Từ chuyện thủ đô Bắc Kinh mua lại trái phiếu trước hạn 17 năm

Chính quyền thủ đô Bắc Kinh đang thử nghiệm chương trình mua lại trước thời hạn loại trái phiếu có mục đích đặc biệt để tiết kiệm lãi vay. Quyết định này giúp tiết kiệm được hơn 70% chi phí lãi vay thông qua việc thu hồi sớm loại trái phiếu này trong năm 2023, theo dự thảo ngân sách mới của thành phố.

Công trình xây dựng ở quận nội thành Thông Châu của Bắc Kinh. Ảnh: Caixin

Công trình xây dựng ở quận nội thành Thông Châu của Bắc Kinh. Ảnh: Caixin

Tuy vậy, câu chuyện của thủ đô Bắc Kinh buộc mọi người phải lưu tâm hơn đến chuyện các địa phương “bán cái” các khoản nợ hiện tại cho tương lai. Bởi nhiều người đang lo ngại kiểu “đời cha ăn mặn, đời con cháu khát nước”.

Nhà đầu tư ủng hộ cách làm của chính quyền Bắc Kinh?

Tháng 8-2023, Bắc Kinh đã chi 39 triệu nhân dân tệ (5,5 triệu đô la) cho một phần khoản tiền gốc của đợt trái phiếu có mục đích đặc biệt trị giá 8,4 tỉ nhân dân tệ (1,18 tỉ đô la). Theo Sở Tài chính Bắc Kinh, đợt trái phiếu này kỳ hạn 20 năm, sẽ đáo hạn vào tháng 2-2040, tức gần 17 năm sau.

Số tiền huy động được từ trái phiếu đặc biệt được đầu tư vào đường cao tốc, cơ sở giao thông vận tải và cơ sở vật chất của thành phố. Theo cơ quan tài chính, khoảng 700 triệu nhân dân tệ đã được sử dụng cho một khu công nghiệp văn hóa ở quận phía đông Bắc Kinh.

LGFV được giới thiệu tại thủ đô Bắc Kinh vào năm 2015 để hỗ trợ vốn cho các dự án phúc lợi công cộng và cơ sở hạ tầng khả thi về mặt thương mại. Thu nhập từ các dự án được tài trợ sẽ dùng để chi trả cho loại trái phiếu này, ngược với trái phiếu thông thường có thể được thanh toán bằng công quỹ.

Quy mô phát hành trái phiếu LGFV của chính quyền địa phương khắp Trung Quốc tăng mạnh trong thời gian qua, khiến chi phí lãi vay thành gánh nặng. Dữ liệu từ Bộ Tài chính cho thấy, tiền trả cho lãi trái phiếu chính quyền địa phương lần đầu tiên vượt quá 1.000 tỉ nhân dân tệ trong năm 2022. Trong 11 tháng đầu năm 2023, chính quyền địa phương đã trả tổng cộng 1.140 tỉ nhân dân tệ tiền lãi trái phiếu.

Trái phiếu mà Bắc Kinh thu hồi vào tháng 8 được phát hành vào năm 2020 với lãi suất coupon là 3,42%. Nhưng trước đó, vào tháng 6 chính quyền Bắc Kinh đã phát hành thêm loại trái phiếu chuyên dụng kỳ hạn 20 năm với lãi suất coupon là 2,98%.

Đối với chính quyền địa phương, khi lãi suất giảm, việc trả nợ sớm trái phiếu chính phủ phát hành với lãi suất cao có thể tiết kiệm chi phí lãi vay. Nhưng chuyện thành phố Bắc Kinh phát hành trái phiếu có lợi suất thấp hơn, rồi thu hồi trái phiếu trước hạn để tiết kiệm dường như có lổ hổng.

Nhất là đối với các trái chủ, việc chính quyền thu hồi trái phiếu sớm hơn đồng nghĩa với việc mất đi thu nhập. Sở Tài chính Bắc Kinh giải thích, đối với trái phiếu LGFV của Bắc Kinh, giá trả trước được xác định bằng đấu thầu cạnh tranh trên cơ sở tự nguyện.

Đẩy khối nợ cho tương lai

Năm 2011, chính phủ Trung Quốc lần đầu tiên cho phép Thượng Hải, Triết Giang, Quảng Châu và Thẩm Quyến được phát hành trái phiếu đặc biệt. Lúc đó, khối nợ của chính quyền địa phương chỉ khoảng 1.700 tỉ đô la. Các công ty do chính quyền địa phương thành lập sẽ phát hành lại trái phiếu đặc biệt, với vốn huy động được sử dụng để xây dựng các dự án công ích. Cụm từ LGFV tức phương tiện tài chính của chính quyền địa phương hay trái phiếu doanhnghiệp địa phương hình thành từ đây.

Khối nợ địa phương càng ngày càng lớn. Năm 2018, Bộ Tài chính đưa ra chiến lược giải quyết khối nợ này. Sáu chiến lược gồm: thu xếp trả nợ bằng nguồn vốn chính phủ; bán vốn nhà nước và tài sản nhà nước; sử dụng vốn chuyển nguồn của dự án và thu nhập hoạt động để trả nợ; chuyển khoản vay thành nợ kinh doanh; đảo nợ hiện tại bằng cách phát hành nợ mới; hoặc sử dụng biện pháp tổ chức lại hoặc thanh lý phá sản.

