Từ chuyện hộ chiếu thiếu 'nơi sinh'
Không chỉ dành thời gian nghe, Quốc hội còn dành thời gian để tuân thủ quy trình lập pháp chặt chẽ chỉ vì trục trặc của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh đã được QH thông qua ở kỳ họp cuối năm 2019 mà không quy định 'nơi sinh' trong hộ chiếu.
Cho dù chỉ vài dòng bổ sung vào dự thảo nghị quyết chung của kỳ họp này, Quốc hội đã phải dành thời gian nghe Bộ Công an trình, Ủy ban Quốc phòng và An ninh báo cáo thẩm tra về việc bổ sung thông tin nơi sinh vào mẫu hộ chiếu mới.
Không chỉ dành thời gian nghe, Quốc hội (QH) còn dành thời gian để tuân thủ quy trình lập pháp chặt chẽ, từ thảo luận ở tổ đến thảo luận ở hội trường trong mấy ngày tới trước khi biểu quyết thông qua cuối kỳ họp.
Tất cả chỉ vì trục trặc của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam (VN), được QH thông qua ở kỳ họp cuối năm 2019 với tỉ lệ 91,51%, trong đó không quy định “nơi sinh” trong hộ chiếu.
Một quy trình lập pháp chặt chẽ như thế đã diễn ra khi Bộ Công an chủ trì soạn thảo dự luật, được xác định sẽ thay thế các nghị định trước đó, vốn có giá trị pháp lý thấp hơn, cùng để điều chỉnh về vấn đề xuất nhập cảnh của công dân, bao gồm việc cấp, quản lý hộ chiếu.
Quy trình ấy cũng được tất cả bộ, ngành quản lý nhà nước của Chính phủ, rồi UBND các tỉnh tham gia bằng văn bản. Cho dù không ít văn bản chỉ vỏn vẹn nội dung “thống nhất với nội dung, bố cục hồ sơ dự án luật” mà không góp ý, phản biện gì thêm.
Tất cả hồ sơ ấy được Bộ Tư pháp thẩm định, Chính phủ thảo luận, rồi Bộ Công an trình từ Ủy ban Thường vụ QH đến QH khóa trước… như cách đang diễn ra ở khóa này.
Không rõ các phiên thảo luận của QH khóa XIV ấy có đại biểu QH nào bày tỏ băn khoăn về hộ chiếu mẫu mới sẽ không còn “nơi sinh” như hộ chiếu truyền thống? Nhưng hồ sơ lập pháp công khai về dự án luật cho thấy dường như không một bộ, ngành, chính quyền cấp tỉnh nào nêu ý kiến về nội dung này.
Chỉ có hai tài liệu cho thấy UBND tỉnh Quảng Ninh trong văn bản được chuẩn bị kỹ lưỡng, trách nhiệm, gửi Bộ Công an hồi tháng 12-2018, đã góp ý nhiều nội dung, trong đó có một dòng “đề nghị bổ sung thông tin nơi sinh như quy định hiện nay”.
Hộ chiếu, dù theo Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân VN năm 2019 hay các nghị định trước đây, đều là giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của VN cấp cho công dân VN sử dụng để xuất nhập cảnh, chứng minh quốc tịch và nhân thân.
Với tầm quan trọng như vậy, việc có hay không mục “nơi sinh” hẳn phải được bàn thảo thận trọng. Ngay cả khi “giữ nguyên như dự thảo” để phù hợp với tình hình thực tế là nhiều trường hợp công dân VN sinh ra ở nước ngoài và thông lệ quốc tế là hộ chiếu nhiều nước không ghi “nơi sinh” - như Bộ Công an giải trình tiếp thu - thì lẽ ra cũng phải được chuẩn bị kỹ lưỡng.
Bởi chỉ thiếu một chút thôi, QH lại phải mất công sửa sai, mong hạn chế thấp nhất rắc rối cho người dân VN khi nhập cảnh vào các nước, ít nhất là con số 9,2 triệu lượt, tính ở thời điểm khởi động dự luật này vào năm 2017.
Nguồn PLO: https://plo.vn/tu-chuyen-ho-chieu-thieu-noi-sinh-post706817.html