Tự chủ công nghiệp quốc phòng, bài toán nhiều thách thức của châu Âu

Dù Hội nghị thượng đỉnh NATO kết thúc hôm 25/6 với cam kết chi 5% GDP cho quốc phòng, trong đó có một phần không nhỏ đầu tư cho hạ tầng công nghiệp vũ khí, châu Âu còn rất nhiều việc phải làm để đạt được mục tiêu tự chủ. Bởi, hiện tại, các nước EU đang và sẽ còn phụ thuộc rất lớn vào vũ khí cũng như công nghệ Mỹ.

Châu Âu vẫn phụ thuộc rất lớn vào vũ khí Mỹ

Tại phiên họp chính thức của các nguyên thủ quốc gia NATO ngày 25/6, các nhà lãnh đạo đã thông qua một tuyên bố của Hội nghị thượng đỉnh đặt ra một chuẩn mực mới cho đầu tư quốc phòng, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường sản xuất công nghiệp quốc phòng tại châu Âu.

Các nhà lãnh đạo tại Hội nghị thượng đỉnh NATO ở The Hague, Hà Lan.

Các nhà lãnh đạo tại Hội nghị thượng đỉnh NATO ở The Hague, Hà Lan.

Với “Kế hoạch đầu tư quốc phòng Hague” được nêu trong tuyên bố, các thành viên NATO tại châu Âu cam kết đầu tư 5% GDP vào quốc phòng - bao gồm 3,5% GDP cho các yêu cầu quốc phòng cốt lõi và 1,5% cho các khoản đầu tư liên quan đến quốc phòng và an ninh như cơ sở hạ tầng và công nghiệp. Những con số này đánh dấu một sự gia tăng lớn so với chuẩn mực trước đó là 2% GDP và là mức tăng chi tiêu quân sự lớn nhất trong nhiều thập kỷ của các nước Liên minh châu Âu (EU).

Tuy nhiên, mục tiêu tự chủ về trang bị quốc phòng của EU vẫn còn một quãng đường rất xa để có thể trở thành hiện thực, khi trên thực tế họ vẫn đang mua hàng nghìn vũ khí từ Mỹ mỗi năm và còn phụ thuộc rất nhiều vào đối tác bên kia Đại Tây Dương để duy trì hỏa lực hiện tại.

Trong thập kỷ qua, các thành viên NATO ở châu Âu ngày càng nhập khẩu nhiều vũ khí Mỹ, với giá trị các hợp đồng tăng mạnh từ năm 2014 và đặc biệt sau 2022. Theo phân tích của Viện Nghiên cứu hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), nơi chuyên theo dõi các hợp đồng mua bán vũ khí toàn cầu, giá trị xuất khẩu những sản phẩm quốc phòng của Mỹ tới châu Âu đã tăng 233% trong quãng thời gian 2020-2024 so với giai đoạn 5 năm trước đó. Lần đầu tiên sau 2 thập kỷ, châu Âu chiếm thị phần lớn nhất trong xuất khẩu vũ khí của Mỹ.

Theo phân tích dữ liệu của tờ Guardian (Anh), quân đội châu Âu vẫn chủ yếu dựa vào vũ khí và thiết bị do Mỹ sản xuất. Gần một nửa số máy bay chiến đấu đang hoạt động trên khắp các lực lượng không quân châu Âu có nguồn gốc từ Mỹ, trong khi hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ chứ không phải của EU vẫn được triển khai rộng rãi nhất trên các lục địa.

Những vũ khí tiên tiến nhất của quân đội các nước EU, chẳng hạn hệ thống tên lửa đánh chặn Patriot, vẫn do Mỹ cung cấp.

Những vũ khí tiên tiến nhất của quân đội các nước EU, chẳng hạn hệ thống tên lửa đánh chặn Patriot, vẫn do Mỹ cung cấp.

Vũ khí của Mỹ cũng chiếm vai trò nổi bật trong kho xe tăng, xe bọc thép và pháo binh được các quốc gia châu Âu triển khai. Trong 5 năm qua, các thành viên EU, Anh, Na Uy và Thụy Sĩ đã mua hơn 15.000 tên lửa, 2.400 xe bọc thép và 340 máy bay từ Mỹ - vượt xa số lượng khí tài mà các quốc gia châu Âu mua của nhau. Ngoại trừ có Pháp mua nhiều trang bị quốc phòng từ châu Âu hơn từ Mỹ, các cường quốc còn lại như Anh, Đức và Ý vẫn chủ yếu mua sắm vũ khí của Washington.

