Hai lần xuất quân của chúa Nguyễn

Tham mưu Minh Lộc Hầu và Tiên phong Cai đội Xuân Thắng Hầu đem 3.000 binh đi hai tuần đến thành Mỗi Xuy (hay Mô Xoài) thu phục Nặc Ông Chân.

c) Đồn thu thuế của chúa Nguyễn hay cơ quan đại diện lưu dân ở Sài Gòn?

Năm 1623 (có nơi tính là 1621), theo những người dịch và chú giải sử Khơ Me, thì một “sứ bộ Việt Nam đã đem nhiều tặng vật tới vua Chey-chessda để đảm bảo sự ủng hộ và tình hữu nghị của triều đình Huế, ngược lại phái bộ yêu cầu cho nông dân Việt Nam đến khai hoang trong những vùng thưa dân thuộc miền Đông Nam vương quốc và để có thể giúp đỡ công cuộc định cư đó về mặt tài chính, xin cho phép lập một đồn thâu thuế tại Prey-Kôr. Nhà vua ưng thuận” (1).

Prey-Kôr sau thành Sài Gòn. Khi đó người Việt đã khai hoang đại bộ phận suốt từ vùng Sài Gòn qua sông Đồng Nai và đất Bà Rịa ra tới giáp ranh Chiêm Thành.

Đây là biến cố chính trị lớn ảnh hưởng lâu dài về sau, song không hiểu tại sao biên niên sử Việt Nam không hề nhắc tới? Một sự kiện tầm mức thế ấy, nhất định sử thần nhà Nguyễn không thể bỏ qua, nếu nó có thật. Hoặc giả, đây chỉ là một kế hoạch tự phát tự quản của bà hoàng Sam Đát cùng giới lưu dân người Việt lúc đó. Nghĩa là lưu dân xin lập một cơ quan tự trị và tương trợ có thu góp, chứ không phải một đồn thâu thuế của chính quyền chúa Nguyễn.

 Ảnh minh họa. Nguồn: Sở Du lịch Thừa Thiên Huế.

Ảnh minh họa. Nguồn: Sở Du lịch Thừa Thiên Huế.

Nghiên cứu kỹ lịch sử và cung cách khai hoang miền Nam của người lưu dân, ta dễ dàng chấp nhận giả thuyết này. Đây là phương pháp hữu hiệu và hòa bình, lợi ích cho lưu dân người Việt, đồng thời hòa hợp với dân tộc Khơ Me, tốt hơn giải pháp quân sự mà các nhà nước quân chủ thường dùng để thực hiện bá quyền quốc gia.

Công cuộc khai hoang lập ấp do chính người lưu dân tiến hành một cách tự phát và hòa bình, nhưng rồi cũng bị những biến cố quân sự tới làm xáo trộn, đặc biệt là hai vụ sau đây:

d) Hai lần chúa Nguyễn cho quân can thiệp rồi rút ngay về

Năm 1658, theo chính sử triều Nguyễn: “Năm Mậu Tuất, vua Cao Miên là Nặc Ông Chân phạm biên cảnh, Khâm mạng dinh Trấn Biên (tức Phú Yên), Phó tướng Yến Vũ Hầu (tức Nguyễn Phúc Yến), Tham mưu Minh Lộc Hầu và Tiên phong Cai đội Xuân Thắng Hầu đem 3.000 binh đi hai tuần đến thành Mỗi Xuy (hay Mô Xoài) thu phục Nặc Ông Chân rồi phong làm Cao Miên quốc vương, giữ đạo phiên thần, không được xâm nhiễu dân sự ở ngoài biên cương và khiến quan binh hộ tống về nước”.

Chúng tôi nhấn mạnh trên những chữ “không được xâm nhiễu dân sự ở ngoài biên cương”. Phải chăng lời khuyến dụ này khẳng định sự có mặt của cộng đồng lưu dân Việt Nam đang sống tự trị tự quản rải rác khắp vùng Mô Xoài, Đồng Nai, Sài Gòn và lên tới cả Nam Vang lẫn Biển Hồ (trong bản đồ Bùi Thế Đạt chú là Hạc Hải).

Nhưng theo biên niên sử Khơ Me thì cuộc hành quân này lại do chính một trong những phe đang tranh chấp ở nội bộ hoàng tộc Khơ Me yêu cầu: Triều đình nước Nam liền cử một đạo binh dưới quyền “Ông chiêng thu” (Ông Chiến thủ) đi đánh phe nhà vua.

