Từ chuyện bộ quần áo Bác Hồ mặc ngày Tuyên ngôn Độc lập

Ngày 2/9/1945, trong bộ trang phục giản dị, Hồ Chủ tịch đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Bộ trang phục ấy đến nay vẫn được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.

Ký ức về những ngày lịch sử

Bộ quần áo kaki với chiếc áo được may bốn túi, đã bạc màu, sờn cổ được đặt trang trọng trong phần nội dung "Sức mạnh dân tộc" của chuyên đề "Ngày Độc lập 2/9".

Bác Hồ trong ngày đọc Tuyên ngôn Độc lập.

Bác Hồ trong ngày đọc Tuyên ngôn Độc lập.

Phó trưởng phòng Trưng bày Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Trần Thu Hà cho biết, Bảo tàng tiếp nhận bộ quần áo kaki của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ năm 1958. Khi đó, bộ quần áo kaki màu kem, có 4 túi, ve áo hơi tù, cổ áo có chỗ bị sờn vì gắn bó với Bác trong suốt thời gian dài.

Chị Hà cho biết, cán bộ Bảo tàng từng đến gặp bà Hoàng Thị Minh Hồ - vợ của nhà tư sản yêu nước Trịnh Văn Bô để xác minh câu chuyện về hiện vật này vào năm 2008. Bà Minh Hồ khi đó 91 tuổi nhưng không quên một chi tiết nào về những ký ức lịch sử.

Thời điểm đó là sau Cách mạng tháng 8/1945, Bác Hồ trở về Hà Nội, được Trung ương bố trí đến ở tại gác hai số nhà 48 Hàng Ngang - chính là nhà của ông Trịnh Văn Bô và bà Minh Hồ.

Trở về từ chiến khu, Bác chỉ có đôi dép cao su, chiếc quần soóc nâu, chiếc áo sơ mi ngắn tay và chiếc mũ phớt bạc màu. Lúc này, Bác rất gầy yếu sau những trận ốm nặng.

Thời điểm đó, Bác bận rộn chuẩn bị việc nước từ sáng tới đêm. Hằng ngày lúc 7h, thư ký lễ tân của Bác là ông Vũ Đình Huỳnh đón Bác ra Bắc Bộ phủ làm việc, đến chiều mới về 48 Hàng Ngang.

Đến tối, Bác tiếp tục làm việc với các ông Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Quốc Việt… Đêm xuống, Bác lại thức khuya đánh máy chữ. Chuông đồng hồ điểm 12 tiếng, đèn bàn của Người mới tắt, nhưng 5h sáng hôm sau đã thấy Bác tập thể dục ngoài ban công.

Sau này, bà Minh Hồ mới biết, những tiếng đánh máy chữ kỳ cạch hằng đêm ấy chính là tiếng Bác phác thảo Bản Tuyên ngôn lịch sử.

"Tôi mặc xuềnh xoàng thôi, cốt tươm tất giản dị"

Khoảng ngày 26 - 27/8/1945, khi đã ấn định ngày đọc Tuyên ngôn độc lập vào 2/9/1945, anh em cán bộ mới sực nhớ cần phải trang bị cho các lãnh đạo cấp cao, đặc biệt là Hồ Chủ tịch một bộ quần áo tươm tất để ra mắt trên lễ đài. Bởi từ chiến khu trở về, Bác và các đồng chí lãnh đạo đều ăn mặc rất xuề xòa, quần áo hầu hết đã cũ sờn.

Bộ quần áo Chủ tịch Hồ Chí Minh mặc trong Lễ Tuyên ngôn Độc lập.

Bộ quần áo Chủ tịch Hồ Chí Minh mặc trong Lễ Tuyên ngôn Độc lập.

Là nhà tư sản yêu nước và chuyên buôn vải, ông Bô, bà Minh Hồ lập tức lấy mấy súc vải kaki, rất quý thời điểm đó, để may quần áo cho ban lãnh đạo.

Đến sát ngày lễ, ông bà Trịnh Văn Bô chọn riêng loại vải kaki cốt lê của Anh, cùng ông Vũ Đình Huỳnh mang đến xin ý kiến Bác. Người chẳng có yêu cầu gì chỉ nói: "Tôi mặc xuềnh xoàng thôi. Không len, dạ đắt tiền làm gì, cốt tươm tất giản dị, không phải cà vạt cổ cồn là tốt".