Nhưng, sự thống trị của Mỹ trong kho vũ khí các nước EU không chỉ dừng lại ở số lượng. Hầu hết các vũ khí tiên tiến nhất trong số này đều do Mỹ sản xuất, bao gồm các tiêm kích F-35 Lightning II, loại máy bay chiến đấu vừa được Anh đặt mua 12 chiếc vào tuần trước.

Ông Camille Grand, thành viên chính sách tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại của EU, cho biết: “Có nhiều lựa chọn thay thế của châu Âu, nhưng không có lựa chọn nào có thể cạnh tranh với F-35”. Các đối thủ cạnh tranh chính của loại máy bay này - Eurofighter Typhoon của liên doanh giữa Anh, Đức, Ý và Tây Ban Nha hay Rafale do Pháp sản xuất - chỉ đang hoạt động trong một số ít lực lượng không quân châu Âu.

Thay vào đó, ít nhất 38 chiếc F-35 đã được chuyển từ Mỹ đến châu Âu vào năm 2024, đến các quốc gia bao gồm Bỉ, Đan Mạch, Ý, Na Uy, Hà Lan, Ba Lan và Anh.

Cần nhiều nỗ lực chung để vượt qua thách thức

Theo các chuyên gia, việc phụ thuộc vào tiêm kích F-35 phản ánh vấn đề lớn hơn của châu Âu trong sản xuất vũ khí tiên tiến: thiếu nguồn lực chung, trái ngược với nguồn lực dồi dào mà quân đội Mỹ đang nhận được. Giáo sư Guntram Wolff, một thành viên cấp cao tại Viện Bruegel - một tổ chức nghiên cứu chính sách độc lập tại Brussels - cho biết: “Điều quan trọng là phải có chi phí rất lớn để phát triển các vũ khí này. F-35 là một chương trình cực kỳ tốn kém”.

Các thành viên châu Âu của NATO vẫn tiếp tục mua sắm vũ khí Mỹ, mới nhất là việc Anh mua tiêm kích F-35.

Các thành viên châu Âu của NATO vẫn tiếp tục mua sắm vũ khí Mỹ, mới nhất là việc Anh mua tiêm kích F-35.

“Nếu bạn muốn có loại máy bay chiến đấu này, bạn cần một khoản đầu tư ban đầu rất lớn. Và, đối với bất kỳ quốc gia châu Âu nào để làm được điều đó, thực sự khá khó khăn”, Giáo sư Wolff nói thêm. “Rốt cuộc, chúng ta đều là những quốc gia tương đối nhỏ so với Mỹ. Vì vậy, về mặt tài chính, đó sẽ là một gánh nặng rất lớn”.

Châu Âu cũng thiếu một số công nghệ quân sự hàng đầu, với mốc thời gian phát triển thường kéo dài hàng thập kỷ thay vì chỉ vài năm. Một báo cáo gần đây của Viện Bruegel nêu rõ: “Việc giảm sút hoặc thậm chí mất hoàn toàn lợi thế về công nghệ trong chiến tranh đang trở thành mối lo ngại ngày càng tăng của quân đội phương Tây và đặc biệt là đối với châu Âu”.

Những đánh giá từ Viện Bruegel cũng tương đồng với nhận định của các nước EU khi những quốc gia này nhất trí dành tới 5% GDP cho quốc phòng sau Hội nghị thượng đỉnh tại The Hague. Nhưng, theo Giáo sư Guntram Wolff, dù chi tiêu quốc phòng tăng mạnh, nỗ lực tái vũ trang của châu Âu có thể bị chững lại trừ phi quá trình hội nhập thị trường quốc phòng trên khắp lục địa diễn ra tích cực hơn.

“Đặt hàng chung cho các hệ thống vũ khí được lựa chọn với các nhà cung cấp hiệu quả nhất về mặt chi phí trong châu Âu sẽ giúp hạ giá thành”, ông Wolff chỉ ra giải pháp. “Các đơn đặt hàng tập thể lớn không chỉ giúp giảm chi phí đơn vị thông qua quy mô kinh tế mà còn kích thích cạnh tranh bằng cách mở rộng thị trường quốc gia, dẫn đến tiết kiệm hơn nữa”.

Châu Âu đặt mục tiêu sẽ tự chủ hơn về quốc phòng vào năm 2030.

Châu Âu đặt mục tiêu sẽ tự chủ hơn về quốc phòng vào năm 2030.

