Từ chuyện của CLB Nam Định và Hà Nội: Đi tìm bản sắc bóng đá Việt Nam

Có sự khác biệt rất rõ giữa hai đội Nam Định và Hà Nội đó là Nam Đinh phụ thuộc rất nhiều vào ngoại binh, ngược lại đội Hà Nội đã và đang xây dựng một lối chơi dựa vào sức mạnh của các nội binh.

V-League 2023-2024 kết thúc với danh hiệu vô địch thuộc về đội Nam Định (NĐ) và là đội có nhiều bàn thắng nhất với 60 bàn.

Phụ thuộc ngoại binh

Tuy nhiên ba ngoại binh người Brazil của NĐ đã ghi đến 44 bàn chiếm tỷ lệ 73,3%. Tiền đạo cắm Rafaelson ghi 31 bàn (51,6%), tiền vệ tấn công Hendrio có 10 bàn (16.6%) và trung vệ Lucas có 3 bàn (5%). Cầu thủ Việt Nam ở NĐ ghi nhiều bàn thắng nhất là tiền đạo Nguyễn Văn Toàn với 5 bàn (8,3%).

Trong danh sách 10 cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất chỉ có mỗi Nguyễn Văn Quyết (Hà Nội) xếp hạng 5 cùng với Mpande (Hải Phòng) với 11 bàn thắng.

Rafaelson ghi 31 bàn (trái) và Hendrio ghi 10 bàn cho NĐ

Rafaelson ghi 31 bàn (trái) và Hendrio ghi 10 bàn cho NĐ

Trong Top 10 ghi bàn ở V-League mùa này có 24 cầu thủ thì chỉ có Văn Quyết (cùng hạng 5, 11 bàn); Phạm Tuấn Hải (Hà Nội) cùng hạng 7 với 9 bàn; Nguyễn Tiến Linh (Becamex Bình Dương), Nguyễn Quang Hải (CAHN) cùng hạng 8 với 8 bàn và Nguyễn Văn Đức (Quy Nhơn Bình Định) cùng hạng 10 với 6 bàn.

Có nghĩa là chỉ có 5/24 cầu thủ Việt Nam trong top 10 ghi được 42 bàn, quá ít khi so với 203 bàn thắng từ 19 ngoại binh còn lại trong top 10. Thậm chí 42 bàn từ 5 chân sút xuất sắc nhất của Việt Nam ở mùa bóng này còn ít hơn 44 bàn được ghi từ 3 ngoại binh của NĐ.

Câu chuyện về đội Hà Nội

Tại V-League đa số các đội mặc nhiên trao các vị trí trung vệ, tiền đạo với ưu thế thể hình cao to, khỏe mạnh cho ngoại binh. Từ đây, các đội đều có lối chơi tấn công như nhau là phát bóng dài, tận dụng tối đa ưu thế về thể hình, tố chất sức mạnh, tranh chấp bóng tầm cao của các cầu thủ nước ngoài.

Với lối chơi này đã bóp chết sự sáng tạo, bỏ qua lối chơi kỹ thuật, những pha phối hợp nhanh, khéo léo xử lý thông minh, linh hoạt… tạo nên những tình huống đột biến nguy hiểm. Có thể nói bóng đá Việt Nam (BĐVN) do phụ thuộc vào các cầu thủ nước ngoài nên không thấy đâu là bản sắc trong lối chơi của BĐVN.

Khi còn thi đấu cho Hà Nội Quang Hải (trái) là nhạc trưởng

Khi còn thi đấu cho Hà Nội Quang Hải (trái) là nhạc trưởng

Thế nhưng trước đây sự thành công của đội Hà Nội được xây dựng trên nhạc trưởng Quang Hải cùng dàn vệ tinh Văn Quyết, Thành Lương, Hùng Dũng, Đức Huy… tất cả đều không to cao. Thành tích của Hà Nội là minh chứng rõ ràng cho triết lý chơi bóng của họ: bên cạnh các cầu thủ nước ngoài, đội Hà Nội đã xây dựng được lực lượng những cầu thủ trong nước có lối chơi kỹ thuật, thông minh, biết phán đoán các tình huống trên sân và xử lý khôn khéo.

Thế nhưng sau khi hàng loạt cầu thủ trụ cột rời đội hoặc giải nghệ như Quang Hải, Đoàn Văn Hậu, Bùi Hoàng Việt Anh, Đức Huy, Thành Lương… đồng thời thay HLV, đội Hà Nội rơi vào giai đoạn khó khăn. Từ đây Hà Nội dần mất bản sắc, dẫn đến việc liên tục thay đổi HLV, may mà đầu năm 2024 đội đã ký hợp đồng với HLV Nhật Bản Daiki Iwamasa, người đã có quan điểm tìm lại bản sắc cho Hà Nội và nâng tầm cầu thủ nội giữ vai trò quan trọng trong lối chơi của đội.

Dấu ấn Daiki Iwamasa

Trước khi mùa giải bắt đầu, với kết quả ở AFC Champions League không tương xứng với sự đầu tư và mong đợi, HLV Bozidar Bandovic đã phải ra đi và được thay bằng HLV Lê Đức Tuấn. Nhưng sau đó ông Tuấn nhanh chóng được thay bằng ông Đinh Thế Nam, vậy mà thành tích đội Hà Nội vẫn không được cải thiện, nên sau vòng 8 lãnh đạo đội đã quyết định thay HLV thêm một lần nữa, và ông Daiki Iwamasa là HLV thứ 4 của Hà Nội dù V-League chưa đi hết 1/3 con đường.