Ngay trận đầu, Ang Em, người hợp tác với nhà vua, bị giết, còn vua thì bị bắt sống, ít lâu rồi chết, thọ 40 tuổi, làm vua được 18 năm. Nhưng sau khi đã thắng phe nhà vua, ông tướng nước Nam lại muốn đánh bỏ luôn cả hai hoàng thân Cao Miên (So và Tan) cho tới lúc đó vẫn là thuộc bộ trung thành của ông. Ông tướng không thắng trong chiến dịch mới này và buộc phải rút quân khỏi lãnh thổ (3).

Song theo nguồn sử khác thì sau khi Nặc Ông Chân chết, chúa Nguyễn phong cho So, người đã tới cầu cứu mình, làm vua Chân Lạp (4). Cho dù chi tiết có khác nhau, cuộc can thiệp quân sự này cũng hạn chế trong thời gian. Sau khi quân chúa Nguyễn rút về, lưu dân Việt Nam vẫn tiếp tục khai hoang sinh sống trên miền đất mới phì nhiêu.

Năm 1674, theo sử gia Việt Nam, “năm Giáp Dần, tháng Hai, tên Nặc Đài người nước Cao Miên đuổi chúa nước ấy là Nặc Nộn. Chúa Phúc Tần sai tướng coi dinh Nha Trang là Dương Lâm hầu (tức Nguyễn Dương Lâm) đi đánh Nặc Đài. Nặc Đài bỏ chạy rồi chết, Nặc Thu ra hàng quan quân chúa Nguyễn. Tháng Sáu, tướng Dương Lâm hầu kéo quân về.

Nặc Thu được lập lên làm quốc vương Cao Miên, còn Nặc Nộn làm phó vương, trú ở Sài Gòn” (5). Còn biên niên sử Khơ Me thì đưa ra những chi tiết khác, song các nét chính về sự kiện và niên đại thì cũng thế. Như vậy, cuộc hành quân này nguyên nhân cũng là do tranh chấp nội bộ trong hoàng tộc Cao Miên và chỉ tiến hành chớp nhoáng, từ tháng Hai đến tháng Sáu, rồi rút về dinh Thái Khang, Nha Trang và lưu dân người Việt ở Sài Gòn vẫn tiếp tục làm ăn yên ổn, ngày càng thêm đông.

e) Dấu vết lưu dân Việt Nam đã ở lan tràn trong đồng bằng sông Mê Kông và Mê Nam

Dấu vết người lưu dân, lúc đó, đã có mặt từ châu thổ sông Mê Kông sang tới đồng bằng sông Mê Nam bên Xiêm, nay còn tìm thấy rõ ràng. Chỉ xin đơn cử hai tư liệu sau đây. Trong một thư viết năm 1665, giáo sĩ thừa sai Chevreuil kể lại rằng: Ông tới Colompé (tức Phnom-Penh, Nam Vang) vào cuối năm, ở đây đã thấy có 2 làng người Việt Nam ở bên kia sông “cộng số người được độ 500, mà kẻ theo đạo Thiên Chúa chỉ có 4 hay 5 chục mà thôi”.

[...]

Giáo sĩ Chevreuil đã đi từ Ayuthia, kinh đô Xiêm, tới Colompé, chứ không phải thẳng từ Pháp nơi sinh quán của ông. Vì Ayuthia lúc đó là trung tâm lớn của các thừa sai ở Viễn Đông, nơi đây có chủng viện đào tạo giáo sĩ địa phương và là nơi dạy tiếng cho giáo sĩ ngoại quốc. Ayuthia nằm trên sông Mê Nam, ở phía bắc Bangkok, thủ đô Thái Lan hiện nay, trên một trăm cây số, đã được xây dựng từ năm 1350.

Theo một bản đồ vẽ năm 1687, thì chung quanh thành vua nằm gọn trong một khúc vòng của sông Mê Nam, có những làng trại dành riêng cho dân Xiêm và các dân tộc ngoại quốc đến trú ngụ. Làng trại dành cho người Việt nằm ngay phía nam kinh đô, rất rộng, chung quanh có sông bao bọc, giao thông thuận lợi, tỏ ra làng Việt Nam được lập ra trước các làng ngoại quốc khác từ lâu.

(1). A.Dauphin - Meunier, Le Cambodge de Sihanouk, Paris, 1965. - 34 -

(2). GĐTC, q.III, tr.6-7.

(3). Royaume du Cambodge, sđd, tr.62.

(4. Theo Phan Khoang, sđd, tr.404.

(5). Lê Quý Đôn, Phủ biên tạp lục, Lê Xuân Giáo dịch, Sài Gòn, 1972, tập I, tr.94-95.

Nguyễn Đình Đầu/ NXB Trẻ

Nguồn Znews: https://znews.vn/hai-lan-xuat-quan-cua-chua-nguyen-post1497756.html