Từ Chùa Cầu nghĩ đến bảo tồn di sản

PGS.TS.KTS. Nguyên Hạnh Nguyên (Đại học Nguyễn Tất Thành) cho rằng bảo tồn hồn nơi chốn quan trọng hơn tính vật lý của một công trình di sản văn hóa.

Câu chuyện trùng tu Chùa Cầu (Hội An) dù sao, theo PGS.TS.KTS. Nguyên Hạnh Nguyên (Đại học Nguyễn Tất Thành), là một tín hiệu đáng mừng vì cho thấy cộng đồng không hề thờ ơ với di sản.

PGS.TS.KTS. Nguyên Hạnh Nguyên (Đại học Nguyễn Tất Thành)

PGS.TS.KTS. Nguyên Hạnh Nguyên (Đại học Nguyễn Tất Thành)

Trao đổi với chúng tôi bằng trách nhiệm và thái độ cẩn trọng trong bảo tồn, bà nói: “Nhìn theo hướng tích cực, những ý kiến trái chiều là cơ hội để mọi người tìm hiểu thêm về công tác trùng tu, nâng cao nhận thức về bảo tồn di sản để dần đi đến đích chung là cộng đồng chung tay bảo lưu giá trị văn hóa bản địa. Với một công trình nằm trong quần thể di tích đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận, Chùa Cầu đương nhiên được nhiều người kỳ vọng đi kèm lo lắng, tổng thể phố cổ Hội An có thể sẽ mất đi linh hồn, mất đi nét bản địa’’.

Trùng tu rất khác với công tác sửa chữa

Đã có nhiều ý kiến đưa ra, nhưng với tinh thần đa chiều cho một vấn đề, chúng tôi muốn biết quan điểm của PGS.TS.KTS. Nguyên Hạnh Nguyên với tư cách nhà nghiên cứu chuyên sâu về bảo vệ di sản?

- PGS.TS.KTS. Nguyên Hạnh Nguyên: Trên quan điểm gìn giữ bản sắc văn hóa, chứ không chỉ là duy trì các công trình được bao nhiêu năm, trước tiên di tích phải bảo đảm tính bản địa, tính riêng, độc đáo của địa phương. Hội An mang trong mình câu chuyện cấu thành đặc biệt bởi sự tiếp biến và giao thoa văn hóa Trung Hoa, Nhật Bản và Việt Nam. Từ nhiều năm nay, các công trình trong khu vực phố cổ Hội An đều được bảo tồn, tôn tạo, quan nhiều lần trùng tu mà vẫn giữ gìn được tính địa phương của Hội An. Đó là được làm hoàn thiện bằng chất liệu và cách thức thi công địa phương. Mái ở đấy là ngói Thanh Hà bao nhiêu năm vẫn vậy, phương pháp ghép ngói âm dương vẫn vậy, gỗ lim hoặc gỗ mít ghép mộng mà không dùng đinh đóng, quét vôi màu truyền thống…

Người dân “sốc” với công trình Chùa Cầu, theo tôi, vì trùng tu di sản rất khác với công tác sửa chữa. Các luận cứ mấy hôm nay mọi người bàn chủ yếu nói về sửa chữa, tức là chỉ thấy được một khía cạnh. Trùng tu được hiểu là duy trì, bảo vệ và làm lộ ra giá trị thẩm mỹ, lịch sử của di tích dựa trên cơ sở tôn trọng vật liệu gốc và các cứ liệu xác thực. Chùa Cầu không là ngoại lệ với hai mục tiêu bền vững và giữ được hồn di sản. Mục tiêu bền vững là duy trì sự tồn tại càng lâu càng tốt thể vật lý của các cấu kiện và toàn bộ công trình. Đây phần nhiều là yếu tố kỹ thuật. Mục tiêu giữ hồn di sản là lưu được giá trị, nét đẹp văn hóa, lịch sử để tiếp tục đưa vào khai thác du lịch, đóng góp cho kinh tế, văn hóa địa phương và cả nước. Đối với công trình đặc biệt, gắn với thương hiệu của địa phương còn có mục tiêu khẳng định vị thế của nơi chốn. Chùa Cầu với Hội An, cũng giống như Tháp Rùa của Hà Nội hay Tháp Eiffel ở Paris, là điểm giúp nhận dạng đô thị, nhất là với du khách lần đầu đến đó. Mục tiêu này liên quan nhiều đến yếu tố thẩm mỹ và phụ thuộc vào chất lượng hoàn thiện của công trình.

