Tự chủ đại học – từ chính sách đến thực tiễn
Sáng nay (27-11), Hội thảo giáo dục 2020 với chủ đề 'Tự chủ đại học – từ chính sách đến thực tiễn' chính thức được khai mạc tại Nhà Quốc hội. Hội thảo do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội phối hợp với Bộ GD&ĐT và một số cơ sở giáo dục đại học tổ chức.
Tới tham dự Hội thảo có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, các đồng chí thuộc Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, cùng 250 đại biểu chính thức, gồm đại diện các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội đang công tác trong lĩnh vực giáo dục đại học; đại diện các Bộ, ngành Trung ương; các tổ chức quốc tế; các nhà quản lý cơ sở giáo dục đại học; các chuyên gia, nhà khoa học...
Nội dung tự chủ Đại học ngày càng được mở rộng
Từ góc nhìn của cơ quan lập pháp, giám sát, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng: Ở góc độ quy định, nội dung tự chủ đại học đã dần được mở rộng.
Năm 2012 Luật GD ĐH được Quốc hội thông qua. Luật đã quy định về nguyên tắc thực hiện quyền tự chủ đại học; đồng thời, thúc đẩy thực hiện tự chủ đại học thông qua các quy định chi tiết về hoạt động chuyên môn, tổ chức, nhân sự và tài chính, tài sản tại các điều khoản có liên quan khác với mục tiêu là hoàn thiện công tác quản lý nhà nước và quản trị cơ sở GDĐH theo hướng phát huy quyền tự chủ đại học.
Tuy nhiên, thực tế triển khai tự chủ đại học còn nhiều vướng mắc, hạn chế, đặc biệt là đối với cơ sở GDĐH công lập do nội hàm khái niệm tự chủ cũng như cơ chế thực hiện theo quy định của Luật còn chưa được chi tiết hóa; đồng thời, các quy định của hệ thống pháp luật liên quan đến nội dung tự chủ còn chưa được đồng bộ, thống nhất nên đã tạo thành những rào cản đối với việc triển khai tự chủ đại học trong thực tiễn.
Năm 2014, Chính phủ đã ban hành Chính phủ ban hành Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24-10-2014 về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở GDĐH công lập giai đoạn 2014-2017 để tạo cơ chế, hành lang pháp lý thuận lợi hơn giúp các cơ sở GDĐH thoát khỏi những ràng buộc, rào cản hiện hữu nhằm khuyến khích các cơ sở GDĐH chủ động khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn lực vì mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo.
Cơ chế tự chủ ngày càng được cụ thể hóa. Năm 2018, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH (Luật số 34/2018/QH14) với nội dung cốt lõi là mở rộng và nâng cao hiệu quả thực hiện tự chủ đại học. Luật đã cụ thể hóa nội hàm khái niệm cũng như cơ chế, phương thức tổ chức triển khai nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện. Luật quy định tự chủ trên các mặt về chuyên môn, học thuật; tổ chức, nhân sự và tài chính; xác định trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục đại học. Đặc biệt vai trò của thiết chế Hội đồng trường được cụ thể và nâng cao trong tổ chức quản trị hoạt động của cơ sở GDĐH.
Những bất cập vẫn còn tồn tại
Tuy vậy, hành lang pháp lý cho hoạt động tự chủ đại học vẫn còn có những bất cập, thiếu đồng bộ. Bên cạnh Luật giáo dục đại học, hoạt động của cơ sở giáo dục đại học còn chịu sự điều chỉnh trực tiếp của nhiều đạo luật chuyên ngành khác như Luật Viên chức, Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách,… với nhiều quy định mang tính ràng buộc, cần phải tiếp tục sửa đổi để tạo sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật, phù hợp với tinh thần tự chủ đại học.
