Từ chuyện người sáng lập ChatGPT bỏ học, bùng nổ tranh cãi về lợi ích học đại học
Là một lập trình viên, doanh nhân, nhà đầu tư thành công. Tuy nhiên, Sam Altman không cần phải tốt nghiệp đại học.
Hot nhất những ngày qua trên mạng xã hội chính là ChatGPT. Đây là một chatbot (phần mềm chat tự động) được tích hợp trí tuệ nhân tạo, có thể trò chuyện với con người một cách tự động thông qua các đoạn chat.
"Cha đẻ" của nó, Samuel H. Altman sinh năm 1985, tại Mỹ. Năm 8 tuổi, Sam Altman nhận được chiếc máy tính đầu tiên. Điều này đã giúp khơi dậy niềm đam mê và yêu thích lập trình, giúp anh định hướng nghề nghiệp tương lai khi còn là một đứa trẻ.
Altman theo học trường trung học John Burroughs - trường trung học tư nhân có học phí cao nhất nhì bang Missouri, Mỹ. Sau đó, anh học khoa học máy tính tại Đại học Stanford cho đến khi bỏ học năm 2005, chỉ sau 2 năm theo học để theo đuổi niềm đam mê công nghệ và kinh doanh.
Dù không hoàn thành chương trình đại học tại Stanford, năm 2017, Sam Altman vẫn được trường Đại học Waterloo (Canada) trao tặng tấm bằng danh dự vì những thành tích và đóng góp của Altman cho ngành công nghệ và trí tuệ nhân tạo.
Trong vai trò nhà đồng sáng lập và CEO của OpenAI, Sam Altman đã tham gia trực tiếp vào quá trình phát triển của ChatGPT, điều này giúp Sam đóng vai trò như "cha đẻ" của siêu trí tuệ nhân tạo ChatGPT. Hiện khối tài sản của Sam Altman ước tính đạt 2 tỷ USD.
Câu chuyện về hành trình khởi nghiệp của Sam Altman khiến hàng triệu người ngưỡng mộ, đồng thời cũng dấy lên một tranh cãi vốn dĩ không hề mới. Đó là:
Bao nhiêu người không học đại học mà vẫn thành công vang dội, giàu có tột đỉnh. Liệu có cần thiết phải mất 4 năm học đại học?
Không chỉ Sam Altman, họ dẫn chứng cả những người như Michael Dell, Bill Gates, Steven Spielberg, Mark Zuckerberg… dù không học, hoặc bỏ học ĐH giữa chừng vẫn thành công và có tài sản nhiều tỷ USD.
Cũng sẽ có lúc cha mẹ chúng ta phải "tranh cãi" với con cái về những lý lẽ như vậy nếu chúng không muốn học đại học. Nhưng liệu thành công dù không học đại học có khả thi? Và bỏ học để khởi nghiệp kinh doanh chính là con đường ngắn nhất dẫn tới thành công có phải là quá ngộ nhận?
Muốn thành công, không nhất thiết phải học đại học. Nhưng...
Theo chuyên gia giáo dục độc lập Bùi Khánh Nguyên, mặc dù cha đẻ của ChatGPT bỏ dở việc học ở đại học Stanford, nhưng quá trình học tập của ông chắc chắn là liên tục không ngừng nghỉ và là một người học khủng khiếp trong lĩnh vực máy tính, công nghệ.
Trên thực tế, dù bỏ học nhưng Sam Altman khởi nghiệp từ rất sớm. Năm 19 tuổi, Sam thành lập công ty đầu tiên của mình với tên gọi Loopt. Anh cũng trở thành chủ tịch của một công ty được định giá hàng tỷ USD khi mới 29 tuổi. Sam Altman đầu tư vào nhiều dự án khởi nghiệp và đạt được không ít thành công, có thể kể đến Airbnb, Reddit, Pinterest, Dropbox, Zenefits hay Stripe…
Ông Nguyên cho rằng, tài năng trong lĩnh vực công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin không đợi tuổi, sẽ có các thần đồng hay phù thủy trong lĩnh vực công nghệ với tuổi đời rất trẻ, do thành đạt trong lĩnh vực công nghệ cần tư duy, tài năng xuất sắc chứ không hẳn cần kinh nghiệm sống.
Cho nên để diễn đạt đúng, thì phải là: "Nếu thanh niên có tài năng, có khát vọng khởi nghiệp, có mục tiêu cho cuộc đời mình thì đừng câu nệ việc học chỉ có thể ở trường đại học, mà có thể cả ở ngoài trường đại học nữa. Đại học là con đường an toàn, nhưng cũng sẽ có người không chọn đại học vì khả năng của họ vượt lên trên những gì đại học có thể cung cấp, cho nên không nên lấy đại học làm tiêu chuẩn cao nhất. Nó là giải pháp cho số đông, nhưng chưa hẳn là giải pháp tối ưu cho một nhóm thiểu số tài năng xuất chúng và ý chí hơn người", ông Nguyên nói.
