Từ chuyện xưa nghĩ đến chuyện nay

Câu chuyện Cái cân thủy ngân có nội dung đại khái là ngày xưa, có một nhà làm nghề buôn bán, gian tham chế ra một cái cân cán rỗng, trong đổ thủy ngân, hai đầu bịt đồng, không ai biết. Khi cân hàng bán cho người ta thì dốc cán về đằng móc, còn khi cân hàng mua của ai thì dốc cán cân về đằng quả. Như vậy một cái cân vừa nặng vừa nhẹ được, và bao giờ phần lợi cũng về mình.

Không bao lâu nhà ấy trở nên giàu có, vì buôn bán lọc lừa. Nhà này sinh ra được 2 đứa con mặt mũi khôi ngô, học hành thông thạo. Thiên hạ ai nấy đều khen là nhà có đại hồng phúc.

Tuy nhiên, thấy việc làm của minh là ác đức, hai vợ chồng sám hối, ăn năn phá bỏ cái cân, tu thân tích đức nhưng sau đó không bao lâu 2 đứa con lần lượt lăn ra chết. Câu chuyện dân gian cái cân thủy ngân nhắc nhở chúng ta sống hướng thiện, không làm những việc thất đức mà tạo nghiệp cho chính về sau.

So với câu chuyện Cái cân thủy ngân thời xưa thì câu chuyện sản xuất, buôn bán thực phẩm chức năng giả và những kẻ “chống lưng” cho chúng hiện nay còn khủng khiếp hơn nhiều.

Báo đăng, Công ty MediPhar và các đơn vị, tổ chức liên quan sản xuất, buôn bán thực phẩm chức năng giả với số lượng đặc biệt lớn, chỉ đạt khoảng 30% chỉ tiêu chất lượng; hơn 900 sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe đã được tung ra thị trường, chủ yếu nhắm vào nhóm người dễ tổn thương như người cao tuổi, trẻ em và phụ nữ mang thai.

Để việc sản xuất, buôn bán thực phẩm chức năng giả được trót lọt bọn chúng đã mua chuộc hối lộ 5 cá nhân thuộc Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế để được cấp 4 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện An toàn thực phẩm.

Đồng thời, phê duyệt 207 sản phẩm thực phẩm chức năng thuộc 9 công ty khác nhau. Các sản phẩm này được sản xuất dựa trên nguyên liệu được công bố là nhập khẩu từ Mỹ và châu Âu, nhưng thực tế phần lớn là hàng kém chất lượng có xuất xứ từ Trung Quốc.

Ngoài ra, các đối tượng này còn châm chế, bỏ qua các lỗi vi phạm. Nói chung là các cá nhân này đã buông lỏng quản lý của trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ thẩm định, cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất và cấp phép sản xuất các sản phẩm thực phẩm chức năng cho nhiều đơn vị, tổ chức kinh doanh thực phẩm chức năng trên cả nước.

Việc làm sai trái của trên Công ty MediPhar và các đơn vị, tổ chức liên quan và 5 cá nhân thuộc Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế không chỉ gây thiệt hại về kinh tế, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng, làm gia tăng sự phẫn nộ trong dư luận xã hội, gây mất lòng tin trong nhân dân.

 Số thực phẩm chức năng giả 100 tấn bị cơ quan công an phát hiện, thu giữ. Ảnh: cand.com.vn

Số thực phẩm chức năng giả 100 tấn bị cơ quan công an phát hiện, thu giữ. Ảnh: cand.com.vn

Việc buôn gian, bán lận trong câu chuyện Cái cân thủy ngân của người xưa nhẹ và hậu quả gây ra không lớn bằng việc sản xuất, buôn bán thực phẩm chức năng giả và những kẻ “chống lưng” cho chúng hiện nay nhưng đã phải trả giá rất đắt bằng cái chết tức tưởi của hai đứa con trai vô tội.

Điều đó chứng tỏ người xưa rất nghiêm khắc với tội mua gian, bán lận, lúc đó chắc là chưa có hành vi sản xuất, buôn bán thực phẩm chức năng giả và những kẻ “chống lưng” cho chúng, nếu có thì người xưa đã xử nặng hơn vì hậu quả gây ra nghiêm trọng hơn nhiều.

Dư luận yêu cầu bên cạnh xử lý nghiêm khắc đối với người thực hiện hành vi vi phạm về An toàn thực phẩm thì cần phải xử lý thật nghiêm những người tiếp tay, dung túng cho thực phẩm bẩn, đặc biệt là những người có chức vụ, quyền hạn.

Bên cạnh đó, bịt kín nay các kẻ hở trong hệ thống kiểm tra, cấp phép cho ngành thực phẩm chức năng, khắc phục cách làm mang tính hình thức, thiếu minh bạch và dễ bị thao túng.

M.T

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/su-kien-binh-luan/202505/tu-chuyen-xua-nghi-den-chuyen-nay-1042669/