Từ con
Tôi quen chị một cách rất tình cờ. Buổi chiều, tôi thường đưa cháu ra công viên hóng mát, còn chị, đi bộ thể dục quanh bờ hồ, rồi sau đó, lấy ghế đá công viên làm chỗ nghỉ chân.
Chị ngồi bên cạnh tôi, mỉm cười thân thiện và gợi chuyện làm quen.
- Cháu nội hay cháu ngoại đây?
- Dạ, "cháu quanh bờ" ạ !
- Sao lại gọi là "cháu quanh bờ"?
- Thì là cháu ngoại ấy ! Các cụ quê em vẫn hay gọi thế.
Họ kể là, khi đưa tang ông bà, nếu phải đi qua chỗ lội, cháu nội cứ thế bước đi, kệ bùn đất lấm, còn cháu ngoại, nó phải tìm chỗ khô ráo nó đi, dù phải đi xa hơn, vòng quanh bờ. Hiểu là, cháu nội thì nó thương xót ông bà, không cần biết là dưới chân bẩn hay sạch, cứ thế giẫm lên bùn đất mà đi, còn cháu ngoại thì vẫn còn để ý xem dưới chân như thế nào để còn bước tiếp.
Chị phá lên cười.
- À, ra thế !
Chuyện các cụ nói thế thôi, thời phong kiến trọng nam khinh nữ ấy mà, chứ bây giờ thì cháu nào chả vậy, phải không chị?
- Đúng rồi, cháu nào chả vậy.
Và rồi từ đấy, cứ đi tập thể dục là chị về ghế đá ngồi nghỉ, còn tôi thì đưa cháu ra công viên hóng mát ngồi cùng. Khi đã thân quen, chúng tôi tâm sự với nhau mọi niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống.
Quê chị ở một vùng đất ven đô, có con sông Hồng chảy qua, phù sa màu mỡ. Khi còn nhỏ, ngoài giờ đi học, chị giúp cha mẹ việc bãi, việc đồng, cấy lúa, tỉa ngô. Mọi việc nhà nông, chị làm thành thạo, đảm đang, vén khéo như người nông dân thực thụ. Trong xóm, ngoài làng, ai cũng lấy chị làm gương để dạy con.
Học hết phổ thông, chưa đầy mười tám, chị vào quân ngũ làm người lính thông tin. Được hơn một năm thì miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, chị không ra quân mà ở lại, tiếp tục đi học để theo nghiệp nhà binh.
Và chị gặp anh, thủ trưởng đơn vi hơn chị gần chục tuổi. Họ về chung một nhà trong lời chúc phúc của bố mẹ, anh em, họ hàng đôi bên, bạn bè, đồng nghiệp.
Niềm vui cứ thế nhân lên, viên mãn ngập tràn khi hơn một năm sau ngày cưới, đứa con trai mà anh chị cùng khao khát, ước mong đã cất tiếng khóc chào đời. Nó bụ bẫm, trắng trẻo và đáng yêu nhiều lắm.
Ngày ấy, anh chị cùng cơ quan và được ở trong một căn nhà tập thể. Thời bao cấp, hai vợ chồng nhà binh cũng còn khó khăn lắm, lấy đâu ra dư dả. Ngoài giờ ở cơ quan, chị nuôi lợn, tận dụng những chỗ đất còn bỏ trống trong khu tập thể để trồng rau.Vất vả đủ bề nhưng chị thật hạnh phúc vì có một đứa con ngoan ngoãn và khỏe mạnh, một người chồng yêu thương vợ con còn hơn cả bản thân mình.
Thế rồi, biến cố ập đến khi trong một lần trên đường đi công tác, anh gặp tai nạn, không qua khỏi để rồi vĩnh viễn chị mất anh.
Đất trời như sụp đổ. Hạnh phúc chẳng tày gang.
-Anh ơi ! Em chưa kịp sinh cho anh đứa thứ hai khi con đầu chúng ta chưa tròn năm tuổi.
-Anh ơi ! Em biết sống làm sao? em sẽ như thế nào khi thiếu anh. Mẹ con em biết dựa vào đâu?...
Trong tận cùng của nỗi đau,chị vật vã, gào thét được vài câu và ngất lịm. Trong mơ, chị gặp anh, anh ôm lấy chị, rủ rỉ, dỗ dành:
- Can đảm lên em, anh sẽ luôn ở bên.
Khi tỉnh dậy, chị không thể khóc được nữa, nước mắt cạn rồi. Chị nhìn trân trân lên di ảnh chồng và lại ngất.
Nỗi đau nào rồi cũng phải nguôi ngoai. Chị cần phải sống, phải mạnh mẽ để làm chỗ dựa cho con. Và chị đã giành hết tình yêu của mình cho thằng bé chưa đầy năm tuổi.
Chị còn trẻ lắm, xấp xỉ ba mươi. Xung quanh chị luôn luôn có người đòi giúp đỡ. Chị lảng tránh tất cả. Chị thương con và còn nặng lòng với anh nhiều lắm lắm...
Thời gian cứ thế dần trôi, chị vùi đầu vào công việc và chăm lo cho con. Thằng bé ngoan ngoãn, học giỏi. Nó vào đại học rồi đi du học. Một mình chị ở trong căn nhà trống vắng với niềm tin sau hai năm con về, lấy vợ, sinh cho bà một đàn cháu.
Rồi, thằng bé trở về trong vòng tay ấm áp của mẹ. Nó tìm được công việc phù hợp, ổn định, lấy vợ và sinh con. Chị nghỉ hưu trước tuổi với quân hàm đại úy và rồi lại bận rộn với công việc của người bà chăm cháu thay con.
