Từ clip gây phẫn nộ của Thơ Nguyễn: Con bạn sẽ chịu hệ lụy khôn lường nào khi xem những thông tin sai lệch?
Nhiều người cho rằng clip của Youtuber Thơ Nguyễn có thể gây nên những suy nghĩ lệch lạc cho trẻ em rằng chỉ cần thành tâm cầu 'xin vía' búp bê thì đương nhiên sẽ học và thi tốt.
Trẻ dễ lệch lạc về nhận thức khi tiếp xúc với những nội dung không phù hợp
2 ngày nay, việc Youtuber Thơ Nguyễn làm clip đăng tải trên TikTok về việc thông qua búp bê để xin vía học tập cho các bạn nhỏ đang gây bức xúc trong dư luận, nhất là đối với các bậc phụ huynh.
Đa phần các ý kiến cho rằng, clip mang tính "mê tín dị đoan" khi Youtuber này đang ngầm truyền bá về Kumanthong (một loại búp bê có nguồn gốc từ Thái Lan, được nuôi như con người với mong muốn mang lại những điều may mắn, xua đuổi vận xui).
Điều này có thể gây nên những suy nghĩ lệch lạc cho trẻ em rằng chỉ cần thành tâm cầu xin vía búp bê thì đương nhiên sẽ học và thi tốt. Dù Thơ Nguyễn đã lên tiếng đính chính nhưng nhiều phụ huynh vẫn không chấp nhận và tiếp tục chỉ trích nội dung mà YouTuber này đã đăng tải.
Liên quan đến sự việc này, trao đổi với PV Báo Gia đình và Xã hội, chuyên gia tư vấn tâm lý Nguyễn Trọng Nhân, Công ty TNHH Truyền thông – Tư vấn và đào tạo Ý tưởng Việt cho biết: Thực tế hiện nay, có rất nhiều người đăng tải các video clip lên mạng, ban đầu chỉ nhằm mục đích giải trí nhưng họ lại không lường trước được rằng, trong video clip đó có những điều không phù hợp, thậm chí khiến nhận thức của người xem bị lệch lạc.
"Ngay trong clip "xin vía" trên, chúng ta dễ dàng nhận thấy, nếu các em nhỏ xem clip, trẻ sẽ có những nhận thức sai lệch về việc học rất nhiều, rằng chỉ cần cầu may mắn thì việc học sẽ thuận lợi, điểm sẽ cao mà không cần phải học bài chăm chỉ, nghe thầy cô giảng bài.... Rõ ràng, điều này là không đúng với khoa học và thực tế", chuyên gia tâm lý Nguyễn Trọng Nhân phân tích.
Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Trọng Nhân, tâm lý trẻ em rất đơn giản. Khi trẻ xem những video có nguồn gốc không rõ ràng hoặc có những nội dung không phù hợp với lứa tuổi sẽ ảnh hưởng đến nhận thức của trẻ, khiến các em có tư duy và hành động sai lệch, thậm chí đôi khi có những hành vi trái pháp luật do bắt chước theo các hành vi sai.
Vị chuyên gia này lấy dẫn chứng về câu chuyện đau lòng của cô bé 5 tuổi tại TP Hồ Chí Minh hồi cuối năm 2020 vừa qua. Chỉ vì chưa nhận thức rõ ràng về mối nguy hiểm của trò chơi "treo cổ" được đăng tải trên Youtube, em đã bắt chước theo để dẫn đến hậu quả không ai mong muốn. Và thực tế, còn rất nhiều những trường hợp thương tâm khác cũng bắt nguồn từ những thông tin sai lệch trên mạng xã hội.
Như vậy, rõ ràng, "thông tin đầu vào" đối với một đứa trẻ, nhất là đối với trẻ ở lứa tuổi mầm non, tiểu học - khi chưa nhận thức được điều gì nên và không nên - là rất quan trọng. Nếu không kiểm soát tốt "đầu vào" này sẽ rất nguy hại đối với sự phát triển và hình thành nhân cách của trẻ.
