Tự chủ đại học: Tín hiệu khả quan, lo toan chồng chéo
Tổng thu của các trường tự chủ đa phần tăng lên, tổng thu ngoài ngân sách nhà nước cấp chi thường xuyên cũng tăng thêm, thu nhập bình quân của giảng viên và cán bộ quản lý tăng mạnh… là những kết quả khả quan của việc thực hiện tự chủ đại học đã đạt được.
Thu nhập của giảng viên và cán bộ quản lý tăng mạnh
Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo về kết quả thực hiện tự chủ đại học từ cuối năm 2014 (thời điểm bắt đầu triển khai thí điểm mới cơ chế hoạt động của 23 cơ sở giáo dục đại học theo Nghị quyết số 77/NQ-CP, từ năm 2018 thực hiện theo Luật Giáo dục đại học sửa đổi) đến nay, việc thực hiện tự chủ của các trường Đại học đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ, mang lại nhiều chuyển biến tích cực cả về nhận thức lẫn công tác tổ chức thực hiện.
Đánh giá chung về nâng cao năng lực tài chính của các trường tự chủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết từ 2018 - 2021 tổng thu của các trường này đa phần tăng lên, tổng thu ngoài ngân sách nhà nước cấp chi thường xuyên cũng tăng thêm. Đặc biệt, thu nhập bình quân của giảng viên và cán bộ quản lý tăng mạnh: 20,8% với giảng viên và 18,7% với cán bộ quản lý. Đối với 23 trường tự chủ theo Nghị quyết số 77/NQ - CP, trong giai đoạn 2018 - 2021, thu nhập giảng viên tăng trung bình 26,1%; thu nhập cán bộ quản lý tăng trung bình 24,5%.
Nếu năm 2018, tỷ lệ giảng viên thu nhập dưới 100 triệu/năm chiếm 26,2% thì năm 2021 chỉ còn 12,7%; năm 2018 tỷ lệ giảng viên thu nhập dưới 150 triệu/năm là 57,5% thì năm 2021 con số này giảm xuống còn 46,3%/ năm. Trong khi đó, sau 3 năm tự chủ (2018 - 2021), giảng viên có thu nhập trên 200 triệu/năm tăng từ 19,4% lên 31,34%; thu nhập trên 300 triệu trở lên tăng từ 0,75% lên 5,97%.
Hiện cả nước có 5 trường đại học có doanh thu cao nhất (trên 1.000 tỷ đồng năm) trong đó có 2 đơn vị là trường công lập tự chủ từ sớm là Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và Trường Đại học Kinh tế Tp. Hồ Chí Minh. Ba trường còn lại đều là trường tư thục.
Nếu tính top 10 trường có tổng thu cao nhất (trong số những trường được khảo sát) thì có tới 5 trường đại học tự chủ từ sớm, 4 trường tư thục và 1 trường mới được tự chủ. Nếu tính danh sách 30 trường có tổng thu cao nhất năm 2021 thì có 14 trường trong danh sách các trường thí điểm tự chủ theo Nghị quyết số 77.
Cũng theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, đến nay đã có 32,76% trường đại học tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư. Tỷ lệ các trường hiện đang được ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên và chưa có kế hoạch khác là rất thấp (chiếm 3,45%).
Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá, việc triển khai tự chủ đại học còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Đó là sự thiếu đồng bộ giữa các Luật, hạn chế về phương thức quản lý của cơ quan cấp trên; nguồn kinh phí hạn hẹp, ngân sách cấp chưa tương xứng với chủ trương của Đảng và Nhà nước về ưu tiên đầu tư cho giáo dục, hạn chế về chính sách tự chủ về quản lý tài sản công, quản lý đầu tư công và khai thác, sử dụng các nguồn thu ngoài ngân sách nhà nước.
Bên cạnh đó, còn có những vướng mắc về hành lang pháp lý, khó khăn cho việc triển khai khoa học công nghệ tại đơn vị cũng như sự lạc hậu, chưa đáp ứng yêu cầu của cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu. Hạn chế trong hoạt động liên kết đào tạo với nước ngoài, hạn chế về phân cấp, phân quyền và thực hiện quy chế dân chủ của các trường. Đặc biệt là hạn chế về nhận thức, từ nhận thức vai trò, vị trí, quyền hạn, trách nhiệm của hội đồng trường đến nhận thức và năng lực của cán bộ.