Chính Sam Altman cũng không khuyến khích những người khác cũng bỏ ngang đại học như mình. Sam cho rằng các kiến thức được dạy trên trường đại học sẽ giúp ích rất nhiều cho mọi người khi thực sự bước ra đời.
Còn theo chuyên gia Bùi Khánh Nguyên, đi học đại học là để trở thành người có tư duy độc lập. Không nhất thiết tất cả mọi người đều phải vào đại học, nhưng đại học làm tăng năng lực nhận thức của mỗi người, cái gọi là "dân trí" (nhận thức, văn hóa) trong chính chúng ta.
Có một số tài năng trong thể thao, nghệ thuật có thể thành công không phụ thuộc nhiều vào việc học đại học, họ vẫn thành công, vẫn kiếm sống tốt, vẫn nổi tiếng, vẫn có địa vị xã hội. Nhưng số lượng những ngành nghề như vậy không nhiều.
Xã hội hiện đại ngày càng hướng tới sự chuyên nghiệp, ai cũng phải được đào tạo chuyên sâu. Việc có năng khiếu để bước vào nghề chỉ là thuận lợi ban đầu, còn sau đó khi hoạt động nghề nghiệp lại càng đòi hỏi học cao hơn. Nếu bạn phỏng vấn những người bỏ qua việc học đại học, rất có thể họ cũng rất muốn đi học đại học. Với các nghề nghiệp như nghiên cứu, giảng dạy, khoa học kỹ thuật, bác sỹ, luật sư… có mức độ chuyên môn cao thì học đại học là tiêu chuẩn tối thiểu.
Nhiều bạn trẻ là cử nhân kinh tế, thấy mình kiếm tiềm không bằng mấy người bán hàng online hay môi giới nhà đất, đã vội vàng phủ nhận giá trị của việc học đại học là cách suy nghĩ chưa chín chắn.
Đừng bỏ học đại học để cho giống với những người nổi tiếng
Theo ông Nguyên, những trường hợp thành công chúng ta nghe thấy thường là rất cá biệt. Họ không học đại học, thậm chí bỏ dở đại học cỡ như Harvard. Một lý giải sai lầm của chúng ta là họ "không thèm" học đại học nghĩa là những gì đại học dạy là vô bổ. Cách hiểu này sai.
Hầu hết những tỷ phú thành công bỏ học đại học vì họ đã có ý tưởng và dự định khởi nghiệp từ trước, và bỏ đại học là vì họ buộc phải lựa chọn toàn tâm toàn ý cho khởi nghiệp, nếu không cơ hội sẽ đi qua. Hoặc cũng có thể họ nhận ra việc học ở các trường đại học nghiên cứu lớn không cuốn hút họ.
Và sự thật là họ chỉ gác lại việc học đại học, chứ họ không ngừng học. Nếu không muốn nói họ là người học gấp 5 gấp 10 lần người bình thường để có thể thành công, nhưng học bằng cách khác. Do vậy, khi một bạn trẻ mà còn lông bông không biết mình muốn làm gì trong đời, việc bỏ học đại học để cho giống với những người nổi tiếng là một điều dại dột.
Bên cạnh đó, học đại học ngày nay là con đường dẫn tới cuộc sống trung lưu. Tức là nó đảm bảo một vị thế nhất định trên thị trường lao động và trong xã hội. Khi mà một bạn trẻ chưa có gì để khẳng định mình, thì học đại học là một con đường phổ biến để bạn được đào tạo và chuẩn bị cho một nghề nghiệp tương lai.
Tự nuôi sống được chính mình là biểu hiện đầu tiên của một thanh niên trưởng thành. Ngay cả khi còn chưa có một nghề nghiệp để kiếm sống, mà thanh niên bàn nhau không học đại học, thì đó chỉ là sự biện minh.
Tuy nhiên, có một số trường hợp có thể cân nhắc không học đại học.
Chẳng hạn, nhiều trường hợp học sinh tỉnh xa nhà nghèo đỗ đại học, cha mẹ gắng sức lo cho các em học xong đại học tới mức suy sụp cả kinh tế gia đình. Thậm chí là bán đất cho con du học, nhưng sau đó trong vòng 5 năm không kiếm được việc làm, cả cha mẹ và con cái đều bị áp lực.
Với những sinh viên thiếu hụt tài chính, nếu tìm được nguồn học bổng hỗ trợ cho các em để các em học đại học thì rất hay. Nhưng nếu không thể, thì đừng bán nhà bán cửa chỉ để học đại học. Có những lựa chọn khác thực tế hơn nhiều. Những em như vậy nên học nghề để nhanh ra kiếm việc, kiếm tiền, sau khi đã có thu nhập có thể tiếp tục học đại học hoặc học liên thông lên đại học.