Thận trọng, có trách nhiệm với các kênh thông tin dành cho trẻ nhỏ
Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Trọng Nhân, hiện nay, với sự bùng nổ của thời đại công nghệ thông tin và các trang mạng xã hội, trẻ nhỏ có điều kiện tiếp xúc với các kênh thông tin, giải trí từ khá sớm. Hơn nữa, trên thực tế, hiện nay, không ít phụ huynh không có nhiều thời gian để nói chuyện, chơi đùa cùng con nên có thói quen đưa điện thoại, máy tính bảng, bật tivi để con có thể thoải mái xem những chương trình mà con thích.
"Đây thực sự là một vấn đề rất đáng lưu tâm vì nếu phụ huynh không kiểm soát được các nội dung mà con xem trên các kênh Youtube, mạng xã hội thì rất nhiều trẻ em sẽ xem những nội dung không phù hợp, không lành mạnh", chuyên gia Trọng Nhân nói.
Đề cập đến việc kiểm soát các nguồn thông tin trên Youtube và các trang mạng xã hội, chuyên gia cho biết, thời gian qua, các cơ quan chức năng, đơn vị làm truyền thông cũng đã có những chế tài, hành động trong việc kiểm soát và gỡ bỏ những kênh thông tin có nội dung không phù hợp, tuy nhiên, việc kiểm soát chưa thực sự sát sao.
Việc kiểm nghiệm nội dung chưa chặt chẽ nên vẫn còn để "lọt" nhiều nội dung chưa phù hợp, nhất là đối với trẻ nhỏ. Do đó, thời gian tới, cần có cơ chế mạnh hơn trong việc quản lý các kênh thông tin trên Youtube cũng như trên mạng xã hội.
Với những đơn vị, cá nhân chuyên sản xuất các kênh thông tin, giải trí dành cho trẻ em hoặc có đăng tải những clip chứa nội dung dành cho trẻ nhỏ, theo chuyên gia Trọng Nhân, điều quan trọng nhất là đơn vị, cá nhân đó cần ý thức và cẩn trọng về nội dung trước khi làm, kiểm định kỹ và phải có trách nhiệm với những gì mình đăng tải.
"Với những nội dung dễ gây hiểu lầm, phi thực tế, có chứa yếu tố nguy hiểm chỉ dành để "câu view", "câu like" thì tốt nhất không nên làm", vị chuyên gia nhấn mạnh.
Về phía các bậc phụ huynh, chuyên gia tâm lý Nguyễn Trọng Nhân cho rằng, bố mẹ cần dành thêm thời gian quan sát trẻ nhiều hơn. Khi phát hiện trẻ xem những video không phù hợp, ngay thời điểm đó, người lớn cần phân tích, giải thích cho trẻ điều đó là không đúng và không nên làm theo.
Cùng với đó, đưa ra những dẫn chứng cụ thể, kể những câu chuyện, hình ảnh thực tế để trẻ nhận ra sự nguy hại khi xem những video như thế và dần hình thành ý thức xem có chọn lọc với những nội dung tương tự.
Để hạn chế một cách tối đa trẻ tiếp xúc với các nguồn thông tin không phù hợp, chuyên gia tư vấn, trong lúc trẻ dùng điện thoại và các thiết bị điện tử khác, người lớn nên ở cùng trẻ để kiểm soát nội dung con xem những gì.
Nếu không thể ở cạnh trẻ, bố mẹ có thể cài tài khoản đăng nhập của mình (chẳng hạn Youtube). Điều này sẽ giúp lưu lịch sử tìm kiếm, các nội dung mà trẻ đã xem. Nếu có những kênh không phù hợp, bố mẹ có thể gỡ bỏ hoặc chặn những trang như vậy để con không tiếp tục gặp phải những nguồn thông tin xấu về sau.