Ngoài việc mua sắm chung, Viện Bruegel cho rằng việc tập trung mạnh mẽ hơn vào đổi mới là điều cần thiết để đáp ứng các mục tiêu quốc phòng của châu Âu. “Việc lập kế hoạch vũ khí hiện phải chuyển hướng nhiều hơn sang các công nghệ mới đã được chứng minh là hiệu quả trong các cuộc chiến gần đây”, Giáo sư Wolff cho biết, đồng thời nhấn mạnh việc thành lập một cơ quan đổi mới sáng tạo của châu Âu, theo mô hình của DARPA (Mỹ), có thể giúp thu hẹp khoảng cách này. Mục đích là đảm bảo các công ty khởi nghiệp quốc phòng được tiếp cận bình đẳng với các hợp đồng như những công ty đã thành danh, giúp đưa các hệ thống quân sự tiên tiến vào hoạt động nhanh hơn.

Công nghiệp quốc phòng châu Âu cần chuyển hướng nhiều hơn sang công nghệ mới đã được chứng minh hiệu quả trong các cuộc chiến gần đây.

Công nghiệp quốc phòng châu Âu cần chuyển hướng nhiều hơn sang công nghệ mới đã được chứng minh hiệu quả trong các cuộc chiến gần đây.

Đồng thời, nguồn tài trợ cho nghiên cứu và phát triển quốc phòng của châu Âu phải tăng đáng kể. Hiện tại, các nước châu Âu đầu tư khoảng 15 tỷ USD mỗi năm, quá nhỏ với với 145 tỷ USD mà Mỹ chi ra. “Thực trạng này khiến châu Âu tụt hậu so với Mỹ, Trung Quốc và Nga trong các lĩnh vực như máy bay không người lái, hệ thống tên lửa và chiến tranh kỹ thuật số”, Giáo sư Wolff cảnh báo.

Về phần mình, EU đang đang nỗ lực khắc phục những điểm yếu về mặt cấu trúc trong hệ sinh thái công nghiệp quốc phòng của mình, nổi bật là “Sáng kiến ReArm Europe” mà trong đó có khoản tín dụng lên tới 150 tỷ euro do EU bảo lãnh để tài trợ cho hoạt động mua sắm vũ khí chung của các quốc gia thành viên trong phạm vi châu Âu. Theo đó, các quốc gia EU được khuyến khích mua khí tài chung từ các nhà cung cấp châu Âu và chỉ cho phép các nhà cung cấp ngoài EU (ví dụ Mỹ hoặc Anh) tham gia nếu chính phủ của họ ký các thỏa thuận về an ninh cung ứng với EU. Mục tiêu là giữ lại nhiều chi tiêu quốc phòng hơn trong phạm vi châu Âu, thúc đẩy ngành công nghiệp vũ khí của lục địa này.

Sáng kiến ReArm Europe thậm chí còn đưa ra khái niệm “Các dự án quốc phòng vì lợi ích chung của châu Âu”, tương tự như các dự án công nghiệp chung lớn, để phát triển các năng lực quan trọng như hệ thống phòng không với sự hỗ trợ của EU. Nếu được thực hiện, các biện pháp này có thể giảm sự trùng lặp lãng phí giữa quân đội 27 quốc gia và hướng những đồng euro mua sắm vào các chương trình mang tính phối hợp hơn.

Một thách thức công nghiệp khác là tài chính và đầu tư. Các công ty quốc phòng châu Âu - đặc biệt là các nhà thầu phụ nhỏ hơn - thường gặp khó khăn trong việc huy động vốn do các quy định nghiêm ngặt. Vì thế, EU đang giải quyết vấn đề này một cách trực diện. Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) sẽ tăng gấp đôi các khoản đầu tư liên quan đến quốc phòng lên 2 tỷ euro mỗi năm và nới lỏng các tiêu chí để hỗ trợ các dự án như máy bay không người lái, vũ khí không gian, an ninh mạng và cơ sở hạ tầng quân sự.

Ngoài ra, bằng cách nới lỏng các quy định giúp thúc đẩy huy động vốn từ khu vực tư nhân, EU hy vọng sẽ giải phóng các nguồn lực khổng lồ và thu hút hàng trăm tỷ euro đầu tư bổ sung mỗi năm vào các lĩnh vực quốc phòng. Nếu thành công, điều này sẽ trở thành chìa khóa để đạt được sự tăng tốc công nghiệp quốc phòng mà châu Âu đang hướng đến.

Nguyễn Khánh

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/tu-chu-cong-nghiep-quoc-phong-bai-toan-nhieu-thach-thuc-cua-chau-au-i773467/