Trong bối cảnh thu ngân sách sụt giảm, cách tiếp cận đầu tiên khó áp dụng. Chiến lược bán tài sản thứ hai để trả nợ chỉ khả thi đối với các chính quyền địa phương có cổ phần lớn trong các tài sản nhà nước chất lượng cao. Ví dụ cụ thể là Quý Châu, nơi chính quyền địa phương sở hữu vốn trong nhà máy chưng cất rượu Kweichow Moutai. Xét về tác động của thị trường, không có thành phố nào chuyển sang hình thức tổ chức lại hoặc thanh lý phá sản để giải quyết các khoản nợ tiềm ẩn trong hai năm qua.

Chiến lược phổ biến nhất của LGFV là đẩy vấn đề vào tương lai. Một trong những ví dụ nổi bật nhất là Công ty xây dựng cầu đường Tuân Nghĩa, một LGFV của tỉnh Quý Châu đã công bố thỏa thuận tái cơ cấu nợ với các chủ nợ. Chính quyền Quý Châu đã tái cơ cấu bằng cách lùi thời hạn tất cả các khoản vay thành 20 năm, chỉ trả lãi cho các khoản vay trong 10 năm tiếp theo. Điều này đã giúp Quý Châu lùi thời hạn trả nợ các khoản vay trị giá 15,6 tỉ nhân dân tệ. Tuy vậy, cách làm của Quý Châu khiến mọi người lo ngại rằng cả nước sẽ làm theo.

Một nguồn tin thân cận với Ngân hàng Nhân dân Trung Hoa (PBoC) nói với Caixin rằng Tuân Nghĩa là một trường hợp đặc biệt và khó có thể nhân rộng. Hiện Cục Quản lý tài chính quốc gia đã tạm dừng giai đoạn hai của tái cơ cấu ở Quý Châu.

Một chủ ngân hàng cấp cao nói rằng việc gia hạn nợ quá lâu sẽ gây tổn hại đến môi trường kinh doanh và hệ sinh thái tài chính địa phương. Các ngân hàng là chủ nợ lớn nhất đối với LGFV. Sau các đợt cắt giảm nợ ngầm của LGFV gần đây, bốn ngân hàng quốc doanh lớn nhất đã giảm mức độ tiếp cận với LGFV, nhưng hàng ngàn ngân hàng thương mại vừa và nhỏ vẫn nắm giữ một lượng đáng kể trái phiếu đặc biệt.

Trên sổ sách, các ngân hàng thương mại đổ khoảng 37.000 tỉ nhân dân tệ cho LGFV – theo nhà phân tích trưởng Wang Jian của hãng chứng khoán Guosen Securities. Ngân hàng cũng cho các thực thể LGFV vay thêm 3.000 tỉ nhân dân tệ các khoản vay phi tiêu chuẩn.

Yan Meizhi, người đứng đầu bộ phận tài chính thị trường Trung Quốc mở rộng (gồm đại lục, Hồng Kông và Macau) của ngân hàng UBS, ước tính mức độ tiếp xúc với LGFV của các ngân hàng Trung Quốc là 49.000 tỉ nhân dân tệ. Các nhà phân tích khác nói con số ước tính cao hơn, có người nói đã vượt ngưỡng 10.000 tỉ đô la.

Wang của Gousen Securities có cái nhìn tương đối lạc quan về tác động của việc tái cơ cấu nợ LGFV đối với hệ thống ngân hàng Trung Quốc. Ông ước tính, trong trường hợp xấu nhất, nếu chỉ 10% khoản nợ LGFV được cơ cấu lại, tác động đến tổng lợi nhuận của các ngân hàng thương mại dự kiến sẽ không quá 135 tỉ nhân dân tệ, tương đương 6% thu nhập ròng trong năm ngoái.

Một cách khác để giải quyết vấn đề là hoán đổi các khoản nợ tiềm ẩn, ngắn hạn, lãi suất cao lấy trái phiếu chính phủ dài hạn, chi phí thấp hơn. Kể từ năm 2014, Trung Quốc đã thực hiện bốn đợt hoán đổi như vậy.

Kể từ tháng 7, chính quyền các tỉnh Phúc Kiến, Quý Châu, Vân Nam, Giang Tây và Quảng Châu đã bắt đầu giúp một số chính quyền thành phố, thị xã, quận tham gia chương trình thí điểm quốc gia nhằm giảm thiểu rủi ro nợ của chính quyền địa phương. Các nguồn tin cho Caixin biết giá trị của các giao dịch hoán đổi này dự kiến sẽ đạt 1.500 tỉ nhân dân tệ. Yan của UBS nói rằng lý tưởng nhất là việc hoán đổi nợ LGFV trên quy mô lớn cần đi kèm với cải cách cơ cấu hệ thống tài chính, làm rõ mối quan hệ tài chính giữa chính quyền trung ương và địa phương.

Từ lâu, các tổ chức đã tin rằng chính phủ trung ương luôn là người đảm bảo nợ cho chính quyền địa phương. Vô hình chung, các LGFV được khuyến khích. Nhà kinh tế trưởng Zhong Zhengsheng của Ping An Securities nhận định rằng cần sớm cải cách mối quan hệ giữa trung ương và địa phương để phá vỡ ảo tưởng này.

Theo Caixin Global, BBC, Bloomberg

Ricky Hồ

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/tu-chuyen-thu-do-bac-kinh-mua-lai-trai-phieu-truoc-han-17-nam/