Sau trùng tu, mái Chùa Cầu đã bị làm phẳng, không còn nổi viên ngói mái âm dương. Ảnh: DT

Sau trùng tu, mái Chùa Cầu đã bị làm phẳng, không còn nổi viên ngói mái âm dương. Ảnh: DT

Có vẻ như trên thực tế họ đã làm tốt khâu gia cố kết cấu, còn thì, phần hồn di sản lại có quá nhiều vấn đề phải bàn, thưa PGS.TS.KTS. Nguyên Hạnh Nguyên ?

- Công trình Chùa Cầu có thể đạt mục tiêu đầu, người dân không phàn nàn về tính bền vững của các cấu kiện được gia cố lại của công trình. Thế nhưng, rõ ràng khá nhiều người đã sửng sốt về các yếu tố liên quan đến thẩm mỹ, tức mục tiêu thứ hai. Vì vai trò của công trình điểm nhấn di sản sau này có thể trở thành ví dụ điển hình cho công tác tu bổ di tích, rất cần có sự đánh giá lại một cách đúng đắn, thận trọng kiểm tra và rút kinh nghiệm.

Mỗi dự án tu bổ di tích thường sẽ áp dụng quan điểm, định hướng bảo tồn khác nhau tùy thuộc và tính chất, thời đại, bối cảnh của công trình hiện trạng. Quan điểm thế nào sẽ dẫn đến cách ứng xử, lựa chọn biện pháp trùng tu thế đó. Tuy nhiên, mục tiêu giữ hồn di sản thì không nên đưa ra giải pháp nào mang tính cực đoan, máy móc mà phải lựa chọn tùy thuộc tính chất công trình. Đối với việc trùng tu các di tích lịch sử, chúng ta nên trùng tu lại nguyên bản như ban đầu nếu như có đủ tài liệu gốc chứng minh. Song liệu công trình cách đây 400 năm như Chùa Cầu có còn hồ sơ gốc nào để khẳng định nguyên bản về màu sắc, chất liệu, hoa văn, họa tiết… ra sao hay không? Hay ta nên trùng tu lại bằng cách bổ sung theo một trong những thời kỳ sau này, hoặc lấy theo phiên bản gần nhất năm 1996? Đây cách tương tự trường hợp trùng tu Nhà thờ Đức Bà Paris. Với Chùa Cầu lần này, phía tư vấn đề xuất trùng tu, hạ giải ưu tiên “tính chân xác”.

Nhưng dù là quan điểm gì, tôi cho rằng không thể cứ nói đã làm theo “bản gốc” (khi mà chưa thực sự rõ “bản gốc” trông như thế nào, căn cứ vào đâu để xác định đó là bản gốc), mà trên hết phải giữ được hồn cốt của di sản. Bởi mất đi giá trị tinh thần này, công trình chỉ thuần túy với chức năng giao thông che mưa nắng, sinh hoạt cộng đồng và tín ngưỡng chứ không còn cảm nhận được giá trị văn hóa, cái hồn của nơi chốn nữa. Nếu chỉ hạ giải, kiểm đếm rồi lắp dựng bồi hoàn, trả lại các cấu kiện thì công việc đó xem ra như công tác kỹ thuật sửa chữa thuần túy. Công tác trùng tu đòi hỏi sự nhạy cảm về thẩm mỹ để phần hình ảnh không bị ảnh hưởng như thực tế vừa qua.

