Tự chủ đại học: Tăng học phí là không tránh khỏi!

'Khi Nhà nước không cấp chi thường xuyên nữa thì học phí cũng sẽ bù vào đó một phần, vì vậy, việc nâng học phí là không tránh khỏi. Tuy nhiên, tăng học phí phải có lộ trình và phù hợp với khả năng chi trả, tiếp cận của người học ở các vùng quê khác nhau'.

Đây là quan điểm của PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng ĐH Bách khoa tại tọa đàm “Tự chủ ĐH: Nâng cao chất lượng đào tạo", do Cổng thông tin điện tử Chính phủ vừa tổ chức.

Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT Nguyễn Thu Thủy cho hay, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (GDĐH) đã khẳng định quyền tự chủ ĐH là quyền của cơ sở GDĐH, được tự xác định mục tiêu, cách thức thực hiện và có trách nhiệm giải trình trên cơ sở pháp luật và năng lực cơ sở ĐH.

Nhằm giải quyết các nút thắt trong tự chủ ĐH, Luật đã quy định trao quyền tự chủ cho hội đồng trường. Hội đồng trường là đơn vị thực hiện quyền đại diện của chủ sở hữu và lợi ích các bên liên quan. Trên cơ sở đó, Bộ GD&ĐT đang phối hợp với các bên liên quan để chỉ đạo các cơ sở GDĐH kiện toàn hội đồng trường.

Các khách mời trao đổi tại tọa đàm. Ảnh: P.Thảo

Các khách mời trao đổi tại tọa đàm. Ảnh: P.Thảo

Nói về mức học phí của các trường sau tự chủ, PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng ĐH Bách khoa cho hay, luật khẳng định rõ việc quyết định học phí là quyền của các trường.

“Khi Nhà nước không cấp chi thường xuyên nữa thì học phí cũng sẽ bù vào đó một phần, vì vậy, việc nâng học phí là không tránh khỏi. Tuy nhiên, tăng học phí phải có lộ trình và phù hợp với khả năng chi trả, tiếp cận của người học ở các vùng quê khác nhau. Đối với hầu hết sinh viên, các em đều có khả năng lựa chọn các chương trình học khác nhau, bên cạnh đó còn có học bổng hỗ trợ”, ông Sơn nói.

Còn về phía trường ĐH Kinh tế quốc dân, PGS.TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, ĐH Kinh tế quốc dân là một trong những trường ĐH đầu tiên thực hiện cơ chế tự chủ từ một phần đến toàn phần như hiện nay. Học phí của trường cũng là một trong những trường thực hiện theo cơ chế đổi mới.

“Cho đến nay, chúng tôi vẫn thực hiện theo đúng tinh thần Nghị định 86/2015 của Chính phủ, mức học phí của nhà trường có một số điểm cần lưu ý như: Mức học phí công khai, minh bạch và công bố học phí cho toàn khóa; mức tăng không quá 10%/năm và thực tế hiện nay là khoảng 5%/năm”, ông Chương cho biết.

Theo PGS.TS Hoàng Minh Sơn, sinh viên khi học ở những trường danh tiếng thì cơ hội việc làm sẽ tốt và khả năng chi trả thực tế sau ĐH ở mức thấp hơn so với khu vực và thế giới, học phí các em đóng vào chưa phải là 100% chi phí đào tạo mà mới là một phần, một phần đầu tư vào cơ sở vật chất.

Theo bà Thủy, khi Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật GDĐH và sắp tới là Nghị định hướng dẫn luật có hiệu lực thì các cơ sở GDĐH công lập đáp ứng những quy định của khoản 2 điều 32 của Luật GDĐH đồng thời tự bảo đảm được kinh phí chi thường xuyên của mình thì được tự chủ xác định mức thu học phí.

“Tuy nhiên, việc xác định mức thu như vậy phải căn cứ vào định mức mức thu kỹ thuật theo lộ trình tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo. Ngoài ra, các trường cũng phải thực hiện chế độ về quản lý tài chính về kế toàn, kiểm toán, công khai minh bạch thông tin”, bà Thủy nói.

Cũng theo bà Thủy, trong thời gian tới, khi các trường tự xác định mức học phí, để hài hòa giữa nhà trường và sinh viên đồng thời không gây sức ép quá lớn về tài chính cho các trường thì Nhà nước cần sớm ban hành quy định về định mức kinh tế kỹ thuật theo lộ trình tính đúng tính đủ chi phí giáo dục đào tạo làm căn cứ để các trường ra được quyết định đồng thời các cơ quan quản lý Nhà nước và xã hội có căn cứ để giám sát việc thực hiện của các trường về vấn đề này.

Nói về tình trạng nhiều trường ĐH ồ ạt mở các ngành như kế toán, quản trị kinh doanh, ngoại ngữ, văn phòng… dẫn tới sự bão hòa, nhiều sinh viên ra trường không có việc làm, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cho rằng, quy định của Nhà nước là để kiểm soát quy trình để khi mỗi một trường mở ra thêm ngành đào tạo phải bảo đảm chất lượng. Mỗi trường phải thấy được trách nhiệm ở đây rất cao trong việc phục vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

PGS.TS Phạm Hồng Chương lại cho rằng, vấn đề không phải là ngành đào tạo, mà vấn đề cơ bản là chất lượng đào tạo.

“Đến thời điểm này tôi vẫn khẳng định, chúng ta thiếu những chuyên gia giỏi, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao được đào tạo tốt, bài bản. Thừa những nhân lực không đủ khả năng hoặc là được đào tạo nhưng thực chất không đủ kiến thức, kỹ năng để đảm nhận công việc trong bối cảnh kinh doanh hiện nay.

Đối với trường ĐH Kinh tế quốc dân, đến thời điểm này, những ngành đào tạo truyền thống như kế toán, kiểm toán, quản trị kinh doanh có khoảng 98% sinh viên sau khi tốt nghiệp có việc làm ngay”, ông Chương khẳng định.

PGS.TS Hoàng Minh Sơn cho rằng, mỗi trường cần phải có tầm nhìn, chiến lược riêng. Nếu một trường nào đó mở một ngành mà trường nào cũng mở được, chất lượng không hơn những trường khác, rõ ràng sẽ bị cạnh tranh rất lớn và không thể phát triển.

“ĐH Bách khoa của chúng tôi xác định rất rõ, thế mạnh của trường là gì, phân khúc thị trường ra sao. Sinh viên các ngành kỹ thuật của Bách khoa có thể nói là giỏi nhất toàn quốc hiện nay. Những ngành nghề đào tạo chúng tôi tập trung lấy kỹ thuật công nghệ làm nòng cốt. Chúng tôi chọn phân khúc, những ngành nghề xoay quanh kỹ thuật và công nghệ, mang tính liên ngành trong trường và là phân khúc chất lượng cao”, PGS.TS Hoàng Minh Sơn nói.

Phương Thảo

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/tu-chu-dai-hoc-tang-hoc-phi-la-khong-tranh-khoi-162038.html