“Chờ” Luật khác
GS.TS Phạm Hồng Quang, Chủ tịch Hội đồng Đại học Thái Nguyên chia sẻ, tự chủ đại học không chỉ thực hiện theo Luật Giáo dục đại học (sửa đổi) mà còn chịu sự chi phối của các luật khác như Luật Tài sản công, Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Công chức - Viên chức… song nhiều điểm chưa đồng bộ, khó để phát triển. Do đó, trong một số vấn đề, muốn thực hiện Luật Giáo dục đại học phải “chờ” nhiều Luật khác và quy định của Nhà nước.
Ông Quang cũng cho rằng, cần thống nhất khái niệm về tự chủ đại học. Bởi tự chủ không cẩn thận sẽ hiểu là tự trị, tự o bế, tự xây lên một hàng rào để tự trị. Nhưng tự chủ cũng không phải là tự túc, tự lo. Nhà nước vẫn cần đầu tư ngân sách, vẫn phải hỗ trợ trường tư dưới dạng hỗ trợ thuế, đất; hỗ trợ trường công dạng đầu tư ban đầu. Nhiều nước trên thế giới như Anh, Mỹ, Úc… có nguồn thu rất lớn nhưng Chính phủ các nước này vẫn hỗ trợ các trường vì nó mang lại lợi ích công, mang lại nguồn nhân lực chất lượng cao có lợi cho quốc gia.
Bên cạnh đó, theo ông Quang, từ kinh nghiệm của hoạt động Hội đồng nhân dân các cấp và hội đồng quản trị doanh nghiệp, mỗi trường đại học cần thiết chế hệ thống chuyên nghiệp trong xây dựng hệ thống pháp chế cho nhà trường; kịp thời điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn và quy định của pháp luật. Do đó, trong lộ trình tự chủ, cũng cần một độ “trễ” khi được cơ quan chủ quản kiểm tra, kiểm toán, thanh tra các hoạt động của nhà trường, để các trường có thêm sự tự tin, tạo động lực mạnh mẽ hơn trong quá trình tự chủ.
GS.TS Trần Đức Viên, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho hay, Luật Giáo dục đại học điều chỉnh hoạt động của các trường đại học, song hoạt động giáo dục đại học còn chịu sự điều chỉnh trực tiếp của nhiều đạo luật chuyên ngành khác như Luật Viên chức, Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Đấu thầu, Luật Ngân sách, dẫn đến nhiều chống chéo. Cụ thể, Luật Quản lý tài sản công không đồng bộ với Luật Giáo dục đại học cho phép cơ sở giáo dục được sử dụng nguồn thu hợp pháp ngoài ngân sách. Luật Ngân sách không đồng bộ với việc hội đồng trường được phê duyệt kế hoạch, quyết toán tài chính.
Cùng với đó, các công cụ chính sách cho việc thực hiện các nội dung tự chủ còn nhiều hạn chế. Chẳng hạn, về tự chủ tổ chức, hiện nhà trường chưa được tự chủ trong lựa chọn, bổ nhiệm và bãi nhiệm người đứng đầu.
Ngoài ra, việc giao quyền tự chủ đối với cơ sở giáo dục đại học thời gian qua mới chỉ thực hiện thí điểm, giao từ trên xuống, hầu như chưa trở thành nhu cầu nội tại của các cơ sở đào tạo; điều kiện tự chủ mới chủ yếu tiếp cận từ góc độ tổ chức nhân sự, tài chính và tài sản, hầu như chưa tính đến việc tự chủ về chuyên môn và học thuật.
PGS.TS Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường đại học Ngoại thương cho rằng, các cơ quan quản lý nhà nước cần xây dựng các chính sách, văn bản pháp luật mới có tính chất dẫn dắt quá trình tự chủ đại học. Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên triển khai nghiên cứu quy mô, khảo sát và đánh giá toàn diện quá trình thực hiện và kết quả thí điểm tự chủ đại học tại Việt Nam trong thời gian qua, từ đó có giải pháp định hướng.
Ông Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học FPT kiến nghị, nên có quy định kịp thời về tự chủ của các trường đại học trong thu hút vốn đầu tư, trong đó có việc vay, bảo lãnh, trả nợ của trường công. Ngoài ra, phải mở rộng cơ chế tín dụng sinh viên, lấy tương lai đầu tư cho hiện tại. Đồng thời, gỡ bỏ các quy định bất cập về hành lang cho việc tự chủ, mở rộng quyền tự chủ giáo dục đại học liên quan đến sử dụng giảng viên, cán bộ nghiên cứu là người nước ngoài và việc công nhận văn bằng do đại học nước ngoài cấp.