Khi nói đến tính thẩm mỹ, phải đề cập các yếu tố tỷ lệ và ngôn ngữ kiến trúc gồm hình dáng, đường nét, chất liệu, màu sắc, chiếu sáng. Trong các yếu tố này, tỷ lệ là quan trọng nhất vì nó tạo ra sự hài hòa. Có thể thấy nội thất Chùa Cầu đã đạt được một số yếu tố thẩm mỹ như giữ được các cấu kiện gỗ, kèo, sàn gỗ lim, các lan can… Tuy nhiên, phần mặt đứng bên ngoài, do công trình nằm ở vị trí nổi bật về cảnh quan, nên tác động về thị giác của nó rất quan trọng.

 Chùa Cầu trước (trên) và sau khi trùng tu (dưới) với mái không còn tính kết nối hai bờ nữa bởi sắc độ của ngói quá sáng. Ảnh: NHN

Chùa Cầu trước (trên) và sau khi trùng tu (dưới) với mái không còn tính kết nối hai bờ nữa bởi sắc độ của ngói quá sáng. Ảnh: NHN

PGS.TS.KTS. Nguyên Hạnh Nguyên có thể phân tích rõ các yếu tố thẩm mỹ chưa đạt của công trình?

- Trước hết là thiếu tính đồng nhất giữa công trình với nền cảnh quan của Hội An. Trùng tu công trình nằm trong một quần thể khác với trùng tu công trình đơn lẻ. Chùa Cầu nằm trong quần thể khu phố cổ chứ không phải công trình độc lập và là nơi kết nối trục tuyến phố chính. Bảo tồn là phải bảo tồn tính nguyên vẹn của cả quần thể di sản, di tích.

Sau khi trùng tu, sắc độ của mái công trình đã nhạt hơn rất nhiều do bị đắp hồ quá nhiều vào phần rãnh âm của mái ngói và còn có thể do thi công vữa lem ra ngói, khó làm sạch được. Ngói của những diện mái phía sau còn bị đắp xi măng rất dầy, nó làm đầy lên các rãnh được tạo thành bởi cấu tạo ngói âm dương. Vì vậy, mái không còn giữ được hình ảnh gợn sóng đặc trưng của mái ngói Hội An. Từ trên cao, ta thấy rất rõ toàn bộ hệ mái Chùa Cầu bị sáng trắng điểm hoa xanh dương “nổi bật” ra khỏi màu nền chung của các mái nhà Hội An.

Nội thất và ngoại thất không cùng cách ứng xử: Trong khi nội thất với cấu kiện gỗ để nguyên các thanh gỗ, vá gỗ cũ với gỗ mới và không dùng sơn hay vecni phủ để tệp màu cùng nhau. Vì vậy ta thấy rõ quan điểm là đưa về từng thời kỳ, giữ tính chân xác từng thời kỳ. Nhưng phần mái thì xác định màu gốc và xử lý quét vôi toàn bộ trở về màu “nguyên bản”. Và phần được quét vôi đó có màu theo tông màu hiện nay, khá mới. Kết quả là mất tính đồng nhất về thời kỳ giữa bên trong và bên ngoài, do cách tác động khác nhau. Thêm vào đó, sự thiếu đồng nhất còn thấy trên mặt đứng. Có độ vênh rõ giữa phần mái được đắp hồ, sơn mới, phần thân gỗ vá cũ, phần dầm bao tô/ trát vữa trắng- mới và phần đá mố cầu giữ nguyên- cũ.

Về màu sắc, trải qua nhiều thời kỳ, kiến trúc “thượng gia hạ kiều” độc đáo của Chùa Cầu đều ở một trong hai trạng thái sắc độ. Trạng thái 1: cho cảm nhận tổng thể liền một khối khi tất cả mái, thân và đế móng đều cùng một hệ sắc độ dù màu có khác nhau với mái màu đỏ đất, gỗ nâu xám, mố và trụ cầu màu xám. Chúng ta biết sắc độ tạo ra cảm giác về khối. Nếu gần sắc độ nhau thì liền khối, nếu quá chênh sắc độ thì sẽ rời rạc, mất khối. Trạng thái 2: chia công trình thành 2 phần là nhà và cầu nhằm làm rõ “thượng gia hạ kiều”. Lan can gỗ, thân nhà gỗ, mái ngói cùng hệ sắc độ để tạo ra phần “gia”, phần đế bắt đầu từ dầm bao đến trụ cầu ở hệ sắc độ khác.

