để khách hàng có thể tự thiết lập kết nối của mình và sau đó phát triển các dịch vụ hỗ trợ từ xa. Từ đó đến nay, Optim phát triển mạnh các công nghệ điều khiển từ xa. Nền tảng quản lý Optimal Biz của công ty này được tích hợp trên nhiều thiết bị như di động thông minh, máy tính bảng, giúp các công ty kiểm soát và bảo vệ thiết bị di động của nhân viên với các chức năng như khóa từ xa, xóa sạch dữ liệu trên thiết bị trong trường hợp bị mất hoặc đánh cắp.
Theo Optim, sản phẩm của công ty hiện chiếm khoảng 40% thị trường quản lý thiết bị di động tại Nhật Bản.
“Đây là công nghệ có thể ứng dụng vào rất nhiều lĩnh vực", nhà phân tích Kaname Fujita tại Ichiyoshi Research Institute Inc., nhận định.
Optim cũng phát triển các công cụ hỗ trợ từ xa, cho phép chia sẻ màn hình với thiết bị ở những địa điểm khác nhau và điều hành từ xa.
Các công nghệ của Optim hiện được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như xây dựng, y tế, bán lẻ và tài chính. Các đối tác kinh doanh lớn của công ty này gồm có SoftBank, KDDI Corp., và Komatsu Ltd.. Optim cũng đã mở rộng ra khu vực Đông Nam Á, bắt đầu với Việt Nam và đang có kế hoạch lấn sân sang Bắc Mỹ và châu Âu. Năm ngoái, doanh thu của công ty là 62,3 triệu USD với lợi nhuận 1,1 triệu USD. Hiện Optim có giá trị vốn hóa khoảng 1,5 tỷ USD.
Theo chia sẻ của Sugaya, ông không thực sự quan tâm tới vấn đề tiền bạc. Hai thập kỷ sau khi từ chối đề nghị của Son, ông khẳng định nếu công ty tiếp tục sáng tạo những thứ mới mẻ, doanh thu và lợi nhuận sẽ theo đó tăng lên.
“Trong 20 năm tới, tôi muốn chúng tôi trở thành một công ty mà người ta sẽ chỉ vào và nói ‘Optim đã thay đổi mọi lĩnh vực với AI và IoT”, Sugaya chia sẻ.