Cứ như vậy, hai đứa trẻ lớn lên qua bàn tay chăm sóc khéo léo của bà. Rồi, chúng nó đi học, bà ở nhà tiếp tục công việc của một "ÔSin"
Nhưng rồi, không hiểu tại sao mà người con dâu muốn có một khoảng trời riêng, không ở cùng mẹ nữa? Nó bàn với chồng và chồng nó thì yêu và nghe vợ lắm. Chị miễn cưỡng đồng ý và cũng gom góp thêm thắt vào với con để nó mua một căn hộ chung cư giá cả trung bình.
Tưởng thế là yên, chị cũng bằng lòng sống một mình trong căn nhà vắng vẻ. Có thời gian, chị gặp gỡ bạn bè, tham gia văn nghệ, chiều chiều đi bộ quanh bờ hồ hóng mát, thảnh thơi. Thỉnh thoảng, nhớ cháu, chị lại sang chơi, mua cho cháu ít đồ ăn, dọn dẹp nhà cửa, một thoáng lại về.
Thế rồi, mặt hồ dậy sóng khi cách đây hai năm, anh con trai về đề nghị mẹ bán nhà để mua một căn hộ chung cư cao cấp, cả nhà ở cùng luôn cho tiện. Chị không nghe. Thuyết phục mẹ mãi không được, nó giận dỗi, thẳng cổ bỏ về.
Bẵng đi một vài tháng, anh con trai lại mò sang, hỏi mẹ mượn sổ đỏ để thế chấp ngân hàng vay tiền lấy vốn làm ăn. Chị không đồng ý.
- Căn nhà này là công sức của mẹ, mồ hôi của bố. Nó là kỷ niệm cuối cùng của đời bố mẹ. Nếu con làm ăn đổ bể, người ta tịch thu nhà, mẹ biết làm sao?
- Sao mẹ lại cứ nghĩ đến những điều tiêu cực ấy nhỉ?
- Nhưng mà mẹ giữ lại là giữ cho con. Mẹ chết có mang đi được đâu? Tất cả sau này là của con, của cháu.
Biết là không thể nào lay chuyển được mẹ, anh con trai đứng phắt ra về, phán một câu xanh rờn.
- Mẹ không cho con mượn thì từ nay con từ mẹ.
Chị tròn mắt nhìn, không thể nào tin nổi đó lại là lời của một đứa con. Đứa con ấy có ăn có học, là niềm tự hào, là niềm tin, là cuộc sống, là tất cả của chị. Đứa con mà chị giành cả tuổi trẻ, sức lực và tình yêu, từ bỏ tất cả khát khao của tuổi thanh xuân đang hừng hực để giành cho nó.
Sau khi trấn tĩnh, chỉ thẳng vào mặt con, chị quát:
-Cút thẳng nhà tao! Người ta có thể từ con chứ không thể nào lại để con từ mẹ.
Khi đứa con rời khỏi nhà là lúc người mẹ đổ sụp. Chị uất nghẹn đến mức không thể nào khóc nổi.
-Chị uất lắm em ơi ! Uất lắm ! Tại sao nó lại thế? Tại sao?....
Và chị khóc, khóc như chưa bao giờ được khóc. Những giọt nước mắt bị dồn nén quá lâu, hôm nay mới có dịp bung ra, xối xả, tuôn trào làm lay động con tim người đối diện.
Đợi cơn xúc động qua đi, chị kể tiếp.
- Chị đau đớn, chị suy sụp, chị không ngủ nổi. Cả tháng trời chị chờ đợi ở nó một lời xin lỗi. Nhưng không? Không có. Và cuối cùng, chị quyết định.
- Quyết định thế nào chị?
- Tôi chen ngang câu chuyện.
- Chị họp tất cả những người chủ chốt của anh em họ hàng nội ngoại hai bên, chị gọi cả hai vợ chồng nó về. Khi có mặt đông đủ mọi người, chị mang tờ giấy đã thảo sẵn "TỪ CON". Chị đọc rõ ràng, mạch lạc, xong nhờ mọi người ký.
Tất cả đều góp ý với chị hãy từ từ nhưng chị đã quyết, chị không nhân nhượng.
-Theo em thì chị cũng nên xem xét lại, nó là con mình
-Em ơi, chị đã chờ lâu lắm, chờ một lời xin lỗi của một đứa con. Nhưng mà không có. Không còn cách nào khác. Trước khi quyết định, chị đau lắm...đau lắm, nhưng thôi.
Tôi nhìn chị, khuôn mặt của người đàn bà vừa qua cơn xúc động gần như chưa trở lại bình thường, vẫn còn ửng đỏ. Phải nói là chị rất đẹp. Cái đẹp của người đàn bà đã bước vào ngưỡng tuổi bảy mươi nhưng vẫn còn trẻ lắm. Một vẻ đẹp sang trọng và quý phái. Những nét đẹp của một thời xuân sắc mà thời gian cũng không thể làm cho nó phôi phai.
Câu chuyện đã khép lại rồi mà vẫn đọng lại trong tôi một nỗi buồn day dứt. Thực ra tôi cũng chỉ được nghe câu chuyện này từ phía chị, còn suy nghĩ của người con, tôi không được biết. Nhưng dù sao, đó cũng là một cái kết buồn. Chẳng biết sau này thì chuyện về gia đình chị sẽ ra sao? Người con có hối cải và làm hòa với mẹ không? Tất cả là một ẩn số vì sau đó tôi về quê và cũng không còn liên lạc gì với chị.
Chuyện làng quê
Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/tu-con-a19098.html