Tự chủ trả lương: Nếu doanh thu, quỹ lương giữ nguyên thì có GV bị giảm thu nhập
Thực hiện tự chủ tiền lương, với thu nhập của người giảm nhiều, nếu có nhu cầu sẽ được tạo điều kiện để học nâng cao trình độ hoặc thay đổi vị trí công tác.
Từ ngày 1/7/2024 thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp
Theo Nghị quyết 27-NQ/TW, chính sách cải cách tiền lương sẽ điều chỉnh, thay đổi cơ cấu tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang; người lao động trong doanh nghiệp.
Theo Khoản b, Điều 12 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, quy định kể từ thời điểm chế độ tiền lương do Chính phủ quy định theo Nghị quyết số 27-NQ/TW có hiệu lực thi hành, đơn vị tự chủ nhóm 1, nhóm 2 được thực hiện cơ chế tự chủ tiền lương theo kết quả hoạt động như doanh nghiệp; quyết định mức lương chi trả cho viên chức, người lao động; chi tiền công theo hợp đồng vụ việc (nếu có).
Việc chi trả tiền lương cho người lao động trong đơn vị được thực hiện theo nguyên tắc gắn với số lượng, chất lượng và hiệu quả công tác theo quy định của pháp luật và quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị.
Trường tiết kiệm được thì giảng viên sẽ có thu nhập tăng thêm nhiều
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Chương – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông vận tải cho biết, về tài chính, hiện nhà trường đang thực hiện tự đảm bảo một phần chi thường xuyên (là đơn vị nhóm 3 theo phân loại mức tự chủ tài chính). Theo lộ trình đến năm 2025, nhà trường đang phấn đấu để tự đảm bảo chi thường xuyên (là đơn vị nhóm 2).
Ảnh minh họa: website Trường Đại học Giao thông vận tải
Để thực hiện được cơ chế tự chủ tiền lương theo kết quả hoạt động như doanh nghiệp, nhà trường “liệu cơm gắp mắm”. Bởi, cơ chế tự chủ tiền lương có đạt hiệu quả hay không cũng phụ thuộc nhiều vào học phí của cơ sở giáo dục như thế nào.
Thêm nữa, muốn thực hiện cơ chế tự chủ tiền lương, với quy chế chi tiêu nội bộ, nhà trường sẽ phải điều chỉnh mức thu nhập tăng thêm cho cán bộ giảng viên.
Chưa kể, việc tự chủ tiền lương có giữ chân được những giảng viên giỏi và tuyển dụng giảng viên mới hay không còn liên quan đến cơ chế cạnh tranh. Ví dụ như có trường trả lương cho giảng viên 1 đồng, trường khác lại trả lương 2 đồng,…
Cũng theo Phó Giáo sư Nguyễn Thanh Chương, đối với nhà trường, việc thực hiện tự chủ tiền lương cơ bản vẫn sẽ đảm bảo đầy đủ cho giảng viên nhưng để chủ động hơn trong thu hút người giỏi về thì không dễ thực hiện. Một vài năm gần đây, nhà trường xây dựng và thực hiện phương án trả lương theo năng suất lao động, tuy nhiên, mức chi này vẫn chưa được cao.
Tiền lương giảng viên có 2 phần, trong đó phần 1 là lương cơ bản (theo bảng lương), phần 2 là thu nhập tăng thêm. Nếu nhà trường tiết kiệm được thì có thu nhập tăng thêm nhiều cho người lao động, còn không, việc chi thu nhập tăng thêm cho giảng viên sẽ chưa cao.
Theo tìm hiểu của phóng viên, sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 77/NQ-CP ngày 24/10/2014 về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014-2017, Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã xây dựng Đề án thí điểm tự chủ và năm 2015 Chính phủ đã ban hành quyết định phê duyệt Đề án thí điểm tự chủ toàn diện cho trường.
Chia sẻ về cơ chế trả lương, Tiến sĩ Vũ Anh Đức - Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Tôn Đức Thắng cho biết, việc tự chủ trả lương theo chất lượng công việc và vị trí việc làm được trường thực hiện từ giai đoạn thí điểm tự chủ. Đến nay, nhà trường ghi nhận không có khó khăn nào.
Tới đây, để thực hiện đúng cơ chế tự chủ tiền lương dựa vào kết quả hoạt động như doanh nghiệp theo quy định tại Khoản b, Điều 12 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP, hiện nhà trường đã giao cho bộ phận hành chính nghiên cứu và đề xuất tham mưu với hội đồng trường các phương án liên quan đến tự chủ trả lương khi chế độ tiền lương do Chính phủ quy định theo Nghị quyết số 27 có hiệu lực thi hành (từ ngày 1/7/2024).
Với quy chế chi tiêu, tài chính, hiện trường cũng đang tiếp tục nghiên cứu để điều chỉnh quy chế chi tiêu nội bộ (nếu có), đảm bảo sao cho phù hợp với tinh thần quy định về thực hiện cơ chế tự chủ tiền lương theo kết quả hoạt động như doanh nghiệp.