Công trình sau trùng tu như chúng ta thấy có những sắc độ quá khác biệt, tạo ra các phân vị ngang quá mạnh, mặt đứng bị rời rạc. Không thuộc trạng thái 1 hoặc 2 như vừa nêu, đã khiến cho nhiều người không “nhận ra” di sản là bởi trong tiềm thức họ không có hình ảnh Chùa Cầu khác biệt như vậy.

Cũng cần nói thêm lý thuyết về “tỷ lệ diện màu” lại cho thấy việc chọn màu hoàn thiện ngoại thất chưa tốt. Diện màu càng lớn, tính biểu cảm của màu càng mạnh, càng kích ứng thị giác. Trong khi đó, việc chọn màu sơn trên bảng màu (key color) có thể mang nhiều rủi ro vì những miếng màu mẫu trên danh mục (catalogue) thường nhỏ, nhìn đẹp, có thể phù hợp nhưng khi tô lên mảng lớn, nó lại lộ ra độ chói màu (màu bị gắt) hoặc bị chỏi (kênh màu). Vì vậy quét vôi diện lớn trên bề mặt kiến trúc sẽ phải kiểm tra lại độ bão hòa màu (saturation) để màu sắc hài hòa hơn.

Về chi tiết bờ nóc, thường khi trùng tu hạ giải, rất hay làm sai chỗ này. Những chi tiết này dễ ảnh hưởng đến thẩm mỹ của công trình do thiếu tính chân xác. Việc tháo gỡ các chi tiết phải bảo đảm đánh số cẩn thận kết hợp với bảo quản là phần tác động lớn đến kết quả. Khâu thực hiện cuối cùng lại cần đòi hỏi những người thợ lành nghề lâu năm, thợ bậc bảy. Nó còn phụ thuộc cách pha màu vôi ve đúng thời kỳ mà dự án lập luận muốn đưa về. Chọn màu tô lên chi tiết còn phải được thường xuyên giám sát mỹ thuật, thường xuyên tham vấn chuyên gia, nhân chứng lịch sử và nghệ nhân địa phương để không bị sai lệch màu. Hơn nữa trong cùng một gốc màu có rất nhiều trạng thái biểu cảm khác nhau, mang lại ngôn ngữ khác nhau. Ví dụ như màu xanh dương thiếu gốc đỏ sẽ có tính trẻ trung, tươi mới của thời đại này, nhưng nếu chỉ cần pha thêm 1% gốc màu đỏ và vàng sẽ bão hòa và trở nên đằm màu hơn. Vì thế, quá trình này thường là phải tô đi tô lại để thử màu, xin ý kiến, điều chỉnh. Phải kiểm tra màu lại với các chi tiết công trình có thể chọn làm so sánh ở địa phương trước và sau khi đã trùng tu. Công đoạn này thể hiện trong nhật ký công trình. Vậy nhật ký công trình tu bổ di tích Chùa Cầu đã thể hiện điều này chưa? Có thực hiện giám sát tác giả, tức là người chủ trì từ đầu có theo công trình đến cuối cùng không? Giám sát tác giả của công trình bảo tồn khó hơn rất nhiều công trình xây mới bởi công trình di tích mang nặng cái tình cảm người dân đã đặt vào qua năm tháng, đã trở thành ký ức của họ- ký ức hồn nơi chốn.

 Nội thất (trái) giữ nguyên, không tác động màu gỗ cho cảm giác cũ, trong khi ngoại thất (phải) thay đổi màu mái, tô lại và sơn mới cho cảm giác mới và cũ - Ảnh: NHN

Nội thất (trái) giữ nguyên, không tác động màu gỗ cho cảm giác cũ, trong khi ngoại thất (phải) thay đổi màu mái, tô lại và sơn mới cho cảm giác mới và cũ - Ảnh: NHN

Cần luật hóa để bảo tồn di sản thành trách nhiệm cộng đồng

Có thể xem đây là thêm một “sợi dây kinh nghiệm” cần rút về công tác tu bổ di tích không thưa PGS.TS.KTS. Nguyên Hạnh Nguyên?

