Từ chuyện Hùng Dũng: Đừng bao biện, lấp liếm cho thói quen hay động tác thừa
Có nên tha thứ, có nên thông cảm hay lên tiếng mạnh mẽ pha vào bóng của Ngô Hoàng Thịnh với Đỗ Hùng Dũng? Đang có những tranh luận, thậm chí giữa các bên đang 'chia đôi bờ chiến tuyến'. Nhưng dù có thế nào, chúng ta cũng phải nhìn thẳng vào vấn đề: Hùng Dũng không phải 'nạn nhân' đầu tiên phải gánh chịu đớn đau.
Cho đến nay tôi vẫn bị ám ảnh pha vào bóng của tiền vệ Nguyễn Thanh Hùng (Khánh Hòa) đối với tiền đạo Tạ Thái Học (HAGL), buổi chiều ngày 2/8/2011 trên sân Pleiku. Tôi “nổi da gà” khi Học nằm cách đường biên chỉ vài mét với đôi chân gấp khúc. Tôi đã suýt bật khóc trong giây phút Học khóc nức nở khi được khiêng lên chiếc xe cấp cứu thẳng tiến bệnh viện.
“Nạn nhân” vừa rời đi, Thanh Hùng chui vào toilet để trốn chạy tội lỗi. Trong bóng tối, chỉ có một mình anh với những tiếng khóc nấc nghẹn. Tiếng khóc của một chàng trai 20 tuổi, trong trẻo, hồn nhiên khi biết mình đã gây ra một ca chấn thương kinh hoàng cho đồng nghiệp. Tôi biết Hùng sợ hãi và ân hận.
Sau lần ấy trở về, Hùng cứ như người mất hồn. Bi kịch thay, một thời gian sau đó, anh xin về quê, rồi rẽ qua chơi futsal. Còn Học trở lại chơi bóng với đôi chân chi chít những vết sẹo và một vết thương lớn tâm hồn.
Có nên thông cảm hay trừng phạt pha vào bóng của Thanh Hùng? Hơn 1 thập niên về trước, câu chuyện này đã dấy lên nhưng tranh cãi dữ dội. Nhiều người nói rằng, Hùng còn trẻ người nên non dạ, sự xốc nổi bồng bộc ấy đáng được tha thứ. Tôi nằm trong số người thương cảm cho “nạn nhân” lẫn “thủ phạm”.
Dường như, tôi và rất nhiều số đông khác “dễ dãi” với nước mắt hay những ngôn từ sám hối. Để rồi hơn 1 thập kể trôi qua, đã có rất nhiều “nạn nhân” sân cỏ như Thái Học.
Tối 23/3, Đỗ Hùng Dũng là nạn nhân mới nhất, nhiều nước mắt nhất và đau đớn nhất!.
Sự thật khó chấp nhận, Hùng Dũng phải nghỉ dài hạn. Hệ lụy của câu chuyện không chỉ Hà Nội FC và nó còn ảnh hưởng rất lớn đến ĐTQG. Rồi đây, chắc chắn sẽ có người sẽ thay thế Hùng Dũng. Nhưng với một cầu thủ, đã 3 năm qua luôn là sự lựa chọn số 1 trong mọi sơ đồ, mọi chiến thuật của HLV Park Hang Seo, chúng ta có lý do để quan ngại khi ĐT Việt Nam chuẩn bị trở lại vơívòng loại World Cup 2022.
Dù thế nào, bóng đá sẽ phải tiếp diễn. Dù thế nào, ông Park và các cộng sự phải làm việc để xây dựng đội tuyển không Dũng “chíp” vẫn có thể chạy tốt và hoàn thành mục tiêu đã đặt ra.
Bóng đá là môn đối kháng trực tiếp, đôi khi chấn thương ập đến chỉ sau 1 tích tắc. Hay nói như dân trong bóng đá đấy là tích tắc “chân nhanh hơn não”. Cho nên, bóng đá luôn đề cao tính cao thượng và sự nhân ái của những người chơi.
Để có được điều đó, bóng đá được bắt đầu từ những bài học vỡ lòng. Bài học chơi bóng quyết liệt, đúng luật mà không vượt qua giới hạn khiến đồng nghiệp của mình bị tổn thương. Bài học, tập cho mình một thói quen, bỏ động tác thừa nếu không cần thiết…
Rõ ràng, đã đến lúc chúng ta cần phải thẳng thắn thay vì bao biện, lấp liếm cho những cái gọi là “lỡ chân”, “vô ý”, “bốc đồng”, “xốc nổi”, “xui rủi”…bởi “gieo hành vi sẽ gặt thói quen”.
Đến lúc này, bản thân tôi không muốn nhắc đến cái tên Ngô Hoàng Thịnh nữa, bởi chính tôi đã mường tượng được cái cảm giác “dằm trong tim” mà cầu thủ này đang hứng chịu. Suy cho cùng, trong cuộc đời, chẳng ai muốn làm tổnthương đồng loại mình cả. Hoàng Thịnh chẳng phải là người vô tri, vô cảm nên chẳng đời nào anh muốn làm cái việc lương tâm chưa bao giờ cho phép.
Trong cuộc sống, có những lỗi lầm khiến chúng ta phải ăn năn, ray rứt. Thậm chí, chúng tacầu mong một phép màu đểcó thể quay lại quá khứ khi đã làm tổn thương ai đó, hoặc đã để ai đó làm tổn thương chính mình.
“Điều mình không muốn thì đừng làm đối với người khác”.