Thứ nhất: Quan niệm, tư duy về tự chủ đại học còn chưa có sự thống nhất. Mặc dầu đã có chuyển biến trong nhận thức về vai trò của tự chủ đại học. Tuy nhiên quan điểm về tự chủ đại học vẫn còn chưa thống nhất. Nhiều cơ sở giáo dục đại học cho rằng tự chủ đại học là bản chất, là thuộc tính và là quyền đương nhiên mà cơ sở giáo dục đại học phải được hưởng, theo đó, nhà trường cần phải được tự chủ hoàn toàn trong việc quyết định sự vận hành của đơn vị và cần xóa bỏ hoàn toàn cơ chế chủ quản đối với các trường đại học.
Ngược lại, cũng không ít đơn vị thấy rằng tự chủ không có nghĩa là thoát khỏi chủ sở hữu, theo đó, tự chủ không phải là xóa bỏ “chủ quản”, buông lỏng quản lý mà quan trọng là thay đổi hình thức quản lý, thay đổi cách thực thi quyền sở hữu của cơ quan nhà nước thông qua đại diện chủ sở hữu là thiết chế Hội đồng trường cũng như tăng cường sự minh bạch thông qua chế độ báo cáo, thanhtra cũng như chịu sự giám sát của xã hội.
Thứ hai: Cơ chế thực hiện tự chủ còn nhiều bất cập như: Hệ thống pháp luật điều chỉnh hoạt động liên quan đến các nội dung tự chủ của cơ sở giáo dục đại học còn thiếu đồng bộ, chưa phù hợp với vận hành của nhà trường theo hướng tự chủ. Chưa rà soát các luật liên quan đến tự chủ đại học, tác động đến các cơ sở giáo dục đại học.
Công tác chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn thực hiện và quản lý của cơ quan thẩm quyền còn chưa theo kịp yêu cầu mới của thực hiện tự chủ. Các nghị định và văn bản hướng dẫn luật ban hành chậm và vẫn còn thiếu đồng bộ.
Việc quản lý hệ thống vẫn còn chồng chéo giữa các cơ quan, đơn vị chủ sở hữu nhà trường; sự phối hợp trong quản lý vẫn mang tính hình thức do chưa có sự rõ ràng về trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, cơ quan chủ sở hữu.
Cơ chế cho việc thực hiện các nội dung tự chủ còn nhiều hạn chế như về chuyên môn học thuật, về cơ chế tài chính đại học, về công tác tổ chức và nhân sự còn vướng mắc…
Thứ ba: Năng lực thực hiện tự chủ của đa số cơ sở giáo dục đại học còn yếu. Nhận thức về vai trò, chức năng của Hội đồng trường trong hoạt động quản trị cơ sở giáo dục đại học còn chưa được đề cao; thiết chế Hội đồng trường của nhiều cơ sở giáo dục đại học vẫn còn mang nặng tính hình thức, không hiệu quả vì chưa có sự phân chia mạch lạc, rõ ràng vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng trong quan hệ bên ngoài qua thể chế hóa cơ chế phối hợp công tác giữa thiết chế này với cơ quan quản lý trực tiếp, các cơ quan chủ quản; cũng như bên trong cơ sở giáo dục đại học: trong quan hệ giữa Hội đồng trường với Hiệu trưởng và các tổ chức đoàn thể, chính trị khác trong nhà trường.
Thứ tư: Trách nhiệm giải trình, một nội dung quan trọng của tự chủ đại học chưa được thật sự quan tâm từ quản lý nhà nước đến cơ sở giáo dục đại học.
Vì thế, Hội thảo là diễn đàn để cùng trao đổi, thảo luận về thực trạng triển khai tự chủ GD ĐH, nhất là từ sau khi Luật GDĐH (sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2018) có hiệu lực thi hành.
Trên cơ sở đó, đề xuất những ý tưởng, giải pháp nhằm nâng cao nhận thức về tự chủ trong GDĐH; đồng thời, tháo gỡ những vướng mắc, bất cập về cơ chế, chính sách và việc thực thi chính sách, tạo sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật nhằm bảo đảm và nâng cao hiệu quả tự chủ trong GDDH; phát huy tính sáng tạo của các cơ sở GDĐH, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.
Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/tu-chu-dai-hoc-tu-chinh-sach-den-thuc-tien-218794.html