Dự án có nhiều điểm mới, trở thành bài học tốt, nhất là các công đoạn hạ giải, chuẩn bị mặt bằng thi công, mở ra với công chúng tham quan quá trình thi công… Tuy nhiên, phần thẩm mỹ công trình chưa được đánh giá tốt, vẫn cần phân tích, tìm nguyên nhân để rút kinh nghiệm. Có 4 yếu tố tác động đến chất lượng công trình tu bổ, đặc biệt là thẩm mỹ, gồm Công tác đánh giá hiện trạng; công tác thiết kế - phê duyệt; công tác chuẩn bị thi công và công tác thi công từ phần thô đến hoàn thiện.

Dự án trùng tu Chùa Cầu cần trả lời dư luận đã thực hiện các khâu này như thế nào? Công tác giám sát, kiểm tra, thẩm định ra sao? Nếu công tác lập dự án, thiết kế tốt thì khâu thi công hoàn thiện về chất liệu và màu sắc, khâu giám sát tác giả như đã nói trên, như thế nào? Quá trình hoàn thiện khi quét vôi có theo quy trình sơn thử trên diện nhỏ, kiểm tra, sơn trên mảng lớn và xin ý kiến cộng đồng, chuyên gia trước khi sơn chính thức không?

Bên cạnh đó, 4 yếu tố tác động này cũng phụ thuộc nhiều vào ngoại cảnh khách quan, hạn chế nguồn lực và cơ chế. Các địa phương cần chung tay và cần cơ chế rõ ràng để công trình thực sự được bảo tồn tốt và quay lại phục vụ du lịch, phục vụ cộng đồng.

Sự không nhất quán khi tác động đến các thành phần mặt đứng khiến công trình mất tính đồng nhất - Ảnh: NHN

Sự không nhất quán khi tác động đến các thành phần mặt đứng khiến công trình mất tính đồng nhất - Ảnh: NHN

Có ý kiến cho rằng việc người dân thiếu kiến thức chuyên môn thì không nên có ý kiến về việc trùng tu Chùa Cầu nói riêng hay các công trình di sản nói chung, bà nghĩ sao?

Cũng giống công tác tư vấn kiến trúc thông thường, dù kiến trúc sư có thuyết phục chủ đầu tư và hội đồng đánh giá về giải pháp, các biện pháp kỹ thuật, quy trình... thế nào rồi cuối cùng, điều quan trọng nhất là kết quả, là tác phẩm. Kết quả có phù hợp, có đáp ứng mong mỏi của cộng động người dùng, người thừa hưởng di sản không, có mang lại hiệu quả về thẩm mỹ, kinh tế… hay không thì đều phải tham vấn ý kiến chuyên gia và người dân. Nghị định 70/2012/NĐ-CP quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh và Thông tư 15/2019/TT-BVHTTDL hướng dẫn quy định về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích cũng nêu việc phải lấy ý kiến cộng đồng. Vậy thì không lý do gì, khi thực hiện xong dự án lại không cho cộng đồng được nhận xét về công trình nếu những nhận xét, góp ý mang tính xây dựng.

Trường hợp Chùa Cầu, khi thấy có nhiều luồng ý kiến trong cộng đồng, người có trách nhiệm phải xem xét. Cho dù quá trình làm, các khâu đã rất tỉ mỉ, bài bản nhưng khi có nhiều ý kiến nêu ra thì cần mở lòng để tiếp thu, xem cần rút kinh nghiệm ở khâu nào. Bởi không vô cớ mà có nhiều ý kiến phản đối. Nhất là phía phản đối là cộng đồng - những người quan tâm đến di sản, là người dân có trách nhiệm với địa phương, là du khách và những người yêu mến Hội An. Vì bảo tồn hồn nơi trốn quan trọng hơn rất nhiều bảo tồn tính vật lý của một công trình.