HLV Daiki Iwamasa

HLV Daiki Iwamasa

Khi đội Hà Nội được ông Daiki huấn luyện từ vòng 9-League, đội đã ghi được 36 bàn sau 18 trận, đạt tỷ lệ 2 bàn/trận, hiệu quả hơn so với 1,125 bàn/trận trước đó. Kết thúc giải, với 45 bàn, Hà Nội là đội bóng có số bàn thắng nhiều thứ ba sau Nam Định (60) và Quy Nhơn Bình Định (47). Thế nhưng đội Hà Nội có đến 10 cầu thủ ghi bàn trong đó 8/10 là cầu thủ Việt Nam và ghi được 31 bàn chiếm tỷ lệ 68,8%.

Nhớ lại 8 vòng đấu đầu tiên đội Hà Nội ghi được 9 bàn, trong đó Joel Tagueu, Denilson Junior mỗi người ghi 3 bàn, đạt tỷ lệ 66,66% (3 bàn còn lại của Tuấn Hải 2 và Văn Quyết 1). Thống kê này cho thấy khi HLV Daiki chưa đến, đội Hà Nội giống như bao đội khác ở V-League: phụ thuộc vào ngoại binh.

Ông Daiki nhiều lần phát biểu với truyền thông rằng, ông rất muốn thay đổi văn hóa bóng đá phản công của Việt Nam, ông cũng mong muốn BĐVN không phụ thuộc quá nhiều ngoại binh và trên hết, ông muốn qua những gì ông làm ở đội Hà Nội là vì muốn BĐVN phát triển.

Kết quả sau hơn 5 tháng làm HLV đội Hà Nội, ông Daiki đã giúp đội Hà Nội từ vị trí thứ 8 vươn lên hạng 3 chung cuộc trên bảng xếp hạng V-League 2023-2024. Và mới đây, đội Hà Nội đã giành quyền vào chung kết Cúp quốc gia với trận thắng thuyết phục với tỷ số cách biệt 4-1 trước đội Thể Công Viettel.

Hãy còn quá sớm để kết luận về HLV Daiki, nhưng không ai có thể phủ nhận HLV Daiki đã để lại dấu ấn rất rõ nét ở đội Hà Nội, một dấu ấn mà ông Daiki dám đi ngược với phần còn lại của các đồng nghiệp ở V-League. Đó là lối chơi của đội Hà Nội không quá phụ thuộc vào ngoại binh, một lối chơi nâng tầm cầu thủ Việt Nam và đó là bản sắc của đội Hà Nội.

Để BĐVN phát triển căn cơ

Chưa mùa bóng nào từ V-League cho đến Cúp quốc gia lại cho thấy sự phụ thuộc ngoại binh của BĐVN quá rõ như mùa này. Thực trạng này đã lý giải vì sao BĐVN chậm phát triển, các cầu thủ Việt Nam chưa đủ trình độ ra nước ngoài thi đấu thành công cho dù chỉ là ở Thai-League (chỉ có mỗi thủ môn Đặng Văn Lâm, nhưng cũng chỉ thành công mùa đầu tiên và mùa sau là dự bị).

BĐVN cần thay đổi để phát triển

BĐVN cần thay đổi để phát triển

Dẫu biết rằng để thay đổi một thói quen cùng sức ép thành tích của các câu lạc bộ suốt hơn 20 năm qua kể từ khi BĐVN chuyển đổi từ bao cấp qua bán chuyên nghiệp rồi chuyên nghiệp là không dễ dàng. Nhưng đã đến lúc, dù đã trễ, VFF và VPF nên phối hợp tổ chức nhiều cuộc hội thảo mời đầy đủ đại diện các đội V-League, Hạng nhất, Hạng nhì, Hạng ba, các Học viện, các địa phương đào tạo trẻ, các chuyên gia, HLV hàng đầu Việt Nam rồi cùng đưa ra ý kiến đóng góp, sau đó tổng hợp xây dựng một hệ thống mà tất cả đối tượng liên quan đều có lợi, và dĩ nhiên BĐVN là được hưởng lợi nhiều nhất.

Nhiều người làm bóng đá ở Việt Nam có lực, có tâm huyết nhưng chưa có sự thống nhất. Cần tách bạch rõ giữa những nhà đầu tư tài chính với các nhà chuyên môn. Người có tiền hay đầu tư không phải là người quyết định tất cả, họ chỉ hỗ trợ trước những quyết định của các nhà chuyên môn.

Trên đây là những vấn đề cơ bản và là giải pháp ngắn hạn mà BĐVN cần thay đổi để phát triển. Nên hiểu rằng, bất kỳ cá nhân hay một nhóm người nào dù tài giỏi đến đâu, dù có là những chuyên gia hàng đầu thế giới hoặc giàu có như thế nào đi chăng nữa cũng chỉ là hỗ trợ cho BĐVN thêm sức mạnh.

Chỉ có người Việt Nam mới hiểu, mới tập hợp được sức mạnh để giúp BĐVN thay đổi và phát triển!

Hoàng Tú

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/tu-chuyen-cua-clb-nam-dinh-va-ha-noi-di-tim-ban-sac-bong-da-viet-nam-196240705094459317.htm