Chưa nghĩ ra may kiểu nào cho hợp, ông Vũ Đình Huỳnh nhớ ra có bức ảnh về nhà lãnh đạo Xô Viết Joseph Stalin và xin ý kiến Bác để may theo kiểu áo đó, vừa không có cà vạt vừa oai phong, nhưng Bác mỉm cười nói: "Nhưng mình có phải là Stalin đâu!".

Cuối cùng, ông Vũ Đình Huỳnh mời một chủ hiệu may có tiếng trong vùng tới để nhờ tư vấn. Giấu thân phận Bác, ông Huỳnh chỉ nói: "Tôi có người nhà là cụ Lý ở quê ra thăm Thủ đô, nhờ anh cắt may kiểu áo bốn túi, mặc kín cổ khi có việc quan trọng, lúc thường nhật thì mở khuy áo thoải mái, có thể hợp khi đi giày hoặc đi dép".

Ngày 30/8, bộ trang phục hoàn thành. Bác ướm thử, ngắm kỹ và mỉm cười: "Được, thế này là hợp với mình".

Y phục xứng kỳ đức

Nói về đức tính giản dị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, GS. TSKH Vũ Minh Giang, Phó chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo - Đại học Quốc gia nhận định: "Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng vì nước, vì dân, dù ở bất kỳ cương vị nào, từ khi là anh phụ bếp trên tàu ra đi tìm đường cứu nước, đến khi trở thành Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước, Bác vẫn bình dị, gần gũi".

Với bộ quần áo kaki, Bác không chỉ mặc trong buổi lễ khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mà còn dùng trong lễ ra mắt Chính phủ lâm thời ngày 3/9/1945; chủ trì các cuộc họp của Chính phủ, của Quốc hội… Đặc biệt là những cuộc gặp gỡ, nói chuyện với đồng bào Việt Nam cũng như Việt kiều ở nước ngoài.

Sau này, khi đến thăm Xí nghiệp May 10, cán bộ, công nhân xưởng may nhìn Bác mặc bộ quần áo kaki đã sờn bạc, xót xa nên âm thầm may biếu Bác hai bộ quần áo mới nhân dịp sinh nhật nhưng Bác đều từ chối.

Dù nhiều lần, các đồng chí giúp việc cho Bác đề nghị Bác dùng bộ quần áo mới nhưng Bác căn dặn: "Mình làm sao có thể thi sang với người ta được, mình phải biết tiết kiệm, dân mình đang còn nghèo lắm".

"Người xưa có câu "Y phục xứng kỳ đức", ngay y phục của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mang dấu ấn của một người vĩ đại. Đằng sau những tấm áo đơn sơ là nhân cách cao cả giản dị, thanh bạch, là tấm gương sáng cho nhiều thế hệ đời sau noi theo", GS.TS Vũ Minh Giang chia sẻ.

Tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, ngoài bộ quần áo kaki còn lưu giữ nhiều hiện vật liên quan đến thời điểm lịch sử ngày 2/9/1945 gồm: Chiếc micro Hồ Chủ tịch sử dụng trong Lễ Tuyên ngôn Độc lập, một số kèn đồng mà đội quân nhạc cử Quốc ca tại Quảng trường Ba Đình…

Bà Nguyễn Thị Hương Thơm, Trưởng phòng Bảo quản, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cho biết, bộ quần áo kaki là đồ dệt (chất liệu hữu cơ) nên quan trọng nhất là phải ngăn nguy cơ nấm mốc.

Để giữ gìn hiện vật, cần phải bảo quản trong điều kiện rất khắt khe, đòi hỏi kiểm soát độ ẩm ổn định ở khoảng 55%, không được dao động quá 5% đột ngột trong vòng 24h. Bên cạnh đó, còn phải giữ hiện vật trong nhiệt độ ở khoảng 20 - 22 độ C, hạn chế tiếp xúc với tia tử ngoại.

Trang Trần

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/tu-chuyen-bo-quan-ao-bac-ho-mac-ngay-tuyen-ngon-doc-lap-19224083010314324.htm