Phân tích sắc độ trên hình ảnh Chùa Cầu hiện nay sau khi trùng tu, khiến công trình trở nên rời rạc, mất khối - Ảnh: NHN

Phân tích sắc độ trên hình ảnh Chùa Cầu hiện nay sau khi trùng tu, khiến công trình trở nên rời rạc, mất khối - Ảnh: NHN

Qua nhiều sự việc như ở Bùi Chu, Đà Lạt và mới nhất Chùa Cầu, theo bà, công cuộc bảo tồn di sản của chúng ta hiện đang gặp phải vấn đề nguy cấp nào nhất?

Nhiều bài học về bảo tồn di sản từ năm 2019 đến nay. Ngoài sự vênh nhau giữa người dân, chính quyền, nhà chuyên môn, tôi còn thấy cái khó khăn nhất là tính liên ngành trong bảo vệ di sản. Một “sự vụ” về di sản xuất hiện, lập tức thu hút sự quan tâm của các thành phần, lĩnh vực khác nhau. Nhưng tính liên ngành ở đây là đội ngũ cùng ngồi với nhau để bàn về câu chuyện di sản, chung tay bảo vệ thì đang chưa có. Không có sự chuẩn bị từ trước và thành ra với quan điểm bảo tồn di sản rất khác nhau, ít bàn thảo, trao đổi cùng nhau thì ngày càng xa nhau về suy nghĩ, mỗi người hiểu một cách khác nhau dù tựu chung là đều yêu di sản. Các hội thảo về bảo tồn di sản năm nào cũng có, tuy nhiên các nhà chuyên môn lý thuyết cần được trao đổi nhiều hơn với những người thực hành nghề, và các cuộc hội thảo cần mở rộng cho công chúng, cho cán bộ quản lý di tích, quản lý xây dựng và quy hoạch kiến trúc các địa phương. Mục tiêu chung là cùng nâng cao hiểu biết về bảo tồn di sản để từ đó có trách nhiệm, chung tay bảo vệ di sản

Thực chất là bảo tồn di sản ở Việt Nam chưa trở thành một lĩnh vực chuyên sâu, chưa trở thành ngành nghiên cứu độc lập. Mình cứ đang ghép nó vào kiến trúc hoặc văn hóa, nhưng thật ra nếu tư duy liên ngành thì cần có nhiều ý kiến của các cái lĩnh vực khác nhau, kể cả tài chính, truyền thông, du lịch. Thực sự câu chuyện này đang vắng bóng ngành du lịch- nơi thụ hưởng và cũng là nơi nên góp ý cho tác phẩm trùng tu này. Xin nói thêm về vai trò của Hội đồng Bảo vệ di sản quốc gia. Hội đồng nếu đủ mạnh thì cần chủ động xây dựng chương trình giúp các địa phương giàu có về di sản thiên nhiên (Hạ Long, Ninh Bình) và di sản đô thị (Huế, Hội An, Hải Phòng, Đà Lạt, Sài Gòn, Hà Nội…) xây dựng chương trình hành động bảo vệ di sản của mình. Các đô thị có tính chất di sản cần phải có một kế hoạch, chương trình bảo vệ di sản riêng do chính quyền thành phố xây dựng.

Với một sự hiểu biết rằng di sản chính là giá trị, là nền tảng để phát triển và nếu di sản ảnh hưởng thì sự phát triển cũng ảnh hưởng theo, chúng ta phải xem di sản là sống còn để có chương trình hành động ở tầm đô thị, tầm quốc gia. Các đô thị phải học tập, chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau và chia sẻ kinh nghiệm của các nước trong khu vực. Hy vọng với nhận thức ngày càng cao của người dân và sự chung tay của những nhà chuyên môn, chính quyền địa phương với cộng đồng, di sản thiên nhiên và đô thị của Việt Nam ngày càng được tôn trọng, bảo vệ.

Xin trân trọng cảm ơn PGS.TS.KTS. Nguyên Hạnh Nguyên.

Quốc Ngọc thực hiện

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/di-san/tu-chua-cau-nghi-den-bao-ton-di-san-2019610.html