Nếu doanh thu, quỹ lương không đổi, với cách tính lương mới sẽ có người tăng, giảm thu nhập
Chia sẻ kinh nghiệm khi là một trong các cơ sở giáo dục đại học đã thực hiện tự chủ tiền lương, trao đổi với phóng viên, Giáo sư, Tiến sĩ Từ Minh Phương - Chủ tịch Hội đồng Học viện của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông chia sẻ, trong giai đoạn thực hiện thí điểm tự chủ, học viện đã áp dụng cơ chế tự chủ tiền lương theo vị trí việc làm và hiệu quả công việc – tương tự như theo kết quả hoạt động như doanh nghiệp và ngày càng hoàn thiện hơn.
Nguồn ảnh: website Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông
“Ưu điểm lớn nhất khi Học viện thực hiện cơ chế tự chủ tiền lương theo kết quả hoạt động như doanh nghiệp là cán bộ, giảng viên sẽ tự giác ý thức trách nhiệm, cố gắng tự nâng cao trình độ để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”, Giáo sư Phương chia sẻ.
Bên cạnh đó, việc trả lương theo vị trí việc làm, hiệu suất công việc cũng giúp cải thiện tổng quỹ lương, giảm số lượng người làm việc, thu nhập/người tăng lên. Hơn nữa, với cơ chế tự chủ tiền lương, các trường sẽ tuyển dụng được người giỏi, giữ chân, thu hút người vừa trẻ và vừa tài giỏi về trường với thu nhập cao chứ không phụ thuộc vào thâm niên công tác.
Theo Chủ tịch Hội đồng Học viện của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, với các cơ sở giáo dục đại học là đơn vị tự chủ nhóm 1, nhóm 2, muốn thực hiện cơ chế tự chủ tiền lương, quy chế chi tiêu nội bộ, chế độ làm việc và quy chế trả lương sẽ phải thay đổi từ hệ thống kế toán cho đến tư tưởng, thói quen của cán bộ, giảng viên sao cho hợp lý với cách tính lương mới, phù hợp với tinh thần của Nghị quyết 27 và quy định ở Nghị định 60. Còn đối với Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, quy chế chi tiêu nội bộ sẽ không có thay đổi nhiều vì thực hiện tự chủ tiền lương đã được học viện áp dụng trong nhiều năm trở lại đây.
“Nếu tổng quỹ lương và số người hưởng lương không thay đổi thì hiển nhiên là thu nhập trung bình của cán bộ, giảng viên trong trường vẫn giữ nguyên. Tuy nhiên, việc trả lương theo vị trí việc làm và hiệu suất công việc sẽ dẫn tới một số người có thu nhập tăng lên và một số người thu nhập giảm đi. Người có mức thu nhập tăng lên sẽ là những người có năng lực hoàn thành tốt công việc.
Sau một thời gian thực hiện, cách trả lương theo hiệu quả hoạt động như doanh nghiệp sẽ đem lại hiệu quả vì mọi người có động lực để thực hiện tốt hơn công việc được giao. Từ đó dẫn tới tăng doanh thu và quỹ lương cho trường, số người cần thiết để thực hiện cùng một khối lượng công việc như trước đây sẽ giảm đi”
_Giáo sư Từ Minh Phương_
Chia sẻ kinh nghiệm thực hiện thuận lợi cơ chế tự chủ tiền lương, Giáo sư Phương cho rằng, các trường cần phải làm tốt công tác tư tưởng, phân tích cho cán bộ, giảng viên hiểu rõ cơ chế tự chủ tiền lương, trả lương theo vị trí việc làm và kết quả công việc.
“Trước khi áp dụng cơ chế tự chủ tiền lương, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cũng phải tổ chức các hội thảo để trao đổi, phân tích, tính toán thử tiền lương sau thay đổi sẽ như thế nào. Những người có thu nhập giảm nhiều, nếu có nhu cầu sẽ được tạo điều kiện để học tập nâng cao trình độ hoặc thay đổi vị trí công tác.
Như đã nói ở trên, không phải khi áp dụng tự chủ tiền lương thì thu nhập của tất cả cán bộ giảng viên đều tăng lên ngay. Nếu doanh thu, quỹ lương không thay đổi, theo cách tính lương mới sẽ có người tăng, người giảm thu nhập, dẫn đến khó khăn cho người bị giảm", Giáo sư Phương chia sẻ.
Do vậy, để đảm bảo tốt nhất khi tự chủ tiền lương, theo Giáo sư Phương, các cơ sở giáo dục đại học nên có lộ trình chuẩn bị tăng doanh thu, quỹ lương để khi thực hiện cơ chế tự chủ tiền lương không có giảng viên nào giảm thu nhập mà chỉ có người thu nhập tăng nhiều, hoặc tăng ít.